Bài tập về nhà của giáo viên khiến nhiều phụ huynh bức xúc: Là vì mục đích học tập hay còn ý gì khác?
Một số phụ huynh đã trực tiếp chất vấn giáo viên trong nhóm chat chung.
- Người đã sáng tạo ra bài tập về nhà khiến bao thế hệ học sinh “ám ảnh”
- Xót xa cảnh bé trai co giật dữ dội khi nghe nói phải làm bài tập về nhà
- Bài tập về nhà đầy oái oăm của học sinh cấp 1, bố tức tốc gọi điện chất vấn cô giáo, nghe xong không thốt nên lời
Ở Trung Quốc, chuyện giáo viên tìm cách điều tra gia cảnh của học sinh đang gây khá nhiều tranh cãi. Được biết vào đầu năm học mới, giáo viên thường gửi cho học sinh một loạt mẫu đơn để phụ huynh điền vào. Những biểu mẫu này chứa thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, nơi làm việc của cha mẹ, thậm chí liệt kê một số tài sản của gia đình.
Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ tận dụng buổi họp phụ huynh để liên lạc thêm với cha mẹ học sinh. Thông qua một số chi tiết như cách ăn mặc, lời nói, hành động của phụ huynh, giáo viên cũng sẽ đánh giá kỹ hơn về hoàn cảnh gia đình.
Đối với phụ huynh, điều họ quan tâm nhất là, liệu nhà trường điều tra hoàn cảnh gia đình của từng học sinh là để giáo dục các em tốt hơn, hay còn nhằm mục đích không đúng đắn, vụ lợi nào đó?
Không phải phụ huynh lo xa mà thực chất vào năm 2021, tại tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) từng xảy ra vụ việc một giáo viên tiểu học đã lén điều tra gia cảnh của học sinh trong lớp và phân loại các em thành 11 loại, chẳng hạn như: 5 em là con của chủ doanh nghiệp; 6 em là con gia đình cán bộ, có quyền lực; 7 em bố mẹ có tiền án tiền sự;… Nhóm giàu có, quyền lực nhận được sự ưu ái hơn hẳn. Vụ việc khi ấy gây xôn xao dư luận đất nước tỷ dân, khiến phụ huynh vô cùng bức xúc. Lãnh đạo nhà trường cũng phải nhanh chóng vào cuộc điều tra.
Ảnh minh họa
Thời gian gần đây, không chỉ điều tra hoàn cảnh gia đình học sinh thông qua các tờ đơn, các buổi họp phụ huynh mà giáo viên thậm chí còn tiến hành điều tra qua cả… bài tập về nhà. Theo đó, nhiều phụ huynh Trung Quốc phản ánh những bài tập về nhà lạ lùng của con.
Chẳng hạn như bài tập về nhà có câu hỏi “Nhà em có mấy chiếc ô tô”; “em đang ở kiểu nhà gì, rộng bao nhiêu m2”. Thậm chí còn có một bài tập về nhà như sau: “Ô tô của gia đình em là hãng gì, biển số xe bao nhiêu? Em hãy chụp một bức ảnh cùng chiếc ô tô của gia đình mình”. Một số phụ huynh sau khi đọc bài tập về nhà lạ lùng này đã lập tức chất vấn giáo viên trong nhóm chat: “Xin hỏi cô, bài tập này nhằm mục đích gì?”.
Mục đích thực sự của việc giáo viên điều tra hoàn cảnh gia đình học sinh là gì?
Vì sao giáo viên lại điều tra hoàn cảnh gia đình học sinh? Việc này nhằm mục đích giáo dục các em tốt hơn hay còn vì mục đích vụ lợi nào khác. Thực chất, câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ thật cẩn thận và sâu sắc.
Có nhiều lý do để giáo viên điều tra hoàn cảnh gia đình của học sinh. Trước hết, việc hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của học sinh có thể giúp giáo viên nắm bắt rõ hơn đặc điểm, nhu cầu của từng em, từ đó có lợi cho việc cá nhân hóa giáo dục. Khi học sinh gặp tình huống khẩn cấp, giáo viên có thể nhanh chóng liên hệ với phụ huynh và giải quyết vấn đề trong thời gian sớm nhất. Sự hiểu biết này là một loại quan tâm, chăm sóc, có lợi cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thứ hai, giáo viên điều tra hoàn cảnh gia đình của học sinh cũng có thể giúp nhà trường phân bổ nguồn lực. Hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh có thể giúp nhà trường cung cấp cho học sinh tốt hơn các nguồn lực và dịch vụ hỗ trợ khác nhau, đồng thời đảm bảo rằng mọi học sinh đều có thể nhận được cơ hội giáo dục bình đẳng. Những cuộc khảo sát như vậy cũng giúp trường học xây dựng các chính sách và kế hoạch giáo dục phù hợp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, có những trường hợp giáo viên đã lạm dụng quyền điều tra này. Một số giáo viên điều tra hoàn cảnh gia đình học sinh vì tò mò cá nhân hoặc vì những mục đích không đúng đắn. Điều này không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo mà còn vi phạm quyền riêng tư của học sinh và phụ huynh.
Trong trường hợp này, phụ huynh có quyền từ chối cung cấp thông tin, thậm chí báo cáo lên bộ phận liên quan của nhà trường.