Một bà mẹ tâm sự: “Có nhiều lúc, tôi thấy mình không phải người mẹ đảm đang”. Con trai chị là một đứa trẻ ngoan, dễ nuôi, nhưng chị không phải là một người mẹ kiên nhẫn. Rất nhiều lần, chị dặn mình phải bình tĩnh, dịu dàng với con.
Tuy nhiên, khi công việc, cuộc sống không được như ý muốn, chị lại cáu gắt. Lúc đầu, chị còn có thể cùng chơi và trò chuyện nhẹ nhàng với con. Nhưng không lâu sau, tâm trạng chị lại tồi tệ. Đặc biệt là vào ban đêm, mỗi khi chị chuẩn bị tắt đèn đi ngủ thì con mới đòi uống sữa, rồi lại tè dầm. Lúc này, chị chỉ muốn dậy làm mọi thứ thật nhanh rồi đi ngủ, hoặc kệ mọi việc, cứ thế dựa vào gối, không động đậy gì nữa.
Dù biết, các đòi hỏi của con không hề quá đáng, nhưng chị vẫn thấy mệt mỏi, chán nản. Để trút sự cáu giận của mình, không ít lần chị quát con: “Khó chịu với con quá, sao con không nói với mẹ sớm hơn”.
Lúc đầu, con trai chị không để ý. Nhưng sau khi nghe mẹ nói nhiều lần, có một hôm, cậu bé dè dặt hỏi lại: “Mẹ ơi, con đang làm phiền mẹ ạ?”. Lúc đó, ánh mắt cậu bé rất buồn, đầu còn cúi xuống.
Thực tế, không chỉ người mẹ này mà rất nhiều phụ huynh trong lúc bực bội, khó chịu đã nói những lời tổn thương đến con cái. Con người chúng ta thật kỳ lạ, chúng ta luôn lịch sự, tôn trọng người ngoài nhưng với gia đình thì lại sẵn sàng nói những lời tiêu cực. Có lẽ bởi suy nghĩ, người nhà sẽ dễ tha thứ cho nhau nên chúng ta quên mất sự sát thương của ngôn ngữ.
Đối với cha mẹ, có những câu nói của họ giống như lưỡi dao, có thể cứa vào trái tim non nớt của trẻ. Cụ thể là 2 câu sau:
1. “Con thật phiền phức”
Đôi khi, cha mẹ vì quá bận rộn, mệt mỏi và quở trách con: “Con thật phiền phức”. Cha mẹ nói xong có thể quên luôn, nhưng trẻ lại dễ bị tổn thương. Trẻ sẽ nghĩ, hình như mình đang đòi hỏi thái quá, dù rằng đó chỉ là nhu cầu muốn cha mẹ bớt một chút thời gian chơi cùng, lắng nghe mình kể về một chuyện vui nào đó xảy ra trên lớp. Dần dần, trẻ bắt đầu có hành vi kìm nén nhu cầu của bản thân và nói chuyện trái với lòng.
Dù ở nhà hay ở ngoài, trẻ cũng chỉ dám trả lời đối phương “ừ”, “không sao”, “không sao cả” vì sợ đối phương có thể nghĩ mình phiền phức.
Bên cạnh đó, nếu cha mẹ thường chê con phiền phức, con cũng có thể nghĩ bản thân không được cha mẹ yêu thương, ghét bỏ. Trẻ sẽ nảy sinh cảm giác bất an, bắt đầu phủ nhận, chán ghét bản thân, cho rằng mình đầy khuyết điểm. Quan trọng hơn, cách đối xử của cha mẹ có thể tác động đến chính phong cách làm cha mẹ của con cái sau này!
2. “Con chẳng làm được gì ra hồn”
Khi con làm gì sai, hoặc làm gì không vừa ý, nhiều cha mẹ dễ dàng thốt ra câu: “Sao con dốt thế”, “con chẳng làm được gì ra hồn”,… Câu nói này thực sự khiến con cái đau lòng. Bạn cần biết rằng, tiền đề sự tự tin của trẻ em đến từ sự công nhận, khẳng định của cha mẹ.
Nếu cha mẹ chưa bao giờ động viên mà còn thường xuyên châm chọc con cái, cho rằng con dốt nát, kém cỏi hơn con nhà người khác thì đây thực chất là sự phủ định hoàn toàn năng lực của một người.
Có một hiệu ứng tâm lý nổi tiếng trong tâm lý học được gọi là “Hiệu ứng Pygmalion”. Nó cho chúng ta biết rằng sức mạnh của sự gợi ý và kỳ vọng là rất mạnh mẽ. Mọi đứa trẻ đều có khả năng thành công, và sự kỳ vọng chân thành, nỗ lực không ngừng của cha mẹ sẽ mang lại kết quả như mong đợi. Ngược lại, nếu cha mẹ luôn chê bai, phủ nhận thì con khó lòng đạt được thành công.