Chuyện trẻ em phá phách, có hành động không đúng mực khi đi dự tiệc vẫn thường xảy ra, bởi trẻ thường hành động mà không nhận thức được hậu quả. Trách nhiệm của cha mẹ là hướng dẫn, dạy dỗ để con khắc phục, thay đổi hành vi.
Mới đây, một ông bố tại Trung Quốc nhận được “cơn mưa” lời khen vì có cách hành xử khéo léo khi con “gây chuyện” trong bữa tiệc. Được biết, anh cùng vợ đưa hai con 9 tuổi và 7 tuổi đến dự sự kiện tại một nhà máy rượu của bạn thân. Hai đứa trẻ rất thích thú khi được ngắm nhìn các loại dụng cụ uống nước có hình dáng khác nhau.
Khi hai vợ chồng đang trò chuyện thì bỗng nghe thấy một tiếng “bốp”. Một số người lớn cùng lúc quay lại, cảnh tượng trước mắt khá lộn xộn, trên sàn vương vãi đầy tăm. Thì ra, hai đứa trẻ đã chơi trò ném tăm và tất cả tăm trên các bàn tiệc đều rơi xuống đất. Hai đứa hoảng hốt nhìn bố mẹ, đứng đó không dám cử động.
Người mẹ đang định mắng con thì người bố ra hiệu ngăn mẹ lại, anh bước về phía các con và nói: “Những chiếc tăm ở đây đột nhiên làm bố nhớ đến một trò chơi đã chơi khi còn nhỏ! Bố nghĩ rằng hai con cần phải xin lỗi chú trước, sau đó chúng ta sẽ mua hộp tăm mới để trả chú”.
Hai đứa trẻ đứng sững một lúc. Chúng bình tĩnh lại và nói ngay: “Xin lỗi chú, chúng con không nên làm như vậy”. Sau đó, người bố quỳ xuống, nhặt cây tăm lên: “Tới đây, bố cùng con dọn dẹp”. Những người xung quanh cũng cúi xuống phụ ba bố con. Được biết, hai đứa trẻ đã chấp nhận “hy sinh” tiền ăn quà vặt suốt 3 ngày để dành mua lại tăm gửi trả chủ nhân bữa tiệc.
Cách ứng xử của ông bố nhận được sự đồng tình.
Ở những nơi công cộng hoặc trước mặt bạn bè, nhiều bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm đến thể diện. Nhưng trẻ con dù sao cũng là trẻ con, khi đến môi trường mới sẽ luôn có chút phấn khích nên thường gây rắc rối vì sự bất cẩn của mình.
Nhiều bậc cha mẹ sẽ la mắng con trước mặt bạn bè vì cho rằng điều này thể hiện họ là người có trách nhiệm. Nhưng đây là hành động cho thấy họ không quan tâm đến cảm xúc, thể diện của con. Nhiều đứa trẻ cảm thấy mình bị tổn thương nên bắt đầu làm ầm lên, khiến cha mẹ càng xấu hổ và mọi chuyện cuối cùng kết thúc trong sự ê chề.
Người cha trong câu chuyện nói trên rất khôn ngoan. Khi những đứa trẻ tỏ ra hoảng sợ đứng đó không dám cử động, anh cảm thấy con đang gửi những tín hiệu: “Chúng tôi bị sốc, chúng tôi đã làm vỡ một thứ gì đó, chúng tôi không cố ý làm vậy, chúng tôi đã sai”…
Người cha lúc đó nắm bắt được cảm xúc của bọn trẻ và nhanh chóng đưa ra phán đoán về toàn bộ tình huống, ngăn vợ mắng con, đồng thời khéo léo dùng gợi ý chơi trò chơi tăm để giải quyết tình trạng khó xử của trẻ. Đồng thời, anh cũng hướng dẫn các con xin lỗi chú và mua lại tăm để trẻ hiểu rằng mình phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm.
Nếu cha mẹ có thể quan sát con cái cẩn thận, nhạy cảm với các tín hiệu cảm xúc khác nhau do con gửi đến và phản hồi chính xác càng sớm càng tốt, họ sẽ không còn cảm thấy con mình “không vâng lời” hay “vô lý”, “nổi loạn” nữa.