Khi trẻ đang tức giận, cha mẹ nói 3 câu này chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”
Khi trẻ giận dữ, nhiều cha mẹ lúng túng không biết xử lý như thế nào cho phù hợp, điều đó khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
- Dù tức giận đến đâu, cha mẹ cũng không nên phê bình con trong 7 tình huống
- Cách lấy lại bình tĩnh khi tức giận bộc phát bất ngờ
- 5 câu ba mẹ nói lúc tức giận sẽ làm con tổn thương
Khi trẻ nổi cơn thịnh nộ, bạn đã bao giờ nói với con mình như câu như “cái đó chẳng phải vấn đề lớn”, “không việc gì khiến con phải tức giận như vậy”, “thật là lố bịch”, “thôi nào, chuyện chẳng có gì”… chưa? Những câu nói này có thể như “thêm dầu vào lửa”, khiến trẻ trở nên cực kỳ tức giận và mất kiểm soát.
Dưới đây là một số điều cha mẹ nên chú ý khi trẻ tức giận:
1. Không nói từ “đừng”
Việc phủ nhận cảm xúc của trẻ bằng từ “đừng” sẽ không làm trẻ nguôi cơn giận. “Đừng có tức giận nữa”, “đừng có bực bội nữa” là những câu nói khiến trẻ thậm chí còn khó chịu hơn.
Thay vào đó, bạn có thể khiến trẻ bình tĩnh lại một chút khi coi trọng cảm xúc của chúng bằng câu nói “con bực bội vì vẽ hình tròn mãi mà nó không tròn đúng không”, “con tức giận với con chó vì nó đã phá hỏng thành quả cả buổi sáng con ngồi xây nhà đúng không”.
Khi được cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc, trẻ sẽ cảm thấy được xoa dịu và không còn phải thể hiện sự đau khổ của mình bằng cách la hét to hơn hoặc khóc dữ dội hơn.
2. Không nói dối chỉ để làm nguôi cơn giận của trẻ nhanh
Thỉnh thoảng, bạn có thể nói với con mình ở độ tuổi mới biết đi hoặc mẫu giáo rằng, “không còn bánh quy nào cả” (dù trong tủ vẫn còn), nhưng nếu nói “iPad bị hỏng” (khi bạn không muốn con sử dụng nó) hoặc “cửa hàng đồ chơi đã đóng cửa” (khi không muốn dừng lại trên đường về nhà) sẽ chỉ làm nguôi cơn giận của trẻ trong thời gian ngắn.
Về lâu dài, thói quen nói dối này sẽ tạo ra nhiều mối nguy hại. Nếu bạn muốn con cái trung thực với mình, bạn cần phải trung thực với chúng. Bởi vì sớm hay muộn trẻ sẽ nhận ra rằng, iPad không tự nhiên bị hỏng vào một thời điểm nhất định mỗi ngày, và rồi chúng sẽ bắt đầu nghĩ gì về tất cả những điều khác mà bạn đã nói?
3. Không “đáp trả” hơn thua với con mình
Khi trẻ mới biết đi hoặc trẻ mẫu giáo nổi cơn thịnh nộ, chúng có thể sẽ thốt ra những câu như “con ghét mẹ”, “mẹ là một người mẹ xấu tính”, “con muốn với bố, mẹ tránh ra đi”, “mẹ đi đi”… Những câu nói này không dễ nghe, có thể khiến bạn buồn nhưng lại là cảm xúc tự nhiên và bình thường đối với cơn tức giận của trẻ em ở độ tuổi này.
Nếu bạn đáp lại hơn thua với con mình rằng “con cũng xấu tính lắm”, “mẹ cũng chẳng cần con nữa”, “sau này con đừng có gọi mẹ nữa”, nó không giúp giảm bớt cơn tức giận mà chắc chắn sẽ làm tình hình leo thang.
“Đừng nói chuyện với mẹ theo cách đó” hoặc “đừng có tỏ ra thiếu tôn trọng như vậy với mẹ”, mặc dù việc dạy con biết cách cư xử là tốt nhưng làm vào thời điểm này trẻ sẽ không tiếp thu gì cả.
Đáp trả tức giận của trẻ bằng cách tức giận hoặc nổi giận sẽ không giúp ích gì cho tình hình. Thay vào đó, bạn hãy giữ bình tĩnh và kiên nhẫn. Bạn có thể sử dụng những lời khuyên như “Tại sao con tức giận?” hoặc “Hãy nói cho mẹ biết con đang cảm thấy như thế nào”. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và hiểu rằng chúng không bị bỏ rơi trong cảm xúc của mình.
Mỗi đứa trẻ có cách xử lý cảm xúc khác nhau, vì vậy không có một phương pháp duy nhất nào phù hợp cho tất cả trường hợp. Điều quan trọng là cha mẹ tạo ra một môi trường đáng tin cậy và yêu thương, nơi trẻ có thể học cách quản lý và biểu đạt cảm xúc của mình một cách lành mạnh.