70% – 80% trọng lượng cơ thể chúng ta là nước, nước không chỉ giúp vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể mà còn duy trì nhiệt độ cơ thể, đào thải các chất cặn bã qua hệ thống tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp, da và là thành phần chính của chất nhờn bảo vệ các khớp xương…
Đối với phụ nữ mang thai, cơ thể cần nhiều nước cho quá trình trao đổi chất, cung cấp đủ nước cho các cơ quan trong cơ thể, ngăn ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu…
1. Uống nước quan trọng với mẹ bầu thế nào?
Uống đủ nước sẽ giữ cho cơ thể hoạt động tốt, nước làm loãng nước tiểu, ức chế vi khuẩn phát triển. Chất thải trong thận hòa tan trong nước và được thải ra ngoài qua nước tiểu. Điều này làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang và thận.
Nước giúp điều hòa, làm mát cơ thể. Cùng với đó, tình trạng đầy hơi, khó tiêu trong dạ dày do dư thừa axit cũng sẽ được hạn chế bởi nước uống. Đặc biệt là những loại nước nhiều khoáng chất sẽ giúp làm loãng và trung hòa bớt axit dư.
Đối với chất thải rắn cũng vậy, nước có chứa khoáng chất magie sẽ giúp làm mềm chất thải, tăng nhu động ruột giúp đi tiêu dễ dàng hơn. Hầu hết phụ nữ mang thai rất dễ bị táo bón do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, uống đủ nước sẽ hạn chế được tình trạng táo bón, trĩ khi mang thai.
Nhiều mẹ bầu khi mang thai vẫn gặp phải các tình trạng đau đầu, căng thẳng và uống đủ nước sẽ là cách đơn giản nhất để giảm những khó chịu này.
Phù nề, chuột rút vẫn thường xuyên xuất hiện ở bà bầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhưng nhiều khi chỉ cần bà bầu uống đủ nước sẽ cải thiện được tình trạng này.
2. Nhu cầu nước của mẹ bầu
Theo các chuyên gia, người bình thường cần uống từ 1,5 – 2l nước mỗi ngày.
Khi mang thai, do cơ thể mẹ bầu cần thêm chất lỏng để sản xuất thêm máu và nước ối nên sẽ cần từ 2,5 – 3ml nước mỗi ngày, tùy từng giai đoạn của thai kỳ.
Sau tuần 27, mẹ bầu nên bổ sung thêm 500ml/ngày để tránh nguy cơ sảy thai, sinh non.
Có một cách đơn giản để biết mẹ bầu nên uống bao nhiêu nước là đủ chính là quan sát màu sắc của nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu vàng đậm, hãy uống thêm nước.
Ngoài ra, nếu có triệu chứng táo bón, cơ thể mệt mỏi và hay chóng mặt, mẹ bầu hãy nên cố gắng uống nhiều nước hơn.
3. Dấu hiệu cơ thể mẹ bầu mất nước
ThS.BS. Lê Quang Dương – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững cho biết, mẹ bầu sẽ xảy ra tình trạng mất nước khi cơ thể mất nhiều chất lỏng hơn lượng nước nạp vào. Dưới đây là những dấu hiệu báo hiệu cơ thể không đủ nước để hoạt động mà mẹ bầu nên chú ý:
Khát và đói: Nếu mẹ bầu bị mất nước sẽ cảm thấy khát nước, đói hoặc cả hai tình trạng cùng lúc.
Thay đổi trong nước tiểu: Khi cơ thể mẹ bầu đủ nước, nước tiểu có màu vàng nhạt. còn nước tiểu sẫm màu báo hiệu tình trạng mất nước.
Mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu: Mang thai là một qua trình gian nan, vất vả, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên. Mất nước có thể gây mệt mỏi và nhức đầu, vì vậy hãy uống nhiều nước để bảo tồn năng lượng.
“Sương mù não”: Là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, tinh thần mệt mỏi, kém tập trung, mất trí nhớ, mất ngủ nhưng nếu thiếu nước tình trạng này càng nặng nề hơn. Bộ não được cung cấp năng lượng, một phần là nhờ nước. Mất nước chỉ 2% cũng sẽ làm suy yếu khả năng thực hiện các nhiệm vụ nhận thức.
Da khô: Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu cần được bổ sung nhiều nước hơn để đáp ứng nhu cầu của thai nhi đang phát triển. Nếu mẹ bầu không uống nước đủ, nguy cơ khô da có thể xảy ra gây ngứa ngáy ở cổ, tay, vùng da xung quanh bụng là những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất.
ThS.BS. Lê Quang Dương
Trong thai kỳ, nếu bị ốm hoặc đổ mồ hôi nhiều cơ thể càng dễ bị mất nước nhanh chóng. Uống đủ nước có thể giúp thai phụ cảm thấy khỏe mạnh. Do vậy, trong thời kỳ mang thai nên giữ đủ nước bằng cách uống nước thường xuyên.
https://suckhoedoisong.vn/nen-uong-ba…
4. Lời khuyên để giữ nước cho cơ thể khi mang thai
Ngoài chú ý tới việc có thai uống bao nhiêu nước là đủ, dưới đây là một số lời khuyên để mẹ bầu uống nước mỗi ngày:
- Uống nước đã đun sôi nhưng không để quá 2 ngày hoặc uống nước đã được xử lý qua các thiết bị lọc nước.
- Uống nước thường xuyên, đừng đợi cho đến khi cảm thấy khát mới uống, uống từng ngụm nhỏ. Uống nước ngay khi thức dậy có thể là một cách tốt để tạo thói quen uống nước và nên uống vài ngụm nước trước khi đi ngủ.
- Tìm loại nước có nhiệt độ phù hợp khi uống. Nên dùng nước ấm hoặc có thể uống nước mát chứ không nên uống nước lạnh.
- Ăn thực phẩm dưỡng ẩm như trái cây và rau quả (có trung bình 90% là nước). Nên ăn hỗn hợp các loại thực phẩm lành mạnh như rau bina, cải xoăn, táo và cam… để đảm bảo rằng có đủ nước trong chế độ ăn uống.
- Khi không thích vị của nước lọc nguyên chất có thể thêm hương vị cho nước một vài lát chanh, dưa chuột, lá bạc hà hoặc một số loại quả mọng vào nước lọc sẽ làm tăng hương vị khiến mẹ bầu dễ uống nước hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mẹ bầu nên uống và nên tránh nước gì khi mang thai?