Lùm xùm cuộc thi Genius Olympiad 2023: Xin lỗi, rồi sao nữa?
Lùm xùm từ cuộc thi Genius Olympiad 2023 vừa tạm khép lại, nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Gia Định (TP HCM) bức xúc truyền tay nhau lời xin lỗi của thầy giáo Nguyễn Minh Trung được viết trên Zalo cá nhân.
- Vụ lùm xùm Giải thưởng Genius Olympiad: Khi “triển lãm thu phí” thành “cuộc thi danh giá”
- Nữ sinh TP.HCM tố bị “đánh cắp” bài thi ở Genius Olympiad: Sở GD&ĐT yêu cầu làm rõ trách nhiệm
- Vụ nữ sinh TP.HCM tố bị “đánh cắp” bài thi ở Genius Olympiad: BTC lên tiếng chính thức
Lùm xùm từ cuộc thi Genius Olympiad 2023 tạm khép lại theo nguyện vọng của gia đình em M.C. Trong quá trình tự đi tìm sự thật và công bằng cho bản thân đến khi có kết quả, cô bé vẫn một tâm ý xin cộng đồng mạng không công kích bạn thí sinh đã “đạo văn” bài thi của mình, không dùng những lời lẽ thiếu văn minh để tấn công gia đình em học sinh kia.
Điều đáng nói, người trực tiếp tạo ra “mớ bòng bong” này là thầy giáo Nguyễn Minh Trung thì thầy lại…im lặng. Theo dõi từ đầu câu chuyện, sẽ thấy khi không thể dàn xếp giữa các bên, câu chuyện bị công khai thì thầy viết tường trình gửi nhà trường và tiếp tục im lặng.
Sự im lặng của thầy có thể hiểu, nếu gia đình em M.C không làm tới cùng thì thầy sẽ “trong sạch” như cách giải thích vòng vo, thiếu trung thực trước đó.
Ngay khi sự thật được làm sáng tỏ, thí sinh gian lận bị thu hồi giải thưởng, ngành GD-ĐT lên tiếng thì nhiều thế hệ học sinh Trường Gia Định truyền tay nhau lời xin lỗi của thầy Nguyễn Minh Trung được cho là viết trên Zalo cá nhân. Nguyên văn lời xin lỗi như sau:
Có thể thấy, ngay cả khi sự việc được làm sáng tỏ, giáo viên này vẫn không nhận thức được lỗi lầm của mình. Lời xin lỗi của thầy Trung chẳng khác gì xin lỗi cho có, xin cho xong chuyện.
Trong lời xin lỗi, thầy Trung lại tiếp tục vòng vo, đổ thừa. Thầy đổ lỗi do không hiểu quy định từ cuộc thi. Dù những tin nhắn được công khai với gia đình em M.C trước đó đi ngược lại với giải thích của thầy.
Lời xin lỗi và giải thích này càng phi lý ở chỗ, những ai theo dõi cuộc thi này đều biết, ba năm qua, thầy Trung là người dắt học trò đi thi, khoe rất nhiều thành tích trên mạng xã hội, trong đoàn đưa học sinh đi thi năm nay còn có thêm giáo viên tiếng Anh của trường hỗ trợ. Thầy nói rằng mình chưa hiểu quy định cuộc chơi thì đến một đứa trẻ cũng dễ dàng nhận thấy có vấn đề.
Hai đứa trẻ, bị thầy cuốn vào một trò chơi bất công do thầy dàn xếp, các em sẽ trở nên như thế nào? M.C, cô bé 15 tuổi, mất niềm tin vào người thầy mình từng thần tượng và yêu quý. Q.U, một cậu bé 16 tuổi, chống đỡ thế nào khi phải quay lại trường?
Cậu bé phải chống đỡ thế nào khi dư luận lớn tiếng công kích? Cả một chặng đường dài phía trước, cậu bé phải làm sao nếu dư luận mỗi năm lại đào lên một lần?
Bộ GD-ĐT đã có nhiều quy định về đạo đức nhà giáo. Cụ thể, theo khoản 3, điều 4 Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ghi rõ người dạy phải “Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí. Theo khoản 2, điều 6 Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT cũng quy định: “Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục”.
Là một người làm giáo dục, thầy sẽ đối diện như thế nào với học trò, với chính mình? Liệu thầy có thể dạy được những đứa trẻ về sự tử tế, liêm chính và lòng tự trọng?
Lùm xùm từ cuộc thi Genius Olympiad không đơn giản chỉ dừng lại ở đây, bởi rất nhiều thông tin đã được công khai trên mạng xã hội, từ những tin nhắn thỏa thuận, dàn xếp của thầy Trung, đến chuyện thầy đã thừa nhận “chơi lén” trong kỳ thi, để tăng khả năng vào chung kết của học trò.
Chắc chắn truyền thông quốc tế sẽ nhắc về bê bối này, những cuộc thi trên đấu trường quốc tế sắp tới dù với danh nghĩa gì đi chăng nữa, khi nghe đến đoàn học sinh Việt Nam sẽ ra sao? Liệu có một cách đánh giá khách quan hay sẽ mãi bị “ấn tượng” bởi câu chuyện gian lận này?
Trường THPT Gia Định và ngành GD-ĐT TP HCM cần phải xử lý rõ ràng, minh bạch để làm gương, bởi một giáo viên như vậy không thể xứng đáng đứng trên bục giảng.