Người trẻ lương 7 triệu/tháng chi tiêu như thế nào?
Minh Hằng (22 tuổi, nhân viên văn phòng) bắt đầu đi làm từ đầu năm nay. Từ vị trí thực tập, cô bạn đã chuyển lên nhân viên chính thức với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Hiện, Minh Hằng đang sống cùng nhà bố mẹ và gần như không phải trả bất kỳ khoản phí nào như tiền thuê nhà, hoá đơn điện nước…
Với thu nhập 7 triệu đồng, hàng tháng Minh Hằng chi tiêu cho những khoản sau: 1,5 triệu mua quần áo mới và đồ trang điểm; 1,5 triệu đi ăn với bạn bè vì Minh Hằng khá thích tụ tập; 500 nghìn cho tiền xăng xe; 500 nghìn ăn sáng; 2,5 triệu đi du lịch và 500 nghìn cho những khoản lặt vặt khác.
Minh Hằng tâm sự, dù sống cùng bố mẹ nhưng cô bạn không thể để dành tiền tiết kiệm. “Vừa mới ra trường đi làm có tiền, lần đầu có cảm giác khá tự do về mặt tài chính nên mình chi tiêu khá thoáng tay. Mình thường xuyên đi ăn với bạn bè, mua sắm đồ trên mạng. 7 triệu chỉ để ăn chơi nghe thì nhiều nhưng tháng nào mình cũng đi du lịch với bạn bè nên gần như không còn dư đồng nào”, cô nàng chia sẻ.
Dù hiện sống cùng bố mẹ nhưng Minh Hằng không để dành được tiết kiệm vì mức lương không cao và chưa biết kiểm soát tài chính hiệu quả (Ảnh minh hoạ)
Còn với Huyền Trang (23 tuổi, nhân viên BA tại Hà Nội) chia sẻ từ thời điểm còn nhận mức lương 7-8 triệu đồng/tháng cách đây 1 năm, cô đã có thể để dành tiền tiết kiệm nếu biết chi tiêu hợp lý. Cô cũng cho rằng khi có thu nhập không cao, đây sẽ là cơ hội để Trang học thêm kiến thức về tiết kiệm và tích luỹ từ số vốn nhỏ khi còn trẻ.
Trang chia sẻ: “Với mình, khoản lương 7 triệu sẽ được phân bổ như sau: 2 triệu dành cho tiền nhà, điện nước, wifi, đi lại (vì mình lựa chọn ở ghép cho tiết kiệm). Sinh hoạt phí trung bình hàng tháng rơi vào mức 3 – 3.5 triệu (2.5 triệu cho tiền ăn uống, 500 nghìn tiền xăng xe, 500 ngàn cho các khoản phát sinh bất ngờ). Tiền mua sắm, đi chơi cùng bạn bè khoảng 500 nghìn – 1 triệu. Vậy nếu 1 tháng chi tiêu như thế, mình sẽ còn dư ra khoảng 500 nghìn – 1 triệu đồng/ tháng”.
Bài học quản lý tài chính từ người lương 7 triệu/tháng
Với Minh Hằng, sau thời gian dài không quản lý tài chính, cô nàng đã lên kế hoạch để kiểm soát chi tiêu. Một số thay đổi của Minh Hằng để tiết kiệm tiền có thể kể đến như: Thay vì mỗi tháng đều đi du lịch, giờ cô chỉ đi chơi xa 2 tháng/lần; hạn chế mua sắm quần áo mới và đi ra ngoài ăn uống.
“Bây giờ, mỗi khi nhận lương, mình đều chuyển vào tài khoản tiết kiệm online trước khi chi tiêu. Mình sẽ cố gắng xoay xở với khoản tiền còn lại. Có đôi lúc sẽ bị thâm hụt nhưng đó cũng là cách để mình tự học cách kiểm soát chi tiêu tốt hơn”, Hằng tâm sự.
Trong khi đó, Huyền Trang cho rằng thói quen ghi chép kế hoạch thu chi càng chi tiết càng tốt đã tác động tích cực đến việc kiểm soát tài chính của cô bạn. Cô bạn nhận định, sau khi phân chia các khoản tiền rõ ràng, thì dù sở hữu mức lương thấp thì Trang vẫn có thể chi tiêu thoải mái, không lo thiếu trước hụt sau.
Không dừng lại ở đó, từ việc ghi lại từng khoản dòng tiền ra vào trong ví, Trang còn bắt đầu nhận ra những khoản chi thực sự không cần thiết và lên kế hoạch cắt bỏ chúng. Trang giải thích: “Với mình, việc mang cơm đi làm khiến mình tiết kiệm được kha khá. Một bữa cơm văn phòng thường tiêu tốn khoảng 30-35 nghìn/suất, thậm chí là 40-45 nghìn/suất trong thời bão giá. Nhưng nếu chịu khó nấu ăn, bữa ăn đơn giản nhưng đủ chất có lẽ chỉ tiêu tốn của mình khoảng 20-25 nghìn.
Tính ra nấu ăn cả tháng vẫn rẻ hơn ăn ngoài nhiều. Mình cũng hạn chế tiêu tiền cho những món như trà sữa, bánh ngọt, mua sắm quần áo không cần thiết,… Lúc giá xăng tăng cao, mình lựa chọn di chuyển chủ yếu bằng phương tiện công cộng. Chỉ những thay đổi nhỏ như thế, cũng khiến cho túi tiền của mình có sự thay đổi đáng kinh ngạc”.
Trang cho rằng dù có mức lương thấp nhưng nếu biết ghi chép chi tiêu cụ thể, bạn vẫn có thể để dành được tiền tiết kiệm (Ảnh minh hoạ)
Một phương pháp quan trọng khác khiến tình hình tài chính của Huyền Trang ngày càng khởi sắc là “tích tiểu thành đại”. Với riêng quỹ dự phòng, cô nhận thấy ban đầu mình chỉ có vài trăm nghìn đồng. Nhưng thời gian qua đi, con số trong quỹ đã tăng lên thành vài triệu rồi đến hàng chục triệu. Đây là con số không quá nhiều nhưng đủ khiến Trang an tâm hơn.
“Thật ra, với quan điểm của mình, 10.000 đồng thì cũng nên tiết kiệm. Đừng bỏ phí bất cứ khoản tiền nhàn rỗi nào. Với thu nhập 7 triệu đồng, quỹ tích lũy hàng tháng của mình sẽ tăng thêm khoảng 500 – 1 triệu/ tháng. Đây cũng là con gà đẻ trứng vàng của mình. Mình dồn hết khoản tiền này vào quỹ dự phòng khẩn cấp cho ốm đau, thất nghiệp, hoặc các sự cố không kiểm soát được… Từ đó, mình xây dựng được thói quen tích lũy tài chính”, Trang nói.
Trang cho biết thêm, sau khi có khoản tích luỹ khá lớn, cô chọn gửi số tiền này vào tiết kiệm lấy lãi hàng tháng tại ngân hàng, với mức lãi suất ít nhất là 5%, kỳ hạn 1 năm trở lên.
Về lý do chọn gửi tiết kiệm tại ngân hàng, Trang giải thích: “Thứ nhất, tại thời điểm hiện tại, mình coi đây là quỹ dự phòng khẩn cấp. Khi gửi tiền vào ngân hàng, mình cần có thể rút ra luôn mà không cần chờ đợi các thủ tục thanh khoản phức tạp khác.
Thứ hai, mình chưa có nhiều kiến thức về đầu tư. Thế nên mình cho rằng tiết kiệm ngân hàng là lựa chọn tốt nhất, vừa an toàn, vừa giúp tiền của mình không đứng yên một chỗ, đủ sức để cân bằng với lạm phát bây giờ”.
Sau cùng Huyền Trang nhận định, nhiều người vẫn nghĩ rằng việc cắt giảm chi tiêu là quá khó. Nhưng cô cho rằng khi bản thân có mục tiêu tài chính rõ ràng thì bản thân thấy việc tiết kiệm tiền đơn giản và mang lại hiệu quả nhanh hơn tìm cách gia tăng thu nhập.