Viêm da cơ địa dễ tái phát
Viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng (eczema), là một bệnh viêm da tái phát, mạn tính, chủ yếu gặp ở trẻ em và có liên quan tới cơ địa dị ứng.
Bình thường da có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở người viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bị khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da.
Một số trường hợp viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần cho tới khi trưởng thành, gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm da cơ địa chưa được xác định rõ, tuy nhiên có 1 số yếu tố chính gây bệnh như:
– Do di truyền: Trong gia đình có cha hoặc mẹ bị bệnh chàm da, viêm da cơ địa… thì khả năng cao trẻ sinh ra cũng sẽ mắc phải căn bệnh này.
– Do miễn dịch: Những người có cơ địa địa ứng khi gặp phải các tác nhân gây nên bệnh viêm da sẽ khiến bệnh phát triển nặng hơn thành viêm da thể cấp tính, mạn tính.
– Do môi trường: Đặc biệt là vào mùa lạnh.
Biểu hiện viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa xuất hiện với đặc trưng là da đỏ, khô, bong vảy, một số trường hợp chảy dịch, ngứa. Ở trẻ dưới 2 tuổi, tổn thương hay gặp ở mặt, hiếm khi gặp ở thân mình. Ở những tuổi lớn hơn, bệnh hay gặp ở vùng nếp gấp như khuỷu, gối, cổ. Bệnh gây ngứa dữ dội, khiến cho trẻ thường xuyên cào gãi hoặc chà xát, làm hàng rào da thêm tổn thương, nhiễm trùng. Vì vậy, trẻ có thể ăn kém, khó ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài, vùng da có thể trở nên lichen hóa, da sẽ dày, cứng và sẫm màu hơn.
Tuy nhiên, mỗi trẻ bị viêm da cơ địa có biểu hiện khác nhau, tùy theo từng giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn cấp tính, tổn thương là mụn nước dập vỡ trên nền dát đỏ, rỉ dịch, tạo thành vảy tiết… thường hay gặp ở trán, má, cằm, nếu nặng hơn có thể lan ra các chi và thân mình.
Sang giai đoạn bán cấp, triệu chứng bệnh nhẹ hơn, các dát sần trên nền da đỏ, tập trung thành mảng hoặc rải rác, thường thấy ở mặt duỗi các chi.
Tới giai đoạn mạn tính, da trẻ bị khô, vết nứt da đau, thường ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cổ tay, cổ chân…
Làm gì khi trẻ bị viêm da cơ địa?
Nguyên tắc khi điều trị viêm da cơ địa bằng thuốc cần đạt được một số mục tiêu chính bao gồm: Làm dịu da, chống khô da, chống nhiễm trùng, chống viêm ngoài da, giảm ngứa… Tùy theo từng trường hợp có thể dùng các loại thuốc uống hoặc thuốc bôi phù hợp. Khi dùng các loại thuốc này nên có chỉ định từ bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể, tránh tự ý sử dụng để hạn chế thấp nhất nguy cơ kích ứng, dị ứng.
Cách chăm sóc da cho trẻ đúng cách
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, việc chăm sóc da cho trẻ đúng cách là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc da cho trẻ.
Cần tắm nước sạch
Khi trẻ viêm da cơ địa nhiều cha mẹ quan niệm sai lầm là tắm lá sẽ giúp mát da, tốt cho da trẻ. Nhưng thực sự tắm lá khiến da khô hơn, do làm thay đổi độ pH da và có chứa nhiều vi khuẩn, chất bẩn gây nhiễm trùng trên da, khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Vì vậy, tắm các loại nước lá, đặc biệt là vào mùa đông, sẽ là nguy cơ tiềm ẩn gây nên viêm da cơ địa.
Để tránh những tổn thương cho da của trẻ, mẹ chỉ nên tắm cho trẻ bằng nước đun sôi để nguội, đồng thời pha nước có nhiệt độ vừa phải để trẻ tắm. Nhiệt độ nước tắm dao động từ 36 – 38 độ C là phù hợp.
Cần sữa tắm có độ pH thích hợp
Khi tắm rửa vệ sinh da cho trẻ, tốt nhất không nên dùng xà phòng thông thường, thay vào đó hãy lựa chọn loại sữa tắm dành riêng cho trẻ, có tính acid nhẹ, giúp tái tạo và duy trì pH da, rửa sạch chất bẩn, không làm khô da và cũng không chứa các thành phần gây kích ứng.
Tránh các yếu tố gây bùng phát bệnh ở trẻ
Viêm da cơ địa có liên quan đến tình trạng dị ứng, nên chọn quần áo có chất liệu mềm mại, được làm từ các chất liệu thoáng, thấm hút tốt như sợi cotton hoặc sợi thiên nhiên, tránh các loại vải cứng, vải sợi đồ len dạ tiếp xúc trực tiếp với trẻ, vì có thể khiến trẻ khó chịu, ngứa ngáy, kích ứng da.
Hạn chế cào gãi tổn thương
Trẻ bị viêm da cơ địa sẽ có triệu chứng khô da nên rất ngứa, tình trạng này dẫn đến phản xạ gãi, nên dễ dẫn đến bội nhiễm. Cha mẹ chú ý không cho trẻ gãi, chà xát, nếu có thì phải can thiệp ngay.
Khi trẻ ngứa ngáy có thể bôi dưỡng ẩm và xịt khoáng thường xuyên trong ngày để làm dịu da, giảm kích ứng và giúp trẻ không còn ngứa ngáy muốn cào gãi, có thể sử dụng kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ để giảm ngứa cho trẻ.
Lời khuyên thầy thuốc
Phòng tránh viêm da cơ địa đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, vì đa số trường hợp viêm da cơ địa là mạn tính và hay tái phát. Ngoại trừ nguyên nhân do di truyền, các nguyên nhân khác gây viêm da cơ địa đến từ môi trường đều có thể phòng tránh được bằng các biện pháp:
– Khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, để đảm bảo sức khỏe và hệ miễn dịch.
– Giữ môi trường sống sạch sẽ, tránh khói bụi, lông động vật, độ ẩm cân bằng, không khí thoáng sạch.
– Không cho trẻ tiếp xúc với không khí ô nhiễm, các loại hóa chất sinh hoạt trong gia đình.
– Khi nhà có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi các loại vật nuôi như chó, mèo, chim cảnh… nếu nuôi phải vệ sinh sạch và hạn chế để trẻ tiếp xúc.