Nhiều nhà xuất bản sách giáo khoa nhưng “giá không giảm lại còn tăng”
Đoàn giám sát cho rằng, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2 – 4 lần giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
- NXB Giáo dục nói gì về giá SGK lớp 4, 8, 11 tăng 2-3 lần so với sách cũ?
- Khi nào phát hành SGK lớp 4, 8, 11 theo chương trình giáo dục phổ thông mới?
- Chuyên gia: Để lọt SGK có “sạn” là có lỗi với thế hệ trẻ
Nhiều người lần đầu tham gia viết sách giáo khoa
Chiều nay (14/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “ Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Liên quan đến đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông, báo cáo của Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đã có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp; đồng thời có 6 tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Hệ thống sách giáo khoa phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn các bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức của học sinh.
Ảnh minh họa.
Đoàn giám sát cũng đánh giá, việc tổ chức dạy thực nghiệm được tiến hành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc lựa chọn bản mẫu sách giáo khoa, các bài học để tổ chức thực nghiệm thể hiện tính đại diện, điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục.
“Việc lựa chọn cơ sở giáo dục phổ thông và các lớp học sinh để tổ chức dạy thực nghiệm cơ bản bảo đảm tính đại diện vùng, miền, đối tượng. Quy định về giáo viên dạy học, giáo viên dự giờ trong quá trình thực nghiệm thể hiện sự thận trọng”, Đoàn giám sát đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Theo Đoàn giám sát, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng, phải vừa làm vừa điều chỉnh, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia vào quy trình biên soạn sách giáo khoa. Một số quy định còn hạn chế quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa được huy động nhiều nhưng số lượng tác giả có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở trường phổ thông còn hạn chế; nhiều người lần đầu tham gia viết sách giáo khoa. Do vậy, việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học ở một bản mẫu sách giáo khoa chưa phù hợp với đối tượng học sinh.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện chủ trương “xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa” có một số nội dung chưa phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được 1 bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước”, Đoàn giám sát nêu.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh chủ trương, gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới trách nhiệm về quản lý nội dung giáo dục phổ thông.
Chi phí phát hành cao, chưa hợp lý
Đoàn giám sát cũng cho rằng, việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa, nhất là đối với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.
Nội dung này được Đoàn giám sát điểm tên hàng loạt bộ sách như sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 Bộ Cánh Diều; Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 của bộ sách Chân trời sáng tạo; sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống…
Đoàn giám sát cho rằng, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2 – 4 lần giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006, điển hình như sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 Bộ Cánh Diều; Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 của bộ sách Chân trời sáng tạo; sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống ; 5 sách Tiếng Việt lớp 1 của 5 bộ sách Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Bộ Chân trời sáng tạo, bộ Cùng học để phát triển năng lực, bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục…
Theo Đoàn giám sát, điều này gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách.
Mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.
Không chỉ vậy, chi phí phát hành sách giáo khoa còn cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu; tiến độ biên soạn, thẩm định, in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Rất ít tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.
“Việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương ở hầu hết các tỉnh chưa thực hiện được do vướng mắc về kê khai giá, thẩm định giá biên soạn sách giáo khoa làm căn cứ để thực hiện việc đấu thầu in ấn, phát hành sách”, Đoàn giám sát cho hay.