Những trường hợp nào bắt buộc trẻ phải nói “không”?

11 mins read
Những trường hợp nào bắt buộc trẻ phải nói “không”?

Những trường hợp nào bắt buộc trẻ phải nói “không”?

Tùng Bách, Theo Giáo dục và Thời đại 21:43 10/10/2023

Trên thực tế, có nhiều trường hợp bắt buộc trẻ phải nói “không” và phân biệt tình huống nào nên nhận lời hay từ chối.

  • Hành xử với ông nội khiến nhiều cha mẹ phải xem lại cách nuôi dạy trẻ
  • Ai nuôi dạy trẻ thông minh hơn? Không phải mẹ hay bà, đây mới là câu trả lời xác đáng của Đại học Yale
  • Chuyên gia tâm lý ĐH Harvard chỉ ra 4 nguyên tắc nuôi dạy trẻ phát triển trí tuệ

Những trường hợp cần nói không

Cô Đỗ Thị Hường, giáo viên Trường Liên cấp IQ (Hà Nội), cho biết thông qua các tình huống khác nhau, trẻ sẽ dần dần học được cách nhận biết tình huống nào nên nhận lời, tình huống nào nên từ chối.

Chẳng hạn, trong các tình huống sau trẻ nên từ chối: Món quà quá đắt tiền hoặc không phù hợp với trẻ. Ví dụ một cái áo hai dây là món quà không phù hợp cho bé vì bạn đã từng dạy cô con gái không được mặc đồ quá hở hang; lời đề nghị không phù hợp với truyền thống, những nguyên tắc trong gia đình mà cha mẹ thường dạy chúng. Ví dụ đi về quá muộn, thức quá khuya, hoặc đi xa dài ngày không có người lớn theo cùng, ngủ qua đêm ở nhà bạn…

Một món quà hay lời đề nghị từ người lạ không rõ nguồn gốc, người gửi có thể nguy hiểm cho chúng nếu không có người lớn kiểm tra. Nhiều trường hợp trẻ bị bắt cóc khi chấp nhận lời mời rủ của người lạ quá dễ dàng và không kiểm chứng. Theo đó, cô Hường gợi ý một số tình huống trẻ cần biết để đối phó với yêu cầu của người lạ mặt:

Nếu người lạ đòi mở cửa khi bé ở nhà một mình, thì trẻ tuyệt đối không nên mở. Bé phải chốt cửa thật chặt, rồi giả vờ gọi bố mẹ thật to trong nhà. Kẻ xấu tưởng bố mẹ ở nhà, sẽ sợ và bỏ đi ngay; nếu người lạ nói là người sửa chữa bếp gas, đường ống nước, đồ điện trong nhà hoặc là nhân viên thu tiền điện thoại… bé cũng không được mở cửa cho họ. Cần hẹn họ khi khác có bố mẹ ở nhà rồi đến sau.

Nếu người lạ bảo là đồng nghiệp, người làm cùng hay quen với bố mẹ, còn biết cả tên bé nữa, bé cũng phải cảnh giác, không mở cửa ngay. Trẻ hãy hỏi họ có việc gì cần, rồi ghi lại và bảo với bố mẹ sau; nếu người lạ ngồi lì trước cửa không chịu đi, bé hãy gọi điện cho bố mẹ hoặc hàng xóm, cũng có thể gọi điện thoại 113 báo cảnh sát; khi bố mẹ không có nhà, trẻ hãy bật tivi, bật đài lớn tiếng, để kẻ xấu tưởng trong nhà có người, chúng sẽ không dám quấy rối con.

Giúp trẻ biết chấp nhận sự từ chối

Ngoài việc dạy trẻ từ chối đúng lúc, cha mẹ cũng cần “nói không” với trẻ khi con năn nỉ, vòi vĩnh. Điều này sẽ giúp con định hình được cách từ chối nghiêm túc và chấp nhận sự từ chối của người khác.

ThS Nguyễn Thị Huệ – chuyên gia tại Tổng đài Chăm sóc sức khỏe và bảo vệ trẻ em gợi ý những cách để từ chối những vòi vĩnh ở trẻ.

Hãy cân bằng giữa từ chối và cho phép. Đừng luôn từ chối tất cả yêu cầu của trẻ, mà hãy lắng nghe và cho phép trẻ nếu điều đó thực sự trẻ có thể làm hoặc bạn có thể kiểm soát. Nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm vô ý hay cố ý luôn luôn từ chối không cho phép trẻ làm bất cứ điều gì.

Trẻ sẽ nhận ra rằng, cha mẹ luôn từ chối mọi thứ, chỉ khi phản kháng mới thực sự giải phóng. Nếu bạn giải thích vì sao từ chối hoặc đồng ý đòi hỏi của trẻ nhưng dưới 1 điều kiện nào đó chắc chắn trẻ sẽ luôn tôn trọng sự từ chối của bạn. Sau đó, trẻ sẽ đưa ra những đòi hỏi sau khi trẻ đã suy nghĩ kỹ.

Làm tốt điều này, cha mẹ cũng đã dạy trẻ một phần bài học “Tại sao cần được cho phép”, trẻ sẽ học cách suy nghĩ điều gì cần được cho phép khi đòi hỏi.

Nếu bé đủ tuổi để hiểu biết, người lớn nên gợi nhớ lại việc trẻ từng đòi mua siêu nhân nhưng không được cha mẹ đáp ứng. Lần này, yêu cầu của con cũng rơi vào trường hợp như vậy. Hãy dừng các hành động mắng chửi hoặc đe dọa. Thực tế, điều này không mang một thông điệp nào giúp trẻ ngừng vòi vĩnh. Thậm chí, nó còn là “ngòi nổ” giúp trẻ nhận ra cần làm dữ hơn, càng quyết tâm hơn để có được điều trẻ mong muốn.

Đừng quá dễ dãi cho trẻ quá nhiều. Có trường hợp, bất luận bố mẹ dỗ thế nào, cậu bé cũng không chịu đi, kiên quyết đòi bằng được. Cuối cùng, bà mẹ đành phải mua đồ chơi cho con. Trên đường về nhà, vẻ mặt của cậu bé lộ vẻ hân hoan vui sướng và những lần sau tiếp tục tái diễn thói quen vòi vĩnh cho bằng được.

Bài học cần thiết mà mọi đứa trẻ ngày nay cần học không phải là “chỉ nhận”, mà chính là sự hiểu “tại sao được nhận”. Khi hiểu bài học này, trẻ sẽ học được bài học quan trọng thứ 2 là “cho đi như thế nào?”. Nếu “chỉ nhận” thì trẻ rất khó để học bài học thứ 2.

Tâm thái của cha mẹ khi trẻ vòi vĩnh cũng quyết định sự thành công. Cha mẹ được khuyên là giữ đúng quyết định của mình đến phút cuối cùng. Việc bạn đồng ý cho trẻ mua món đồ ngay từ đầu vẫn tốt hơn là sau 1 thời gian giằng co và la mắng, cuối cùng bạn vẫn chấp nhận mua món đồ đó.

Vì thế, chính cha mẹ luôn đánh giá cần hay không cần để đưa ra quyết định cho phép hoặc từ chối và giữ đúng quyết định này. Người lớn sẽ truyền sự cương quyết cho trẻ và trẻ sẽ sớm nhận ra rằng, vòi vĩnh không phải là cách hữu hiệu để đạt được điều mình muốn.

Trao quyền cho trẻ. Người lớn có thể thương thuyết với con trong khả năng có thể. Chẳng hạn, bé sẽ được mua đồ chơi mới nếu như bé đi ngủ đúng giờ… Không phải mọi đòi hỏi của bé là xấu, quan trọng là bạn biết rõ giới hạn giữa cái đáp ứng được và cái không thể đáp ứng được với bé.

Nếu trẻ khóc đòi, thay vì dỗ dành, bạn thử phớt lờ. Khi phát tín hiệu mà không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình.

Tìm cách nói từ chối bằng 1 lời đề nghị hay lời giải thích ngắn gọn. Đây được cho là cách hiệu quả hơn là chỉ nói “không được”. Cha mẹ cần cung cấp thông tin truyền đến trẻ một cách rõ ràng và có lí do tại sao mà mẹ từ chối. Hãy cho trẻ thông tin, hơn là những lời từ chối suông. Làm tốt điều này sẽ giúp trẻ hiểu bài học “làm sao để được cho phép”.

  • Bài học dạy con
  • cha mẹ thông thái
  • Nuôi dạy trẻ

Latest from Blog