Kỹ năng hàng đầu trong tương lai mà cha mẹ nên dạy con
Chuyên gia này cho rằng, sẽ thật thiếu sót nếu cha mẹ bỏ qua việc rèn luyện kỹ năng này cho con.
- Trước thềm “xuất ngoại”, Á hậu Phương Nhi được 2 người đặc biệt hướng dẫn kỹ năng ứng xử tiếng Anh: Đảm bảo giật giải cao!
- 8 kỹ năng cha mẹ nên dạy con từ nhỏ, đáng giá hơn bất cứ của cải nào
- Trang bị kỹ năng cơ bản để không còn nỗi đau do hỏa hoạn
Ông Nir Eyal, giảng viên Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng: Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn nuôi dạy những đứa trẻ thông minh và tập trung, đặc biệt là trong một thế giới mà sự phân tâm do kỹ thuật số dường như là không thể tránh khỏi. Ngay cả những người khổng lồ về công nghệ như Steve Jobs và Bill Gates cũng có chiến lược hạn chế thời gian sử dụng thiết bị của con họ.
Tại sao? Bởi vì trong tương lai, trên thế giới sẽ có hai loại người: Những người để sự tập trung và cuộc sống của mình cho người khác kiểm soát và những người không bị phân tâm.
Theo ông Nir Eyal, không mất tập trung là kỹ năng quan trọng nhất trong thế kỷ 21 – và đó là kỹ năng mà nhiều bậc cha mẹ không dạy cho con mình.
Ông Nir Eyal, giảng viên Đại học Stanford (Mỹ)
“Sau nhiều năm nghiên cứu sự giao thoa giữa tâm lý học, công nghệ và cách chúng ta tương tác với nó, một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi thấy các bậc cha mẹ mắc phải là không trao quyền tự chủ cho con kiểm soát thời gian của mình.
Cho phép con làm như vậy là một món quà to lớn, ngay cả khi trẻ thỉnh thoảng thất bại thì đó vẫn là một phần của quá trình học tập. Cha mẹ cần hiểu rằng việc giao trách nhiệm cho con cái sẽ giúp chúng học cách thực hành giám sát hành vi của chính mình, từ đó có cách quản lý thời gian và sự chú ý của bản thân”, ông nói.
Công nghệ ngày càng lan tỏa và có sức thuyết phục hơn. Trách nhiệm của trẻ – cũng như quyền của trẻ – là vượt qua sự phân tâm để sử dụng thời gian một cách khôn ngoan.
Ông Nir Eyal đã có hành trình đồng hành cùng con để giúp con học cách tự kiểm soát thời gian, không quá mất tập trung bởi các thiết bị màn hình:
Dạy con khi còn nhỏ
Khi con gái ông Nir Eyal lên năm tuổi đã khăng khăng đòi sử dụng iPad, vợ chồng ông biết mình phải hành động. Họ đã cố gắng hết sức để tôn trọng nhu cầu của con, đồng thời đã giải thích, đơn giản nhất có thể, rằng thời gian sử dụng thiết bị ảnh hưởng đến những thứ khác. Dành quá nhiều thời gian cho các ứng dụng và video đồng nghĩa với việc có ít thời gian hơn để chơi với bạn bè ở công viên, bơi ở hồ bơi hoặc ở bên bố mẹ.
Dạy con biết cách hoài nghi
Hai vợ chồng cũng cũng giải thích rằng các ứng dụng và video trên iPad được tạo ra bởi một số người rất thông minh và được thiết kế có chủ ý để khiến con bị cuốn hút và có thói quen xem thường xuyên.
Điều quan trọng là con của chúng ta hiểu được động cơ của các công ty game, mạng xã hội. Mặc dù những sản phẩm này mang lại niềm vui và sự kết nối, chúng cũng thu lợi từ thời gian và sự chú ý của chúng ta. Tuy những kiến thức này có vẻ to tát với một đứa trẻ 5 tuổi, Eyal cảm thấy cần phải trang bị cho con khả năng ra quyết định về thời gian sử dụng các thiết bị màn hình và thực thi quy tắc của riêng mình.
Trẻ em cần có đủ quyền tự chủ
Sau đó, vợ chồng ông hỏi con về thời gian xem màn hình bao nhiêu là đủ. Ông thừa nhận họ đã mạo hiểm khi cho con quyền tự quyết, nhưng rất đáng để thử.
“Thành thật mà nói, tôi đã mong đợi con nói: ‘Cả ngày!’. Nhưng đứa trẻ đã không làm thế. Thay vào đó, khi đã được trang bị logic đằng sau lý do tại sao việc giới hạn thời gian xem thiết bị lại quan trọng, với quyền tự do quyết định trong tay, con tôi ngượng ngùng yêu cầu ‘hai buổi’. Tức là hai tập của một chương trình phù hợp với trẻ em trên Netflix dài khoảng 45 phút”, ông Nir Eyal nói.
Ông hỏi con: “45 phút có phải là khoảng thời gian sử dụng thiết bị mỗi ngày phù hợp với con không?”. Đứa trẻ gật đầu đồng ý. Đối với ông bố này, 45 phút là ổn để còn nhiều thời gian cho các hoạt động khác.
“Con dự định làm thế nào để đảm bảo mình không xem quá 45 phút mỗi ngày?”, ông hỏi. Đứa trẻ đề xuất sử dụng đồng hồ hẹn giờ.
“Nghe hay đấy”, ông đồng ý. “Nhưng nếu bố và mẹ nhận thấy con không thể giữ lời hứa với chính mình và với chúng ta, cả nhà sẽ phải xem xét lại cuộc thảo luận này”, ông nhắc nhở con.
Ngăn chặn sự phân tâm bằng “hiệp ước nỗ lực”
Hiện nay, con gái 10 tuổi của ông Nir Eyal vẫn chịu trách nhiệm về thời gian sử dụng thiết bị. Cô bé đã thực hiện một số điều chỉnh đối với các nguyên tắc của mình khi lớn lên, chẳng hạn như đổi các tập phim hàng ngày lấy một đêm xem phim cuối tuần hay thay đồng hồ bấm giờ bằng loa thông minh Alexa.
Điều quan trọng, đây là những quy định của con, không phải của cha mẹ và con chịu trách nhiệm thực thi chúng. Dù không hề nhận ra nhưng con gái ông đã tham gia vào một “hiệp ước nỗ lực”, một loại cam kết trước liên quan đến việc tăng lượng nỗ lực cần thiết để thực hiện một hành động không mong muốn.
Kiểu cam kết này có thể giúp chúng ta trở nên khó phân tâm. Nhiều bậc cha mẹ muốn biết liệu có lượng thời gian chính xác mà trẻ được phép dành cho màn hình hay không, nhưng không có con số tuyệt đối nào như vậy. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng, bao gồm nhu cầu cụ thể của trẻ, trẻ đang làm gì trên mạng và các hoạt động ngoài lề khác.
Thảo luận và tôn trọng ý kiến trái chiều của trẻ
Theo chuyên gia Eyal, điều quan trọng nhất là cho trẻ tham gia vào cuộc thảo luận, giúp chúng đặt ra quy định của mình. Khi cha mẹ áp đặt giới hạn mà không có ý kiến của trẻ, chúng có xu hướng bực tức và muốn gian lận.
Trên thực tế, chúng ta có thể sẽ có những cuộc thảo luận sôi nổi về vai trò của công nghệ trong gia đình và cuộc sống của con cái. Những cuộc thảo luận và đôi khi là những bất đồng tôn trọng là dấu hiệu của một gia đình lành mạnh. Chỉ khi trẻ có thể theo dõi hành vi của chính mình thì chúng mới học được những kỹ năng cần thiết để không bị phân tâm – ngay cả khi cha mẹ không ở bên cạnh.
Nếu có một bài học rút ra từ vấn đề này thì đó là sự mất tập trung cũng là một vấn đề như bao vấn đề khác. Dù trong một tập đoàn lớn hay trong một gia đình nhỏ, khi thảo luận các vấn đề của mình một cách cởi mở và trong một môi trường mà chúng ta cảm thấy an toàn và được hỗ trợ, chúng ta có thể cùng nhau giải quyết.