Trước tranh cãi “Vì sao tôi không cho con học Ams?”, cựu học sinh đang học Tiến sĩ tại ĐH Cambridge bày tỏ: “Đây là ngôi trường lý tưởng!”
“Vị chuyên gia trên chỉ biết về những điều tiêu cực về trường Ams nói riêng và trường chuyên nói chung. Và chỉ muốn tin những điều đó để khẳng định cách dạy con của cô là đúng. Là quan điểm cá nhân nên mình không bàn luận thêm, chỉ đưa ra ý kiến từ góc độ của bản thân”, chị Hà My nhấn mạnh.
- Nữ sinh nhà nghèo, cấp 2 học trường làng đánh bay định kiến “phải học thêm mới thi đỗ Ams”
- Thạc sĩ Harvard cảm ơn mẹ vì đã tin con có thể vào Ams
- 17 sự thật “ai-cũng-biết” về trường Ams – ngôi trường chuyên hàng đầu cả nước
Trước bài viết: “Thi Ams mà không học thêm thì cầm chắc là trượt”, trích một bài đăng đang gây nhiều tranh luận bởi một chuyên gia giáo dục độc lập tại Hà Nội, chị Phạm Hà My (SN 1993, quê tại Hà Nội) đã có những chia sẻ về trải nghiệm học tập tại ngôi trường này.
“Vị chuyên gia trên chỉ biết về những điều tiêu cực về trường Ams nói riêng và trường chuyên nói chung. Và chỉ muốn tin những điều đó để khẳng định cách dạy con của cô là đúng. Là quan điểm cá nhân nên mình không bàn luận thêm, chỉ đưa ra ý kiến từ góc độ của bản thân”, chị Hà My nhấn mạnh.
Chị My từng là học sinh lớp chuyên Sinh, khoá 08-11, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ams). Hiện tại chị đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Ung thư và Đột biến (ĐH Cambridge, Anh Quốc).
Chị My chia sẻ trước đây, bản thân không học thêm bất kỳ nơi đâu mà vẫn trúng tuyển vào ngôi trường top đầu này.
Lý do bởi thời điểm đó, nhà chị khá khó khăn, cơm ăn còn phải lo từng bữa. Bố chị My chạy xe ôm, còn mẹ bán xôi ngoài đầu ngõ nên kinh tế gia đình chật vật. Đợt chị đăng ký thi vào trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ams), nhiều người đưa ra lời góp ý.
Những người hàng xóm cho học Ams phải tốn tiền tấn. Người cô cũng góp ý, thi vào Ams rất khó. Bố mẹ chị My mình cũng bị những lời nói đó tác động, xong chỉ hỏi con gái đúng một câu: “Con tìm hiểu kỹ chưa? Con vẫn quyết tâm thi đúng không?”. Sau khi nhận được cái gật đầu từ chị, bố mẹ đã luôn ở bên đồng hành, bỏ qua những lời xì xào.
Chị My nhớ lại, mẹ đã mua cho chị một cái bàn xếp 100.000 VNĐ, thay vì để chị “lăn lê bò toài” ra đất để học. Trong thời gian ôn thi, mẹ luôn quan tâm đến sở thích ăn uống của chị. Còn bố thì chở chị đi thi trên chiếc xe cà tàng, ngồi chờ ngoài cổng để đón về. Ngay cả khi làm bài thi không tốt, bố mẹ vẫn luôn ở bên động viên, an ủi con gái.
Thậm chí tới hôm nhận được kết quả đỗ Ams, chị My còn định không nhập học vì lo lắng học phí cao. Bố mẹ vẫn động viên chị học vì biết đấy là mơ ước của con gái. Lúc đi đăng ký nhập học, chị mới té ngửa khi biết tiền học chỉ 30.000 VNĐ/ tháng. Đã chục năm rồi, giờ nghĩ lại chị vẫn thấy bồi hồi hồi.
Cô gái 9x cho biết thêm con đường học tập của mình trải qua nhiều thăng trầm. Thời học cấp 2, chị học tại một ngôi trường làng. Khi lên cấp 3, may mắn chị học tại trường Ams – ngôi trường cả nước biết tên, và bản thân đã một thời thanh xuân vườn trường rực rỡ.
Chị Hà My tâm sự: “Tuy nhiên, học Ams thì vẫn trượt Đại học như thường. Không đỗ Y, tôi gắn bó với Đại học Khoa học và Công Nghệ Hà Nội (USTH). Còn ở bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, hiện tại tôi học tại Đại học Cambridge danh giá – top 3 các trường Đại học tốt nhất thế giới.
Nhờ những trải nghiệm trên, mà tôi hiểu được, danh tiếng của nơi mình học không quyết định năng lực. Điều quan trọng hơn cả là mình học được gì tại đó. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy được rất nhiều đặc ân mà những ngôi trường ‘tốt’ mang lại, và để có được chúng thì cần nỗ lực nhiều hơn một chút”.
Ams – một ngôi trường cấp 3 lý tưởng
Cựu học sinh trường Ams bày tỏ, cứ mỗi mùa thi đến là lại thấy trường cũ được réo tên. Bên cạnh những lời khen cũng có những phản hồi trái chiều đến từ các bậc phụ huynh.
Điều này cũng dễ hiểu bởi theo Tiến sĩ tâm lý học Rick Hanson, thiên kiến tiêu cực (negativity bias) được cho là một chức năng thích nghi mà con người có được qua hàng triệu năm tiến hoá. Nói cách khác, từ thời xa xưa, con người luôn phải chú ý đến những mối nguy hiểm để có thể tồn tại. Dần dần, xu hướng nhìn vào mặt tiêu cực trở thành bản năng của não bộ nhằm giúp chúng ta được an toàn. Có lẽ nắm bắt được tâm lí này, mà chúng ta luôn thấy những bài viết đặt tiêu đề “giật gân”.
Những tin tức này thường thu hút nhiều sự chú ý, phần nào khiến người xem ngộ nhận là sự thật và có giá trị cao. Do vậy, việc tìm hiểu và đánh giá một vấn đề dưới nhiều góc nhìn là vô cùng quan trọng.
Chị Hà My cho rằng học Ams không xấu xí, rất tốt là đằng khác. Cơ sở vật chất của ngôi trường được đầu tư, thầy cô giáo có chuyên môn cao, tâm lí, nhiệt tình là những điểm cộng. Điều mà chị thích nhất ở ngôi trường này là môi trường học tập năng động giúp phát triển khả năng tư duy, không ngại đổi mới, sáng tạo.
Thời chị My học tập, môn chuyên học 6 tiết thay vì 2 tiết như các trường không chuyên. Lớp 12 thì giảm xuống còn 4 tiết để tăng cường các môn khác cho thi Đại học. Như vậy cũng đâu gọi là học lệch lạc.
Chưa kể đến trong trường rất nhiều CLB phát triển cả kỹ năng và thể chất. Bạn bè xung quanh lại giỏi giang, năng động, dễ thương. Chị chia sẻ khi bản thân còn xoay xở với các thì ngữ pháp cơ bản, thì các bạn cùng lớp đã ôm những quyển sách SAT dày cộp, làm toán, viết văn bằng tiếng Anh.
Các bạn chia sẻ với nhau về giấc mơ Mỹ, về mùa tuyết trắng ở châu Âu, về những cây hoa anh đào ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Nghe vậy, chị không hề ghen tỵ, tự ti, thất vọng về bản thân mà chỉ thấy các bạn rất ngầu. Và chị My thấy thế giới ngoài kia thật bao la, từ đó có thêm động lực để phấn đấu. Nếu không học ở Ams, chắc chắn, sẽ không có Hà My ở Cambridge như hiện tại.
Áp lực không đến từ danh tiếng ngôi trường mà đến từ phụ huynh
Nhưng tại sao hình ảnh của Ams trong mắt nhiều phụ huynh là xấu? Nhiều người nhắc tới môi trường cạnh tranh khốc liệt. Cô gái trẻ cho rằng sở dĩ có điều này bởi áp lực từ trường lớp, thầy cô, bạn bè, bài vở thì ít; còn áp lực làm hài lòng cha mẹ thì nhiều.
Không ít bậc cha mẹ thấy trường tốt, muốn con thi vào nhưng bản thân con cái lại chưa tự tin với khả năng của mình. Ngay cả khi đỗ được vào trường chuyên lớp chọn, cha mẹ còn muốn nhiều hơn thế, thậm chí muốn con phải nhất nhì lớp mới chịu.
Còn về áp lực học tập là điều không tránh khỏi, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, khi việc học được coi là nghĩa vụ quan trọng nhất. Vì gia đình không có điều kiện nên khi đỗ vào trường Ams, chị My đã đặt mục tiêu cho bản thân sẽ cố gắng học hỏi nhiều nhất có thể. Chị cảm thấy may mắn vì có thầy cô giáo tâm lý, bạn bè tốt và đặc biệt là nền tảng gia đình giúp chị biến áp lực thành động lực, chứ không bị nó nhấn chìm.
“Những đứa trẻ chưa kịp lớn, chưa có nhiều cơ hội để biết bản thân mình muốn gì, ngày ngày phải cố gắng hơn thua với những đứa trẻ khác. Như tôi đã từng viết trước đây, nhiều bậc phụ huynh yêu con cái, nhưng theo cách khiến họ thoải mái nhất. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy thoả mãn khi con cái sai, còn mình đúng.
Rồi như một cái vòng luẩn quẩn, đến khi con cái muốn làm một điều gì đó lớn lao hơn tầm với, thì cha mẹ lại cấm cản vì lo sợ con không chịu được áp lực. Họ đâu biết rằng, họ hoàn toàn có khả năng biến ‘áp lực’ thành ‘động lực’ giúp con bay cao bay xa hơn. Đơn giản nhất là ủng hộ những đứa trẻ được một lần thử sức. Núi cao nào cũng sẽ có núi cao hơn. Bố tôi hay nói câu ‘Không nhất thì bét’ nên tôi chả sợ gì, cứ thế mà tiến tới, cũng đi được xa phết rồi”, cựu học sinh trường Ams trải lòng.
Ảnh: NVCC