Tại một ngôi làng miền núi ở Trung Quốc, có một cô gái tên Tiểu Mai. Mẹ của Tiểu Mai là một phụ nữ nông thôn chăm chỉ và có năng lực. Bố Tiểu Mai đi làm xa, hàng tháng gửi tiền về để gia đình dư dả chi tiêu. Tuy nhiên, người mẹ có một “thói quen xấu” đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của con gái.
Tiểu Mai từ nhỏ đã thông minh và nhạy bén, có thành tích học tập xuất sắc. Bà mẹ thường dạy con: “Nhà chúng ta rất nghèo, bố con làm việc cực khổ ở bên ngoài. Con phải biết tiết kiệm và không tiêu tiền bừa bãi”. Vì sợ tốn kém, bà hiếm khi mua quần áo mới cho con mình và cũng không mấy khi cho con ra ngoài chơi với các bạn cùng lớp.
Khi Tiểu Mai còn học trung học, mẹ luôn nói: “Học hành là lối thoát duy nhất của những đứa trẻ nhà nghèo. Con phải chăm chỉ và đỗ vào một trường đại học tốt để có thể tìm được một công việc thu nhập cao”. Với kiểu suy nghĩ này, quả thật Tiểu Mai không biết thế nào là vui chơi, chỉ lo học tập chăm chỉ hơn và điểm số luôn thuộc loại tốt nhất.
Tuy nhiên, sau khi Tiểu Mai vào đại học, cô nhận thấy hầu hết các bạn cùng lớp đều ăn mặc thời trang và có cuộc sống đầy màu sắc. Tiểu Mai bắt đầu ghen tị với họ, đồng thời cô cũng cảm thấy tự ti nên ngày càng sống nội tâm, không muốn tham gia các hoạt động nhóm mà chỉ tập trung vào việc học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tiểu Mai tìm được một công việc tốt nhưng “thói quen xấu” vẫn đeo bám. Cô ngại chi tiền để ăn diện và đầu tư cho bản thân, điều này khiến cô khó có thể đột phá ở nơi làm việc.
Nhiều năm sau, các bạn cùng lớp của Tiểu Mai đều có cuộc sống sung túc nhưng Tiểu Mai vẫn nghèo. Những thói quen xấu đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm sống và giá trị của cô, khiến cô khó thành công.
Một người mẹ ở Thượng Hải, Trung Quốc mới đây cũng chia sẻ câu chuyện của mình trên một diễn đàn làm cha mẹ. Chị đưa con đến công viên chơi, cậu bé rất thích một con ngựa trong gian hàng đồ chơi. Người mẹ hỏi giá bán và lắc đầu ngay khi có câu trả lời.
“Mẹ ơi, cái này đắt không ạ?”, cậu bé hỏi và giục liên hồi: “Mẹ ơi, cái này rẻ, mẹ mua đi”. Người mẹ bất ngờ vì con lại quan tâm đến giá cả như vậy. Rồi chị nhớ ra, mỗi lần đi mua sắm, thứ gì con trai thích mà cô thấy không hợp lý đều giải thích “Đắt quá, mẹ không đủ tiền”. Vì thường xuyên phải nghe câu trả lời này, con trai cô như học được bài học “Chỉ có đồ rẻ mới mua được, đồ đắt tiền không nên đòi hỏi”.
Câu chuyện của chị gây tranh cãi về cách dạy con.
Lạm dụng “than nghèo kể khổ” gây tác hại khôn lường
Ông Trữ Triều Huy, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc nói về vấn đề này: “Dù ý định của cha mẹ là dạy con bài học về việc kiếm tiền không dễ, cần trân trọng và không chi tiêu bừa bãi, nhưng nếu lạm dụng sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức của trẻ”.
Việc trẻ rất khó để được đáp ứng nhu cầu vật chất sẽ xuất hiện tâm lý bất an, chỉ muốn có nhiều tiền nhưng lại ngại chi tiêu, đối xử không tốt với bản thân. Hơn nữa trong mối quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp sau này, chúng sẽ luôn tỏ ra keo kiệt và không được mọi người nể trọng vì quá quan tâm tới tiền bạc.
“Những đứa trẻ như vậy lớn lên rất có thể sẽ trở thành những người ham muốn tiền bạc quá mức. Thậm chí sẽ xuất hiện cảm giác thiếu thốn tự ti và sợ tiền”, ông nói.
Tiết kiệm là một đức tính tốt, nhưng các bậc cha mẹ nên cẩn thận khi giáo dục con cái mình, đừng lạm dụng nó. Nếu cha mẹ luôn than nghèo kể khổ, rất có thể sẽ khiến trẻ mặc cảm, cảm thấy mình thua kém người khác, không xứng đáng với những gì mình có. Nghèo đói không phải là thứ gây hại lớn nhất cho trẻ em. Nhưng cảm xúc tự trách, tội lỗi bắt nguồn từ cách thể hiện sai lầm của cha mẹ có thể hủy hoại tâm hồn trẻ thơ. Nhiều người ngay cả khi lớn lên đạt được tự do kinh tế tương đối, vẫn cảm thấy lo lắng về điều này.
Hiểu đúng về tiền, con bạn lớn lên sẽ không thể là một “tín đồ mua sắm” tiêu xài hoang phí được mà sẽ là một người sống có kỷ luật, biết tự giác và có kế hoạch. Thông qua sự hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ, việc nuôi dưỡng khái niệm tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ là món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể tặng cho trẻ.
Cha mẹ có thể dạy con từ việc học cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý, sau đó biết lập ngân sách và kiểm soát nó. Đồng thời giúp đỡ trẻ học cách phân bổ và lựa chọn khi nào cần mua thứ này, đồ dùng nào quan trọng hơn cần ưu tiên.
Nếu gia đình có tiền, cần dạy con tiêu tiền, bởi tiền cha mẹ kiếm được bao nhiêu cũng chưa chắc đã đáp ứng được một năm hoang phí của đứa trẻ. Ngược lại, nếu gia đình không có tiền, thì việc dạy con tiêu tiền lại càng cần thiết, bởi vì nguồn tiền có hạn, việc có kế hoạch chi tiêu cẩn thận là cực kỳ quan trọng.
Dạy con từ cuộc sống thực của gia đình, cho con nhìn thấy những hình ảnh lao động chân tay ngoài đời sống để con quý giá trị công sức, quý trọng đồng tiền là cách giáo dục thực tế để con nhận thức được hoàn cảnh gia đình, muốn tốt thì con phải cố gắng.