Cha mẹ kiểu này vất vả nhất nhưng lại dễ nuôi dạy những đứa con kém cỏi, vô ơn, về già rất khổ sở
Hãy để con ở nhà làm sai, rồi sửa cho đến khi thành thạo. Cái sai ngoài xã hội bao giờ cũng phải trả giá đắt hơn ở gia đình.
- Hình ảnh 2 mẹ con đứng trên ban công dự báo trước bi kịch: Sự thờ ơ làm hại con
- Bi kịch “con nhà người ta”: Nữ thần đồng Bắc Đại học tiến sĩ tại Mỹ và kết cục buồn
- Bi kịch của nữ cử nhân 33 tuổi bị tố bất hiếu: Khi cha mẹ đánh gãy đôi cánh nhưng lại trách con không biết bay
Bà Mộc Miên (Trung Quốc) là một chuyên gia về giáo dục con cái với hơn 500.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Bà cho rằng, trên thực tế, có một kiểu cha mẹ kiểu rất mệt mỏi nhưng lại dễ nuôi dạy những đứa con kém năng lực, lòng tự trọng thấp.
Cha mẹ nuông chiều vô lối có xu hướng nuôi dạy những đứa con kém cỏi
Bà Mộc Miên dẫn chứng bộ phim tài liệu tên là Guilty Love được xây dựng từ một sự kiện có thật ở Hà Nam (Trung Quốc). Dương Tỏa từ nhỏ gia cảnh khá giả, sống hạnh phúc trong sự ganh tỵ của bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, ở tuổi 23, cậu buộc phải kết thúc cuộc sống còn quá trẻ của mình. Lý do lớn nhất là “lười biếng”.
Dương Tỏa khi còn bé ra ngoài luôn được cha mẹ ẵm trên tay. Cho đến 8 tuổi, cha mẹ ôm không nổi vẫn sẽ dùng gánh để gánh con ra ngoài, từ nhỏ đến lớn cũng chưa từng đụng tay vào bất cứ việc gì dù nhỏ nhất. Sau khi học trung học cơ sở, do công việc học tập nặng nề hơn, Dương Tỏa cảm thấy mỗi ngày ngồi trong lớp học quá lâu, rất mệt mỏi, tự ý bỏ học về nhà ngủ. Cha mẹ sợ con cực khổ, cũng không dám mở miệng ra khuyên răn một lời.
Dương Tỏa
Sau khi cha của Dương Tỏa qua đời, người mẹ không chỉ phải lao động duy trì sinh kế mà còn phải chăm sóc đứa con trai mỗi ngày chỉ biết ở nhà ngủ. Sau đó không lâu, bà mẹ cũng theo chồng, bỏ lại Dương Tỏa một mình. Vào thời điểm đó, cậu 18 tuổi, lần đầu tiên cố gắng để đi ra ngoài làm việc, nhưng trong vòng chưa đầy một ngày đã chạy về nhà vì “quá mệt mỏi”.
Dương Tỏa bán tất cả mọi thứ có trong nhà để sống qua ngày, cuối cùng phải ăn xin để kiếm sống. Nhưng cho dù là ăn xin, cậu cũng lười đi ra ngoài, chỉ khi quá đói mới chịu lết ra chợ vật vờ, ăn no bụng lại về nhà ngủ hai ngày. Trong thôn có người nhìn Dương Tỏa đáng thương, mang cho cậu ít thịt, nhưng vì cậu quá lười nấu nướng nên thịt cũng hư thối đi. Mùa đông thời tiết lạnh, Dương Tỏa đem đồ đạc trong nhà đốt cháy sưởi ấm, ngay cả giường ngủ cũng đốt. Không muốn ra ngoài đi vệ sinh vì lạnh, cậu liền “đi” luôn ở trong phòng.
Tháng 12 năm 2009, Dương Tỏa bị đói, lạnh cóng đến chết trong nhà riêng của mình.
Một trường hợp khác, Lý Thiên Nhất, kẻ bị giam 10 năm vì cưỡng hiếp tập thể một cô gái, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nhất được cha mẹ nuông chiều ngay từ khi mới sinh ra, rất lâu trước khi bị bắt giam vì vụ hiếp dâm tập thể, cậu đã bị tạm giữ hành chính vì một vụ tai nạn giao thông.
Con cái phạm sai lầm như vậy, cha mẹ không những không la mắng mà còn “kêu oan” thay. Mẹ của Nhất đích thân viết một lá thư cho tòa án, nói rằng con trai bà là nạn nhân: “Một đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên, có bản năng giới tính, hoàn toàn khó có thể phớt lờ sự cám dỗ khi đối mặt với một cô gái xinh đẹp. Bắt giam chúng là vô nhân đạo”.
Bà cho rằng trong cuộc sống ai cũng sẽ mắc sai lầm. Nguyên nhân ở đây là do một cô gái đơn phương dụ dỗ khiến con trai mình phạm tội, hy vọng sự việc này sẽ không hủy hoại tương lai tươi sáng của con.
Cha mẹ thực sự có tầm nhìn xa sẵn sàng “tàn nhẫn” với con cái
Bà Mộc Miên nói: Làm cha mẹ che mưa che gió cho con thì dễ, nhưng tàn nhẫn với con mới khó. Những bậc phụ huynh có tầm nhìn xa đang nuôi dưỡng cho con tính tự lập thay vì làm thay.
“Tôi rất thích bộ phim The King of Soul. Trong phim, cậu bé Charles bị mù, để rèn luyện khả năng sinh tồn của con, mẹ cậu cố gắng để con đi lại và làm mọi việc một cách độc lập. Cậu bé ngã xuống đất, thò tay vào lò sưởi và bị bỏng, khóc đòi mẹ và kêu cứu. Người mẹ lặng lẽ khóc ở bên cạnh, bởi vì bà biết: Mẹ không thể cùng con đi hết cuộc đời, và con phải học cách sống tự lập.
Đối với con cái chúng ta cũng vậy, không ai mãi đồng hành cùng con mình, không thể mãi che chở cho con khỏi mưa gió, cũng không thể để con sống trong ‘nhà kính’ suốt đời. Quá chiều chuộng cũng giống như gián tiếp hủy hoại một đứa trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ quá cưng chiều con cái sẽ khiến họ cảm thấy việc nuôi dạy trẻ rất mệt mỏi… Họ phải lao động vất vả, vắt kiệt sức lực cơ thể để tạo điều kiện tốt hơn cho con. Kết quả của việc này là cha mẹ thì vất vả nhưng con cái lại vô ơn, chẳng đạt được thành tựu gì”, bà nói.
Tình yêu đích thực của con cái không phải là đáp lại những yêu cầu vô lối của con, không phải là chiều chuộng con mà là học cách rèn luyện cho con khả năng tự chăm sóc và tự lập. Một đứa trẻ cần hiểu yêu thương là đồng cảm, thấu hiểu, chứ không phải cứ được chiều mới là yêu. Hãy để con ở nhà làm sai, rồi sửa cho đến khi thành thạo. Cái sai ngoài xã hội bao giờ cũng phải trả giá đắt hơn ở gia đình.