Nên bán nhà đầu tư cho con học trường đắt đỏ hay cứ để “tiền nào của nấy”?
Đầu tư việc học cho con thế nào mới đúng cách?
- Bàn chuyện bán nhà cho con đi học trường quốc tế, tôi và chồng cãi nhau đến 3h sáng
- Bán nhà cho con học trường quốc tế, vợ chồng tôi trụ được 2 năm thì phải chuyển trường: Biết trước 2 điều đã không “ném tiền qua cửa sổ”
- Bố mẹ bán nhà hơn 6,8 tỷ đồng cho đi du học, con về nước đi làm lương 7 triệu đồng: Đời bố hi sinh, đời con lỗ tiền bạc, “lỗ” cả tương lai
Cha mẹ nào cũng mong muốn đầu tư tốt nhất cho con, đặc biệt là về giáo dục. Bởi thông qua nền giáo dục tốt, tương lai con sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Chính vì vậy, nhiều cha mẹ chẳng ngần ngại vay mượn, thậm chí bán những tài sản có giá trị như nhà cửa để đầu tư cho con học trường đắt đỏ.
Từng có một phụ huynh chia sẻ lên mạng xã hội chuyện gia đình chị đã bán nhà, cả gia đình thuê trọ chật chội, tiết kiệm đến từng chai dầu gội, lọ sữa tắm, cuộn giấy vệ sinh để tập trung tiền cho con học trường quốc tế.
Nhưng như vậy liệu có tốt, có đúng đắn?
Ảnh minh họa.
Có ý kiến cho rằng: “Là cha mẹ, nếu tôi có hai căn nhà, khi con cái đi học, tôi có thể cân nhắc bán một trong hai căn đó để cung cấp cho con nền giáo dục cao cấp. Nhưng nếu chỉ có một căn nhà chắc chắn tôi sẽ không bán. Tôi sẽ cố gắng cho con nền giáo dục trong khả năng, vì gia đình tôi là một gia đình bình thường và tôi sẽ để con tận hưởng nền giáo dục bình thường”.
Người ta vẫn quan niệm: Dù khó khăn đến đâu cũng đừng để trẻ em khổ, dù nghèo đến đâu cũng đừng lơ là việc học của con. Tuy nhiên, việc cho con học trường nào, hưởng thụ môi trường giáo dục ra sao còn phải dựa theo hoàn cảnh kinh tế, khả năng chi trả của gia đình.
Một gia đình muốn cho con học ở trường quốc tế liên cấp ở trung tâm thành phố. Vậy nên họ đã mua luôn một căn nhà gần trường con học, nhằm mục đích đi lại thuận tiện. Gia đình này vốn giàu có, nên việc chi tiền mạnh tay cho con cái không ảnh hưởng mấy đến cuộc sống hàng ngày.
Nhưng có một gia đình khác, tài chính không đủ mạnh nhưng vẫn muốn cho con được trải nghiệm môi trường học tập đắt đỏ. Người vợ cho rằng, trẻ con phải có xuất phát điểm thật tốt thì tương lai mới không thua kém ai. Để chi trả tiền học cho con, họ phải sống chắt bóp đến mức kẹt sỉ. Kết quả là không khí gia đình luôn căng như dây đàn. Khi mâu thuẫn gia đình ngày càng tăng cao, cả hai đã “đường ai nấy đi”.
Cũng có một cặp vợ chồng khác, bỏ ra mấy trăm triệu, chuyển nhà, chạy vạy để cho con học một ngôi trường tư đắt đỏ. Nhưng sau này, con lại chỉ thi đỗ được một trường đại học hạng xoàng.
Tại sao nhiều bậc cha mẹ lại không tiếc tiền để cung cấp cho con môi trường giáo dục cao cấp, ngay cả khi tài chính của họ không hề dư dả? Thực chất, ngoài việc để trẻ có một tương lai tốt thì còn bởi các yếu tố sau đây:
– Một là tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn. Nhiều cha mẹ có thể vì trước đây quan tâm ít đến con cái nên sau này khi giật mình nhận ra điều đó, họ sẵn sàng làm mọi thứ để bù đắp cho con. Kể cả là bán nhà!
– Thứ hai là sự phù phiếm. Một số cha mẹ sợ người khác coi thường mình và con cái nên “cắn răng”, gồng mình lên để chi trả cho những thứ ngoài tầm với. Điều này chỉ gây hại chứ không có lợi.
– Thứ ba là tâm lý so sánh. Nhiều đứa trẻ ban đầu có học lực bình thường, nhưng khi cha mẹ chúng thấy con nhà khác được đầu tư học hành cao hơn thì liền nảy sinh tâm lý ganh đua. Họ quyết tâm đầu tư cho con mình bằng được để con mình cũng phải như con nhà người ta.
Thực tế, đầu tư học tập cho con một cách khôn ngoan, không phải là gồng mình để cho con vào trường thật đắt, bất chấp tình hình tài chính kinh tế gia đình. Cách khôn ngoan là căn cứ vào năng lực học tập của con và hoàn cảnh gia đình để chọn cho con ngôi trường phù hợp, đồng thời bồi dưỡng cho con những khía cạnh sau:
1. Giáo dục trẻ mục đích học tập ngay từ nhỏ
Hãy để trẻ hiểu rằng học là quyền và nghĩa vụ của trẻ, không phải học hộ thầy cô, bố mẹ. Giống như ăn uống là để no bụng mình, nuôi dưỡng cơ thể mình. Học tập là để nâng cao năng lực, tự trang bị cho mình kiến thức, hành trang vững bước vào tương lai.
2. Dạy trẻ tâm lý không so sánh, hơn thua
Bất kể trong học tập hay trong cuộc sống, xung quanh bạn luôn sẽ có nhiều người giỏi hơn. Người khôn ngoan sẽ nhìn vào những người giỏi hơn với thái độ vui vẻ, ngưỡng mộ, coi đó là mục tiêu phấn đấu, thay vì suốt ngày so bì, tị nạnh, ép bản thân phải cạnh tranh ngang tài ngang sức.
3. Giáo dục trẻ biết yêu thương và biết ơn
Tình yêu là tương hỗ, không chỉ cha mẹ yêu thương con cái, mà con cái cũng phải học cách yêu thương cha mẹ. Hãy để trẻ biết rằng cha mẹ nuôi dạy trẻ nên người là điều không hề dễ dàng. Hãy dạy cho trẻ hiểu những khó khăn của cha mẹ, đồng thời không trách móc, oán thán khi cha mẹ không thể cho trẻ theo học một ngôi trường đắt đỏ vượt ngoài khả năng tài chính của gia đình.