Ở Ngoại giao có một môn học cực độc – lạ
Đây là môn học được nhiều sinh viên Học viện Ngoại giao yêu thích.
- Top 10 Hoa khôi Ngoại giao khoe sắc với đồng phục
- Lý do điểm chuẩn của Học viện Ngoại giao năm nay thấp hơn năm 2022
- Điểm chuẩn xét tuyển sớm Học viện Ngoại giao cao nhất 29 điểm
Học viện Ngoại giao là một trường thuộc Bộ Ngoại giao, cơ sở nghiên cứu – đào tạo đầu ngành thực hiện chức năng nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại ở Việt Nam.
Vì là ngôi trường hàng đầu về lĩnh vực ngoại giao, nên trường có rất nhiều môn học hay ho, độc – lạ mà gần như các trường khác không hề có như: Nhập môn xung đột quốc tế các vấn đề lý thuyết và lịch sử, Logic chính trị Mỹ, Phân tích sự kiện quốc tế, Ngoại giao văn hóa cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng…
Trong đó, có một môn học được rất nhiều sinh viên ngoại giao yêu thích, chỉ cần nghe thôi là đã thấy “oách”, đó chính là môn Công tác ngoại giao. Được biết, môn học này cung cấp cho sinh viên các kiến thức như: Các khái niệm ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, thư tín ngoại giao, tiếp xúc ngoại giao, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, đàm phán ngoại giao, văn kiện ngoại giao, lễ tân ngoại giao…
Nghe qua thì có vẻ khô khan, nhưng ở Học viện Ngoại giao, các bạn sinh viên được tiếp cận với môn học này theo cách thực tiễn như tổ chức các hội nghị mô phỏng. Tại đó, các bạn sinh viên sẽ phải áp dụng tất cả những quy tắc đã được học. Nếu vẫn tò mò về môn học này thì hãy theo dõi clip dưới đây:
Một tiết học thuộc môn Công tác ngoại giao, các bạn sinh viên phải mô phỏng tiệc chiêu đãi Chủ tịch nước cùng phu nhân hai nước Việt Nam – Lào (Nguồn: Bảo Thanh)
Ảnh minh họa
Nguyễn Diễm Quỳnh (Sinh viên năm 4 ngành Quan hệ Quốc tế) chia sẻ: “Mình may mắn được học môn Công tác Ngoại giao từ TS. Doãn Mai Linh, cô rất hài hước và nhiều kinh nghiệm. Ngoài lý thuyết cô còn kể nhiều câu chuyện làm nghề để chúng mình nâng cao khả năng xử lý tình huống. Cô thường xuyên tổ chức các buổi học dưới nhiều hình thức khác nhau, khi thì cô giảng bài, khi thì chính sinh viên chúng mình là người chủ động tổ chức buổi học.
Đặc biệt, trong các buổi mô phỏng hội nghị cấp cao, cô còn mời các cán bộ Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao để góp ý và chỉnh sửa cho chúng mình. Mình thấy đây là cơ hội đáng quý để mình và các bạn học hiểu được sự khác biệt giữa quy tắc, chuẩn mực và thực tế khi làm nghề”.
Nguyễn Diễm Quỳnh rất yêu thích môn học này
Trong tất cả những kiến thức được học ở môn này, Ngọc Anh (sinh viên năm 3, Học viện Ngoại giao) thích nhất khi học về các quy tắc bàn tiệc ngoại giao, cách sắp xếp chỗ và tặng quà, đồ lưu niệm trong lễ tân ngoại giao:
“Ở môn này, chúng mình cũng học được rất nhiều quy tắc như: Cần phải quan tâm ít nhất một số điểm trong việc tặng quà như: Chức vụ, giới tính, tôn giáo của người được tặng quà… Hay khi tặng quà thì phải xem xét đến cả yếu tố khí hậu nữa…
Thậm chí, hình thức của quà tặng cũng không được xem nhẹ nữa. Chẳng hạn như đất nước Nhật Bản, Hàn Quốc – nơi mà hình thức gói quà là một nghệ thuật rất kỳ công, nó có ý nghĩa ngang với món quà tặng”.
Tương tự, Nguyễn Thục Lâm (sinh viên năm 4, ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngoại giao) nói: “Đây là một môn học khá thú vị, sau khi học xong mình có thể áp dụng vào trong cuộc sống. Chẳng hạn học sinh mình sẽ biết những phép tắc cư xử, những chỗ ngồi danh dự trong bàn tiệc, quy tắc treo cờ… Lúc học là thực hành làm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN”.