Phút nói thật: Phụ huynh cảm thấy thế nào nếu chẳng may con… trượt đại học?
Phụ huynh có những góc nhìn khác nhau về việc con không may trượt đại học mà bản thân yêu thích.
- Triệu phú 56 tuổi trượt đại học lần thứ 27, bỏ ngỏ ý định dừng bước
- 9 điểm/môn vẫn trượt đại học: Nên đổi mới tuyển sinh?
- Không có chuyện thí sinh từ đỗ trở thành trượt đại học
Có người từng nói thi đại học giống như một vụ “đánh cược” vậy, có người thắng thì cũng kẻ thua. Bên cạnh học sinh đạt được thành tích xuất sắc, đúng với mong ước kỳ vọng, thì cũng có những người chẳng may vụt mất cơ hội, không có được kết quả như ý trong kỳ thi được coi là quan trọng nhất cuộc đời này.
Nếu nói về mức độ căng thẳng khi con cái trượt đại học, các bạn học sinh lo 1 thì cha mẹ cũng phải lo lắng đến 10. Thất vọng, thương con, đau đầu tìm hướng đi cho tương lai con rồi cả cảm giác áp lực khi người xung quanh chỉ trỏ bàn tán…, các phụ huynh phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Phụ huynh tiết lộ cách xử lý nếu con trượt đại học
Cha mẹ nghĩ gì nếu không may con trượt đại học?
Có thể nói, phụ huynh hiện nay đa phần đã có cái nhìn cởi mở hơn về việc con không may trượt đại học mà bản thân yêu thích. Bởi theo lập luận của họ, đại học đúng là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công, nhưng nó không phải duy nhất. Ngoài ra hiện nay, có rất nhiều mô hình học tập để con lựa chọn bên cạnh học đại học như: cao đẳng, học nghề… nên không học cái này thì học cái khác.
Cô Loan (Quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay con trẻ có rất nhiều lựa chọn. Ngay kể cả trong bản đăng ký nguyện vọng, các con cũng có vô số nguyện vọng để lựa chọn. Nguyện vọng đầu tiên chắc chắn là những cái mà con hy vọng nhiều nhất. Mà theo nguyên tắc xếp nguyện vọng thì phải từ cao xuống thấp, không đỗ những cái đầu thì con còn nguyện vọng sau cơ mà. Vậy nên, chẳng may con không đỗ nguyện vọng 1 hay trường mà con yêu thích cũng không có gì quá buồn hay áp lực cả”.
Tiếp lời, cô Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) nói: “Con mình mà, có như thế nào vẫn là con mình và bậc làm cha làm mẹ phải chấp nhận hiện thực đấy thôi, không vấn đề gì cả. Có phải cứ đỗ đại học là mới thành công đâu”.
Cũng có quan điểm về vấn đề này, chú Hùng (Hà Nội) bày tỏ: “Nếu con không đỗ đại học thì mình nghĩ đơn giản là con không gặp may mắn hoặc đó là tín hiệu cho thấy đại học không phải là con đường phù hợp với con. Chứ chẳng lẽ lại đánh mắng đúng không, lúc đó con đã phải chịu bao nhiêu áp lực rồi, làm cha làm mẹ phải thấu hiểu và bên con những lúc khó khăn như thế. Chứ mình cũng ruồng bỏ, trách mắng thì con biết dựa vào ai.
Con trai mình là thí sinh tự do, năm ngoái không thi đỗ. Trước đó mình cũng vạch cho cháu nhiều con đường lắm, nhưng cháu bảo vẫn muốn học đại học nên xin bố mẹ cho ở nhà học và ôn thi lại một năm. Mình nhất trí thôi, không có gì phải gay gắt cả”.
Tóm lại, mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau về việc con không trúng tuyển đại học. Có phụ huynh sẽ cảm thấy buồn rầu nhưng cũng sẽ có những người bình tâm khi đối diện với sự việc này. Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định một điều rằng hiện nay có rất nhiều con đường cho các bạn trẻ lựa chọn. Việc các em không may mắn trượt đại học, hay không trúng tuyển vào ngôi trường mà mình yêu thích đã là một điều đáng buồn đối với bản thân các em rồi. Lúc này, cha mẹ phải luôn là chỗ dựa vững chắc nhất để cùng con bước qua giai đoạn khó khăn này và tìm được hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề.