Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em
Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng.
Sâu răng ở trẻ có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Do vi khuẩn: Vi khuẩn Streptococcus Mutans làm lên men các chất bột và đường có trong thức ăn thành axit lactic. Vi khuẩn Streptococcus Mutans luôn hiện diện ở môi trường miệng của tất cả mọi người.
- Do thức ăn.
- Do kết cấu răng: Răng mọc lệch lạc.
- Do chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Tác hại của sâu răng đối với trẻ
– Khi bị sâu răng trẻ sẽ cảm thấy đau nhức, ê buốt, khó ăn uống ngay cả khi uống nước. Trẻ sẽ hay quấy khóc, khó ngủ và bị sụt cân, suy dinh dưỡng.
– Sâu răng ở trẻ còn ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa như dạ dày. Tình trạng sâu răng cũng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm xương hàm, viêm và áp xe các phần mềm vùng miệng… buộc phải có phương pháp điều trị lâu dài và tốn kém.
– Sâu răng nếu không được chữa trị sẽ khiến trẻ bị áp xe răng, răng bị hỏng, mất răng, một khi mất răng sẽ gây ra các bất tiện trong ăn nhai, phát âm, ổ xương răng bị tiêu đi, khi lớn sẽ ảnh hưởng đến khuôn mặt của trẻ.
– Nếu sâu răng không được phát hiện kịp thời sẽ ăn sâu vào trong phá hủy tủy, có thể làm thối tủy. Một khi tủy đã bị phá hủy thì không thể phục hồi, bắt buộc phải nhổ bỏ răng sâu.
– Đối với răng sữa nếu nhổ quá sớm trước thời kỳ thay răng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng vĩnh viễn sau này (chậm mọc hoặc bị mọc lệch). Nếu như răng vĩnh viễn bị sâu phải nhổ thì sẽ không còn răng khác mọc lên thay thế. Muốn giữ thẩm mỹ phải trồng răng giả, tốn rất nhiều chi phí.
– Nếu để tình trạng sâu răng nặng hơn là viêm quanh các cuống răng, viêm mô tế bào, viêm hạch, viêm tủy răng lan rộng, sẽ gây cho trẻ bị nhiễm trùng, sốt, xuất huyết. Thậm chí biến chứng sâu răng ở trẻ còn gây ra viêm màng não, rất dễ khiến trẻ bị tử vong.
– Một khi nhiễm khuẩn quanh cuống răng, có thể sẽ khiến trẻ bị rối loạn ở khớp thái dương, nhức đầu, mỏi cổ, rối loạn ở tim, thận… Cùng với đó, sâu răng ở trẻ còn làm cho hơi thở có mùi rất khó chịu, khiến trẻ ngại tiếp xúc, tự ti khi nói chuyện.
Dấu hiệu nhận biết sâu răng
Tổn thương sâu răng sớm ở trẻ là trên răng có vệt màu trắng đục, hơi ê nhẹ. Trẻ không có cảm giác đau. Khi tổn thương đã hình thành lỗ sâu, trẻ sẽ có cảm giác bị đau nhiều khi ăn lạnh, chua ngọt. Trẻ đau khi ăn nhai do thức ăn nhồi nhét vào lỗ sâu.
Lời khuyên thầy thuốc
Khi trẻ chỉ mới bắt đầu chớm sâu răng, phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi khám để các bác sĩ xử trí, tránh lây nhiễm cho các răng khác và bảo vệ tủy răng, giúp tránh tình trạng ê buốt răng khi ăn uống.
Trường hợp trẻ bị sâu răng nặng, cần đưa trẻ đến gặp nha sĩ để làm sạch răng, khử trùng, sát khuẩn và tiến hành trám răng hoặc nhổ răng, thay tủy răng.
Để phòng ngừa sâu răng ở trẻ cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen tự vệ sinh răng miệng đúng cách.
Trẻ cần được vệ sinh răng miệng thường xuyên, duy trì ngày 2 lần vào mỗi sáng và tối như người trưởng thành.
Bàn chải tối ưu cho trẻ là loại bàn chải lông mềm, có tay cầm đủ to để hỗ trợ trẻ dễ dàng cầm nắm, đầu bàn chải nhỏ. Với trẻ nhỏ mới mọc một vài chiếc răng sữa, có thể lựa chọn bàn chải ngón tay.
Chú ý về phương pháp chải răng: Hầu hết trẻ dễ dàng sử dụng phương pháp chải ngang. Chải ngang kết hợp với chải xoay tròn sẽ làm sạch răng hiệu quả hơn. Trẻ thường bỏ qua phần mặt nhai, mặt lưỡi và phần cổ răng gần lợi, do đó cha mẹ cần hỗ trợ trẻ làm sạch những vùng này.
Cha mẹ khuyến khích trẻ vệ sinh răng miệng, nhưng cũng cần giám sát và hỗ trợ đến khi trẻ đủ khéo léo để tự chải. Trung bình thời gian chải tất cả các bề mặt răng cần 2,5 – 3 phút.
Trẻ ở độ tuổi sơ sinh cần được lau lợi hàng ngày để làm sạch và làm quen với vệ sinh răng miệng.
Khi trẻ mới mọc răng, sử dụng bàn chải ngón tay và không dùng bất kỳ loại kem đánh răng nào. Cha mẹ cho trẻ vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý cho đến khi trẻ đủ lớn và biết nhả nước bẩn ra khỏi miệng. Lựa chọn kem đánh răng theo đúng độ tuổi được ghi bởi nhà sản xuất, không dùng kem đánh răng của người lớn cho trẻ nhỏ.
Trẻ ở độ tuổi đến trường và độ tuổi vị thành niên đã có đủ kỹ năng vệ sinh răng miệng, nhưng vẫn cần sự giám sát của cha mẹ.
Sử dụng chỉ tơ nha khoa để hỗ trợ làm sạch vùng kẽ răng.
Cha mẹ cần đưa trẻ khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh ở răng.
Răng sữa bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn trẻ từ 5 – 7 tháng tuổi và những răng hàm sữa cuối cùng được thay thế khi trẻ 11 – 12 tuổi. Răng sữa có chức năng ăn nhai, phát âm, thẩm mỹ, giữ chỗ cho răng vĩnh viễn và kích thích sự phát triển của xương hàm.
Răng sữa bị sâu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của trẻ. Sâu răng và mất răng sữa sớm gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ và ảnh hưởng đến bộ răng vĩnh viễn sau này.