Bé gái 6 tuổi tự cứu mình khỏi tay bọn bắt cóc chỉ bằng một câu nói
Trẻ không thể lúc nào cũng ở trong tầm mắt của chúng ta, vì vậy cần dạy cho con biết một số phương pháp tự bảo vệ bản thân.
- Đây là 3 kiểu trẻ em dễ tránh được bọn bắt cóc, bề ngoài có thể hơi khó ưa nhưng lại an toàn
- Từ vụ bé trai 7 tuổi ở Long Biên bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?
- Cặp sinh đôi 3 tuổi bị bọn buôn người bắt cóc, người anh nói một câu khiến kẻ xấu bỏ chạy
Bắt cóc trẻ em là vấn nạn nhức nhối và vẫn đang hoành hành khắp nơi. Chỉ cần không cẩn thận, ngay cả con em chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.
Cách đây không lâu, MXH Trung Quốc từng xôn xao trước vụ việc một bé gái 6 tuổi bị bọn buôn người bắt cóc nhưng nhờ sự nhanh trí em đã tự cứu mình chỉ bằng một câu nói. Tìm hiểu sâu hơn, cư dân mạng ai nấy đều gật gù rằng các bậc phụ huynh cũng nên dạy con mình như thế để có thể đối phó khi gặp chuyện bất trắc tương tự.
Theo đó, nhân vật chính trong câu chuyện là cô con gái 6 tuổi của một bà mẹ họ Lưu ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Ngày xảy ra sự việc, cô bé đang chạy ra ngoài chơi với một đám bạn. Do mải nhìn lung tung nên cô bé đã bị tụt lại phía sau và bị những kẻ buôn người để ý rồi bắt đi.
Ảnh minh họa
Tốc độ của kẻ buôn người rất nhanh, gã ôm cô bé chạy thẳng. Trong quá trình chạy, nhiều người qua đường vì thấy lạ nên cũng chỉ trỏ. Tuy nhiên, kẻ buôn người vẫn giữ được bình tĩnh. Gã tỏ ra tức giận rồi mắng cô bé: “Bố đã bảo với con là không được chạy lung tung rồi cơ mà? Mẹ cũng không tìm thấy con đâu. Nếu không phải vì bố vẫn nhìn con chằm chằm thì chắc chắn con đã đi lạc rồi”.
Không ai ngờ được kẻ buôn người lại giả vờ làm bố cô bé. Thế nhưng, cô bé 6 tuổi này lại vô cùng thông minh. Ngay khi kẻ xấu vừa dứt lời, cô bé đã gọi với về phía một người qua đường: “Chú Lý! Ông ấy không phải bố cháu! Chú gọi cho bố cháu đi, bảo bố cháu cứu cháu với!”. Phản ứng của bé gái khiến kẻ buôn người sợ hãi, vì vậy gã nhanh chóng ném cô bé lại và bỏ chạy.
Thực ra, người qua đường kia không phải họ Lý và cô bé cũng hoàn toàn không biết người đó là ai. Cô bé chỉ đang nhờ sự giúp đỡ của người qua đường để bảo vệ an toàn cho mạng sống của mình.
Sau khi sự việc được lan truyền trên MXH, netizen dành rất nhiều lời khen cho hành xử nhanh nhạy của cô bé 6 tuổi:
– Đứa trẻ này thật thông minh, con bé còn “chơi” lại cả bọn buôn người luôn. Tặng bé một like nè!
– Hiểu rồi, từ giờ trở đi tôi phải dặn con cháu tôi rằng chúng cũng nên làm như vậy khi gặp phải kẻ xấu.
– Phải thừa nhận rằng cô bé này rất thông minh, bố mẹ cô bé chắc hẳn cũng đã giáo dục con rất tốt.
Quả thực, cô bé rất dũng cảm và thông minh, nhưng bọn buôn người ngày nay thực sự có ở khắp mọi nơi và chúng ta rất khó đảm bảo an toàn cho con 100%. Vậy khi trẻ gặp nguy hiểm thì làm thế nào để thoát ra?
1. Giữ bình tĩnh
Nhiều đứa trẻ khi gặp nguy hiểm, suy nghĩ đầu tiên của chúng là chạy trốn và rất hoảng loạn. Tuy nhiên, đối diện với một người trưởng thành, khả năng đối kháng của trẻ là chưa đủ để thoát khỏi nguy hiểm, ngược lại, còn dễ khiến kẻ xấu nắm được nhược điểm và tiến hành áp chế.
Vì vậy, cách tốt nhất là trẻ phải giữ bình tĩnh, bởi chỉ trong trạng thái bình tĩnh, trẻ mới có thể đưa ra giải pháp hoàn hảo nhất giúp mình thoát khỏi nguy hiểm và thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ bắt cóc.
Ảnh minh họa
2. Yêu cầu giúp đỡ
Trẻ thường cảm thấy sợ hãi khi đối mặt với nguy hiểm, nhưng càng sợ, trẻ càng dễ bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để kêu cứu, kết quả là càng lúc càng đẩy mình sâu hơn vào nguy hiểm.
Cách đúng đắn là khi gặp nguy hiểm, trẻ đừng để cảm xúc của mình quá kích động, cẩn thận quan sát xung quanh, tìm một số người có thể giúp mình và nhờ họ giúp đỡ, đây là cách tốt nhất để trốn thoát. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần hướng dẫn con rằng người con tìm đến để cầu cứu phải là người có khả năng nhất định. Nếu đó là phụ nữ ốm yếu hay người già, chưa chắc họ đã có thể giúp trẻ thoát khỏi nguy hiểm, thậm chí còn đẩy ngược họ vào tình thế nguy nan.
3. Ghi nhớ thông tin phụ huynh
Một số trẻ dù thoát được sự truy đuổi của bọn buôn người nhưng lại không nhớ được thông tin của cha mẹ khiến việc liên lạc với gia đình gặp khó khăn, cha mẹ cũng không thể tìm đến và đưa các em về nhà kịp thời.
Vì vậy, cha mẹ cần dạy con ghi nhớ thông tin về bản thân cũng như của cha mẹ. Ví dụ, trẻ cần nhớ được số điện thoại của cha mẹ và địa chỉ nhà. Để khi mà trẻ thoát khỏi nguy hiểm, trẻ có thể dựa vào những thông tin hữu ích này và trở về vòng tay của cha mẹ trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: Toutiao