Giáo viên dễ bị chèn ép, phải chăng học sinh Hàn Quốc đang …

16 mins read
Giáo viên dễ bị chèn ép, phải chăng học sinh Hàn Quốc đang …

Giáo viên dễ bị chèn ép, phải chăng học sinh Hàn Quốc đang được trao quá nhiều quyền?

Thạch Anh, Theo Phụ nữ Việt Nam 21:11 22/08/2023

Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây cho biết kể từ tháng 9, giáo viên sẽ có thêm quyền trong lớp học để đối phó với những trường hợp học sinh gây khó dễ cho việc giảng dạy, học tập.

  • Lo ngại chất lượng khi giáo viên rời trường vội đi bán hàng, làm giúp việc
  • Hàn Quốc lại thêm vụ giáo viên bị chèn ép: Phụ huynh tuyên bố con có “ADN của vua chúa”, cô phải cưng chiều
  • 5 hành động của cha mẹ khiến giáo viên đặc biệt khó chịu, ai từng mắc phải thì nên chấn chỉnh

Cuộc chiến âm thầm trong lớp học

“Lớp học của tôi tối tăm và đáng sợ”, một giáo viên tiểu học 23 tuổi cho biết trong một bức thư gửi nhà trường. Trong lớp học tối tăm, ngột ngạt ấy, học sinh trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất với giáo viên. Một học sinh vừa la hét vừa cầm kéo khiến cô giáo sợ hãi. Một học sinh khác bị bút chì rạch vào trán trong lúc xô xát. Phụ huynh của đứa trẻ bị thương thì gây sức ép với cô vì vụ việc.

Ngày 18/7, cô giáo ấy tự tử ngay tại trường học.

Thảm kịch đã mở chiếc hộp Pandora của nền giáo dục Hàn Quốc. Trong vài tuần sau đó, hàng chục nghìn giáo viên từ khắp đất nước đã tham gia các cuộc biểu tình ở Seoul bất chấp cái nóng oi bức. Lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, giáo viên biểu tình đòi quyền trong giáo dục.

Giáo viên dễ bị chèn ép, phải chăng học sinh Hàn Quốc đang được trao quá nhiều quyền? - Ảnh 1.

Dòng người bày tỏ lòng tiếc thương tới người giáo viên tự tử do áp lực.

Họ chia sẻ những câu chuyện bị phụ huynh và học sinh bắt nạt mà họ phải chịu đựng trong im lặng. Đó là những câu chuyện kinh hoàng về dọa nạt, hành hung và quấy rối.

Một chủ đề lặp đi lặp lại là những lời phàn nàn không ngớt và thậm chí lạm dụng từ phía cha mẹ học sinh. Tại Hàn Quốc, trung bình mỗi giáo viên kèm 25 học sinh. Ngoài giờ học và ngoài giờ làm việc, giáo viên phải đối mặt với những cuộc điện thoại liên tục từ phụ huynh.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là cách một số phụ huynh và học sinh khai thác hệ thống pháp luật và hành chính. Đạo luật phúc lợi trẻ em quy định rõ ràng rằng không trẻ em nào bị phân biệt đối xử dựa trên các khía cạnh kinh tế xã hội, tôn giáo, thể chất và sắc tộc. Nó cũng quy định rằng lợi ích của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu trong việc xử lý các hoạt động liên quan đến các em.

Chưa hết, tại Hàn còn có nhiều pháp lệnh về quyền của học sinh ở cấp tỉnh để bảo vệ học sinh khỏi mọi hình thức bạo lực và xâm phạm nhân quyền.

Nhưng một số phụ huynh và học sinh lợi dụng tính chất bao quát và mơ hồ của những hướng dẫn này để quy kết hành động và chỉ dẫn của giáo viên là lạm dụng trẻ em. Chẳng hạn, những hành động vô thưởng vô phạt như cười không đủ tươi hoặc không cho học sinh dùng điện thoại vào mạng cũng đủ dẫn đến các khiếu nại về hành vi phân biệt đối xử và lạm dụng trẻ em.

Khi học sinh ném những vật sắc nhọn vào giáo viên của mình hoặc sử dụng vũ lực với bạn học của mình, việc khống chế chân tay để tự vệ sẽ dễ dàng bị buộc tội lạm dụng thể chất. Khi bị khiển trách về những hành vi sai trái gây tổn thương, học sinh đe dọa sẽ tố cáo giáo viên về hành vi lạm dụng cảm xúc.

Giáo viên Hàn Quốc đang đòi hỏi điều gì?

Có thể nói, việc đi dạy với giáo viên tại Hàn Quốc lúc nào cũng căng như dây đàn bởi các cáo buộc chực chờ rơi xuống. Theo The Diplomat, một cuộc khảo sát cho thấy 9/10 giáo viên sống trong nỗi sợ bị buộc tội lạm dụng trẻ em. Theo Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, hơn một nửa số trường hợp vi phạm quyền của giáo viên liên quan đến hành vi đe dọa báo cáo họ lạm dụng trẻ em và các khiếu nại liên quan. Trong 5 năm qua, hơn một nửa báo cáo về lạm dụng trẻ em hóa ra là vô căn cứ.

Tuy nhiên, tác hại không thể đảo ngược vẫn được thực hiện. Theo Đạo luật Viên chức Giáo dục, các trường học có thể hủy bỏ tiết dạy của những người đang bị điều tra vì cáo buộc lạm dụng trẻ em. Cha Yun-kyung, một giáo viên lớp 4, nói với The Diplomat: “Ngay từ khi có những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc tranh cãi, các trường học có xu hướng áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc cho giáo viên nghỉ làm trong các cuộc điều tra”.

Cha nói thêm, ngay cả khi không có áp lực từ bên ngoài, các giáo viên bị điều tra có thể tự nguyện rời khỏi lớp vì sợ làm phiền đến trường học và học sinh của họ.

Giáo viên dễ bị chèn ép, phải chăng học sinh Hàn Quốc đang được trao quá nhiều quyền? - Ảnh 2.

Vụ việc hồi tháng 7 làm thổi bùng lên nhiều cuộc biểu tình đòi quyền lợi của giáo viên Hàn Quốc.

Đây là lý do tại sao một con số khổng lồ 94% giáo viên khăng khăng muốn loại bỏ thông lệ tự động tách giáo viên bị tố cáo khỏi học sinh hoặc đuổi việc chỉ dựa trên những cáo buộc vô lý về lạm dụng trẻ em.

Mặt khác, hỗ trợ pháp lý và hành chính cho những giáo viên bị ngược đãi và vu cáo trên thực tế là không mấy hiệu quả. Các cơ quan quản lý giáo dục để giáo viên tự bảo vệ mình trước mọi khiếu nại, lạm dụng và kiện tụng. Mặc dù Bộ Giáo dục cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho giáo viên, dịch vụ này thường thiếu nhân viên và không hiệu quả.

“Khi tôi mới trở thành giáo viên, rất nhiều người khuyên tôi nên đăng ký bảo hiểm tư nhân để trang trải các khoản phí pháp lý có thể xảy ra trong tương lai”, Cha nói.

Khi quyền của giáo viên bị vi phạm, hiệu trưởng thường tìm cách lấp liếm vụ việc. Ví dụ, hai giáo viên cùng trường đã tự tử vào năm 2021 do bị phụ huynh quấy rối thường xuyên. Trước khi qua đời, một người đã đệ đơn từ chức, nhưng bị trường từ chối. Người còn lại bị quấy rối bởi một phụ huynh đòi bồi thường cho vết thương tự gây ra của con họ. Nhà trường buộc giáo viên phải chịu trách nhiệm một mình và nói rằng cái chết của họ là “tai nạn do lý do cá nhân”.

99% giáo viên nói rằng họ là nạn nhân của một số hình thức đối xử bất công và hơn 1/4 trong số họ đã tìm cách điều trị tâm thần.

Các cuộc biểu tình chưa từng có của giáo viên và sự phẫn nộ của công chúng đã thúc đẩy một loạt các lời hứa và thảo luận của chính phủ. Vào ngày 1 tháng 8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kêu gọi Bộ Giáo dục chú ý đến tiếng nói của giáo viên.

Yêu cầu của họ là hệ thống hóa phạm vi các hành vi chỉ dẫn đúng đắn của họ, nhằm bảo vệ giáo viên khỏi những cáo buộc vô lý về lạm dụng trẻ em; có biện pháp răn đe, xử phạt đối với phụ huynh, học sinh hành hung, vu khống giáo viên; xác định một cách hợp pháp các khiếu nại ác ý và coi chúng là hành vi bạo lực; và viết lại các quy định về quyền của học sinh để chúng phản ánh không chỉ các quyền bất khả xâm phạm của học sinh mà còn cả nhiệm vụ và trách nhiệm của các em.

Các sửa đổi pháp lý cũng đang được chuẩn bị. Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền và Đảng Dân chủ đối lập đã tìm thấy điểm chung về phản ứng hợp lý của giáo viên trước các cáo buộc lạm dụng trẻ em, để bảo vệ quyền giảng dạy của họ và bảo vệ họ khỏi bị lạm dụng.

“Chúng tôi không nói rằng học sinh nên bị tước quyền và thụ động. Chúng tôi đang nói rằng quyền của chúng tôi cũng cần được bảo vệ. Chúng tôi chỉ muốn có thể giảng dạy và chăm sóc học sinh của mình”, Cha cho biết.

Pháp lệnh quyền học sinh sẽ phải thay đổi?

Hồi cuối tháng 7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho ghi nhận số lượng ngày càng tăng các trường hợp học sinh có hành vi gây rối nghiêm trọng trong lớp học.

Ông Lee cho biết trong cuộc họp với các giáo viên tại Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc: “Năm ngoái, các trường học đã phải xem xét và xử lý hơn 3.000 trường hợp vi phạm hoạt động giáo dục như vậy. Các hành vi vi phạm ngày càng đa dạng và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng”.

Giáo viên dễ bị chèn ép, phải chăng học sinh Hàn Quốc đang được trao quá nhiều quyền? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Lee Ju-ho trong cuộc họp gần đây với Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc.

Bộ trưởng nói thêm: “Các lớp học đang gãy đổ vì quyền của học sinh được ưu tiên và đề cao quá mức. Những lời khen ngợi và khuyến khích chính đáng được coi là sự phân biệt đối xử đối với các học sinh khác, điều này bị cấm theo sắc lệnh về quyền của học sinh. Và vì chính sách bảo vệ quyền riêng tư quá mức, giáo viên gặp khó khăn trong việc tích cực tham gia tư vấn cho học sinh và đôi khi giáo viên còn bị lạm dụng thể chất (bởi học sinh)”.

Tuy nhiên, bộ trưởng nói thêm rằng những thay đổi với hệ thống quyền học sinh sẽ phải được xem xét cùng các lãnh đạo ngành giáo dục.

Vào tuần trước, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng cho biết giáo viên sẽ được trao thêm quyền trong lớp học, chẳng hạn như yêu cầu những học sinh gây rối ra khỏi lớp, tịch thu điện thoại di động nếu ảnh hưởng tới việc học, và đề xuất hình phạt với hiệu trưởng.

Đặc biệt, những trường hợp khẩn cấp, giáo viên sẽ được phép sử dụng biện pháp cưỡng chế học sinh gây rối nếu học sinh đe dọa thể chất đối với giáo viên hoặc học sinh khác và các nỗ lực kỷ luật bằng lời nói không có tác dụng. Hiện tại, việc sử dụng vũ lực đối với học sinh bị cấm theo sắc lệnh về quyền của học sinh.

Nguồn: The Diplomat, JoongAng

  • vụ giáo viên hàn quốc tự tử
  • giáo viên tự tử
  • nghề giáo
  • giáo viên
  • giáo viên tại hàn quốc

Latest from Blog