Một kiểu nuôi dạy con lỗi thời, tác động tiêu cực nhưng nhiều cha mẹ vẫn áp dụng
Hiệu quả “ngay lập tức” của phương pháp này khiến nhiều phụ huynh hiểu lầm đây là cách giáo dục tốt.
- 8 sai lầm cha mẹ dễ mắc phải khi dạy dỗ con cái: Điều đầu tiên cần chú ý nhất
- Từng mắc nhiều sai lầm khi con học mầm non và tiểu học, bà mẹ đúc kết 8 điều lưu ý
- Mắc sai lầm khi dạy con, ông bố được “thức tỉnh” chỉ nhờ 1 câu nói
Khi chúng ta còn nhỏ, nhiều bậc cha mẹ đã hình thành một quan điểm, đó là nếu đứa trẻ mắc lỗi, nó sẽ nhớ sai lầm của mình rất lâu nếu được “ăn” một trận đòn. Khi đó, nhiều người đưa con đến trường gặp giáo viên còn không quên nói thêm rằng nếu con không nghe lời thì thầy cô cứ đánh. Bởi trong lòng họ, đánh đòn là một biện pháp giáo dục hữu hiệu, “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Tuy nhiên, với thông tin nuôi dạy con khoa học được phổ biến, ngày nay, chúng ta hiểu rằng dạy con bằng cách dùng roi vọt đã trở thành một phương pháp lỗi thời.
Roi vọt chỉ thay đổi hành vi tức thời
2 trường Đại học Texas và Michigan đã có 50 năm nghiên cứu và theo dõi 160.000 trẻ em. Họ phát hiện ra rằng những đứa trẻ bị trừng phạt về thể xác có tỷ lệ mắc các hiện tượng chống đối xã hội cao hơn, và có thể trạng tương đối kém hơn.
Giáo sư Andrew Grogan Keller của Đại học Michigan cho biết: “Trẻ em bị trừng phạt về thể chất giống như nạn nhân của sự lạm dụng. Đôi khi, một biện pháp trừng phạt về thể chất nhỏ, chẳng hạn như đánh đòn, có thể gây tổn hại lớn cho trẻ. Đồng thời, những tác động tiêu cực này cũng giống như bị lạm dụng, nhưng ở mức độ nhẹ hơn”.
Ai Fuya, bác sĩ tâm lý trẻ em, nhận định: “Việc cha mẹ dùng bạo lực sẽ gây tổn thương tâm lý rất lớn cho trẻ. Bằng cách này, trẻ sẽ thường lo lắng về việc lần sau sẽ bị trừng phạt. Chúng không cảm nhận được sự yêu thương và tôn trọng từ cha mẹ, niềm tin giữa cha mẹ và con cái cũng sẽ mất đi”.
Trẻ sẽ dùng những cảm xúc như khóc lóc, lo lắng, cáu gắt để thể hiện sự phản kháng, sợ hãi trước những hình phạt về thể xác từ cha mẹ, đồng thời tích tụ lâu ngày sẽ khiến trẻ gặp các vấn đề về tinh thần. Khi trưởng thành, trẻ em có thể trở nên trầm cảm, hoảng sợ và rối loạn ăn uống và những ảnh hưởng có thể rất sâu sắc.
Thực tế, việc giáo dục bằng roi vọt của cha mẹ chỉ làm thay đổi hành vi của trẻ ngay lúc đó chứ hoàn toàn không thể thay đổi tâm lý, thói quen của trẻ. Con cái ngỗ nghịch, mắc sai lầm thường có lý do riêng, nếu cha mẹ không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau mà chỉ dùng bạo lực để trấn áp thì chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của con mà thôi.
Mỗi sự trừng phạt về thể xác đối với một đứa trẻ đồng nghĩa với việc phải nếm trải nỗi đau bị cô lập, bị thờ ơ và bị phớt lờ… Theo thời gian, tính khí của trẻ sẽ tự nhiên trở nên thu mình lại và sự thù hận tiêu cực sẽ tích tụ ngày càng nhiều. Điều đáng sợ hơn nữa là việc sử dụng bạo lực sẽ được truyền lại. Nhiều bậc cha mẹ đã từng bị cha mẹ trừng phạt về thể xác khi còn nhỏ, họ đã rất tức giận và buồn bã vì điều đó, nhưng khi những người này trở thành cha mẹ, có quyền kiểm soát, họ cũng lặp lại cho con cái những đau đớn mà họ đã trải qua.
Dù mỗi người có những quan điểm khác nhau về phương pháp giáo dục đòn roi đối với trẻ em, nhưng cha mẹ nên tìm kiếm một phương pháp giáo dục đúng đắn hơn. Trẻ dễ cáu gắt, quấy khóc, ăn vạ, cha mẹ nên cho trẻ một không gian độc lập để bình tĩnh lại, đợi mọi chuyện lắng dịu mới từ từ nói chuyện. Nếu cha mẹ luôn có khuynh hướng bạo lực thì cũng nên kịp thời tìm đến chuyên gia tâm lý để khắc phục những xung động bên trong.
Một cây gậy không thể tạo nên những người con hiếu thảo, chỉ có con cái của những người con hiếu thảo mới có thể thành những người như cha mẹ mình.
Trên thực tế, cách giáo dục trẻ em hiệu quả nhất là dạy dỗ bằng kỷ luật tích cực và gương mẫu. Đối với những đứa trẻ ngày đêm bên cha mẹ, nhất cử nhất động của cha mẹ đều in sâu vào mắt và trong tim chúng, vì vậy người lớn nên chịu nhiều trách nhiệm về hành động của con cái.
Trừng phạt, theo một cách nào đó, là cha mẹ tức giận vì sự thất bại của chính mình. Nhìn bề ngoài, có vẻ như đó là vì lợi ích của trẻ em nhưng điều đó là vô cùng bất công.
Con cái khao khát tình yêu thương của cha mẹ, được quan tâm, chăm sóc. Cha mẹ nên dành sự kiên nhẫn và thấu hiểu cho con cái, đồng hành cùng chúng lớn lên khỏe mạnh, thay vì để con trải qua những cơn ác mộng tuổi thơ có khi ám ảnh cả cuộc đời.