Có khoảng 90% phụ nữ chuyển dạ sinh nở bị rách âm đạo. Rách âm đạo thường xảy ra khi đầu của em bé lọt qua cửa âm đạo. Những vết rách này thường do đầu quá lớn mà âm đạo không co giãn dễ dàng. Rách âm đạo còn được gọi là rách tầng sinh môn.
Đa số vết rách chỉ liên quan đến vùng da xung quanh âm đạo thường tự lành trong vòng vài tuần. Nhưng một số vết rách nghiêm trọng hơn và cần được điều trị. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ kiểm tra vết rách sau khi sinh để xem tình trạng vết thương nhẹ hay nặng, có cần phải khâu hay không.
1. Nguyên nhân rách âm đạo khi sinh
Sinh thường (qua đường âm đạo) là vấn đề phổ biến trong quá trình chuyển dạ gây ra những vết rách hoặc vết rách nghiêm trọng. Rách âm đạo (rách tầng sinh môn) khi sinh con là một vết rách xảy ra ở vùng đáy chậu hay còn gọi là tầng sinh môn (khu vực ở giữa âm đạo và trực tràng). Trong suốt quá trình sinh con, âm đạo phải kéo giãn đủ rộng để em bé có thể đi ra ngoài. Đối với một số phụ nữ, việc kéo giãn âm đạo sẽ không gây nên bất cứ vấn đề gì, nhưng cũng có phụ nữ gặp phải tình huống rách âm đạo.
Hầu hết các bà mẹ sinh thường con đầu lòng đều gặp phải vấn đề này, vì các mô ở bộ phận sinh dục ít linh hoạt so với những bà mẹ đã từng sinh con. Âm đạo bị rách còn do mẹ bầu quá cân hoặc chuyển dạ nhanh khiến các mô có rất ít thời gian để thích ứng và kéo giãn khi em bé đi ra ngoài. Ngôi thai cũng là một yếu tố góp phần gây nên tình trạng rách âm đạo, nhất là trong trường hợp ngôi ngược với đầu hướng lên trên, mông hướng xuống dưới gây quá nhiều sức ép lên âm đạo của người mẹ.
Việc sử dụng máy hút, kẹp forceps hoặc thời gian chuyển dạ kéo dài có thể dẫn đến sưng âm đạo nặng làm tăng nguy cơ rách.
Các rách âm đạo do sinh thường có thể gây đau và có thể khiến sản phụ khó đi lại hoặc ngồi trong vài ngày. Vết rách nghiêm trọng hơn có thể rất đau và chảy máu.
2. Mức độ rách âm đạo khi sinh
Rách âm đạo được chia làm 4 độ:
Rách âm đạo độ 1
Rách âm đạo cấp độ 1 ít nghiêm trọng nhất, vết rách chỉ đến thành âm đạo, không ảnh hưởng đến phần cơ. Thông thường, không cần khâu nhưng bác sĩ cũng có thể sẽ chỉ định khâu âm đạo bằng một vài mũi. Rách cấp độ 1 thường gây đau hoặc xót khi đi tiểu. Vết rách này thường lành trong vòng vài tuần.
Rách âm đạo độ 2
Đây là vết rách thường xuyên nhất, gây ảnh hưởng đến thành âm đạo và sâu hơn một chút vào mô của âm đạo. Bạn cần được khâu nhiều mũi hơn. Rách cấp độ hai thường cần phải khâu lại và thường lành sau 3 đến 4 tuần.
Rách âm đạo độ 3
Rách cấp độ 3 đi vào cơ bao quanh hậu môn, được gọi là cơ vòng (cơ thắt) hậu môn. Những vết rách này được khâu từng lớp riêng biệt, đặc biệt chú ý khâu kín lớp cơ hỗ trợ cơ thắt hậu môn. Thường mất khoảng 4 đến 6 tuần để chữa lành. Nếu bị rách cấp độ 3, có thể cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Sau khi vết rách âm đạo cấp độ 3 được chữa trị, một số vấn đề có thể xảy ra bao gồm nhiễm trùng, tách vết rách đã được chữa trị, tiểu – tiện không tự chủ. Nếu nhận thấy bất kỳ vấn đề nhiễm trùng nào, hãy liên hệ với bác sĩ.
Rách âm đạo độ 4
Rách âm đạo cấp độ 4 là nghiêm trọng nhất. Vết rách này đi sâu bao gồm toàn bộ các tình trạng của 3 mức độ ở trên và còn mở rộng qua thành ruột. Vết rách này phức tạp hơn, cần được chữa trị cực kỳ tỉ mỉ và cẩn thận. Tình trạng này rất ít khi xảy ra. Mức độ 3 và 4 chỉ xảy ra khi vai của em bé bị mắc lại bên trong âm đạo của mẹ hoặc khi mẹ sinh con khó, cần phải hút và kẹp thai nhi.
Quá trình lành vết thương có thể mất từ 4 đến 6 tuần hoặc hơn. Nếu bị rách cấp độ 4, có thể cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Sau khi vết rách âm đạo cấp độ 4 được chữa trị, cũng như mức độ 3, một số vấn đề có thể xảy ra bao gồm nhiễm trùng, tách vết rách đã được chữa trị, tiểu – tiện không tự chủ. Nếu nhận thấy bất kỳ vấn đề nhiễm trùng nào, hãy liên hệ với bác sĩ.
3. Điều trị vết rách âm đạo
Vết rách âm đạo làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, khiến vi trùng xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn và gây nhiễm trùng. Vì vậy, khi bị rách âm đạo cần giữ cho khu vực xung quanh vết rách âm đạo sạch sẽ và khô ráo giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da.
Thường thì cảm giác đau đớn do vết rạch âm đạo sẽ kéo dài trong khoảng 1 – 2 tuần sau khi sinh. Khoảng 3 – 4 tuần sau, vết thương sẽ lành và 1 tháng sau sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi vết thương được chăm sóc, giữ sạch sẽ và không bị nhiễm trùng.
Để giảm đau và giúp vết thương chóng lành, chị em phụ nữ nên:
– Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và vòi nước chảy trong 15 – 30 giây trước khi chạm vào vết thương, rửa khu vực bị ảnh hưởng hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ, không mùi hoặc chất tẩy rửa.
– Dùng nước sạch đun sôi để ấm hoặc betadin pha loãng để vệ sinh vùng kín. Trong quá trình rửa, các thao tác cần được thực hiện nhẹ nhàng và từ từ. Mỗi ngày nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín 3 – 4 lần, nhất là sau mỗi lần đi vệ sinh.
– Đảm bảo vùng xung quanh âm đạo bị ảnh hưởng khô hoàn toàn trước khi mặc quần áo, tránh ngâm âm đạo trong nước lâu. Có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm bớt sự khó chịu, chườm túi nước đá lên khu vực này để giảm viêm và khó chịu. Nên sử dụng một chai xịt rửa vệ sinh trong và sau khi đi tiểu để giảm thiểu cơn đau và sau đi vệ sinh không lấy khăn giấy lau vào vết thương.
– Dùng băng vệ sinh mềm để giảm bớt sự khó chịu, tránh sử dụng các sản phẩm bên trong âm đạo, các sản phẩm mạnh hoặc có mùi thơm có thể ảnh hưởng đến độ pH có tính axit của âm đạo. Tuyệt đối không được dùng cốc nguyệt san (trường hợp kinh nguyệt trở lại sớm sau sinh) khi vết thương chưa lành hẳn.
– Trong khi vết rách âm đạo đang lành nên tránh quan hệ tình dục. Mặc đồ lót rộng rãi làm từ chất liệu tự nhiên, mềm mại, khô thoáng. Nên ngồi trên đệm hơi có thể điều chỉnh được sự căng phồng để giảm bớt cảm giác đau đớn.
– Thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng để ngăn ngừa táo bón có thể làm dịu áp lực và cơn đau ở vùng bị thương. Nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
– Ăn thực phẩm nhuận tràng để tránh táo bón khiến khi đi đại tiện phải rặn mạnh dễ làm tổn thương vết khâu.
– Thời gian đầu nên hạn chế vận động mạnh nhưng cũng cần di chuyển nhẹ nhàng để máu lưu thông đến tầng sinh môn tốt hơn, giúp vết thương chóng lành.
– Nếu đau nhiều chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ để được dùng thuốc giảm đau mà vẫn không ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.
4. Phòng ngừa rách âm đạo khi sinh
Vết rách âm đạo là hậu quả khá khó tránh khỏi khi phụ nữ mang thai sinh thường. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể sử dụng một số kỹ thuật nhất định để giúp ngăn ngừa những thương tích này.
Trong suốt quá trình sinh con, cố gắng giữ các tư thế ít gây áp lực lên ruột và sàn âm đạo như nằm nghiêng hoặc tập các động tác squat thẳng lưng. Tư thế tay đặt trên đầu gối và nghiêng người về phía trước có thể làm giảm nguy cơ rách vùng đáy chậu.
Trước khi sinh từ 4 – 6 tuần, hãy massage vùng đáy chậu mỗi ngày từ 10 – 15 phút. Massage thường xuyên phần dưới âm đạo với chất bôi trơn có thể làm mềm các mô, giúp các cơ vùng này linh hoạt hơn.
5. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Thông thường sản phụ đều được khám vết rách âm đạo ngay sau sinh, hoặc kiểm tra sức khỏe từ khoảng 6 tuần sau khi em bé chào đời. Nếu bị rách âm đạo, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ kiểm tra sự phục hồi âm đạo. Nếu có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn phát sinh do rách âm đạo, sản phụ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị.
Sản phụ cần đi khám ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau dữ dội, ngày càng đau tăng hơn
- Sốt
- Rò rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ)
- Són phân (đại tiện không tử chủ)
Mặc dù những đau đớn khi sinh nở, nhất là vết rách âm đạo khi sinh (hoặc do rạch tầng sinh môn) luôn khiến phụ nữ sợ và lo lắng. Mọi chuyện dần dần rồi sẽ trở về bình thường khi vết thương được chăm sóc cẩn thận, đúng cách. Vì thế, chị em hãy chú ý đến vấn đề vệ sinh vùng kín và nếu có bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ ngay để được xử lý kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung mà bạn cần biết.