Nếu bạn là một người tiêu dùng bình thường, mối quan tâm chính của bạn nằm ở đâu? Nhiều người trả lời rằng: deal hời, giá rẻ.
Có lẽ vì thế mà chúng ta gần như “dễ dãi” với một bộ phận KOC “ảo quyền lực”… Giữa thị trường rộng lớn là miếng bánh chưa được phân chia rõ ràng, phần lớn KOC nghĩ rằng khi tranh cãi xảy ra, chỉ cần mình lên 1 clip đính chính, tung bằng chứng rồi kéo khán giả đứng về phía mình là xong chuyện.
Cũng vì không có nhiều thời gian để ngồi xuống phân tích kỹ càng, nên chỉ cần đôi ba clip như thế là chúng ta – những khách hàng lại lướt qua và vẫn tiếp tục mua hàng của các KOC ồn ào, drama. Cái khách hàng quan tâm nhất, suy cho cùng là lợi ích của mình được đảm bảo.
Nhưng những người làm marketing lâu năm, có kinh nghiệm dày dặn trong việc hợp tác với KOC, nhãn hàng và từng xây dựng các thương hiệu lớn thì lại khác.
Ở góc nhìn của họ, một số vấn đề bỗng trở nên rõ ràng và cần có ranh giới phân định hơn bao giờ hết: KOC – và nhãn hàng nên có cách xử lý thế nào để bớt đi phần dây dưa không rõ ràng? KOC và khách hàng nên biết được vị thế của mình ở đâu để niềm tin không đặt sai chỗ? Và để theo đuổi con đường làm KOC chuyên nghiệp thì cần bồi đắp những gì?
– Anh Tuấn Anh (Phó GĐ học viện Beauty Coach Academy), đại diện giám khảo chấm thi cho cuộc thi KOC VIETNAM 2023.
– Chị Vi Ngọc Lan (Giám Đốc Dalali Media), từng hỗ trợ rất nhiều học viên thành công trên các nền tảng sáng tạo nội dung và đem lại chuyển đổi thực tế cho khách hàng.
– Anh Dũng Trần (Giám đốc dự án KOC), có kinh nghiệm 6 năm trong lĩnh vực truyền thông.
Là những người sẽ cùng tham gia thảo luận về chủ đề này!
KOC và nhãn hàng: Cần chuyên nghiệp trong quy trình làm việc
Một trong những điều khiến nền tảng livestream xuất hiện những câu chuyện khó kiểm soát kia đến từ các hợp đồng làm việc của KOC và nhãn hàng: Không thoả thuận pháp lý rõ ràng, chủ quan chốt qua tin nhắn, hay dễ hơn nữa là nói chuyện bằng miệng. Để đến khi có “biến” xảy ra, bằng chứng tung ra rồi vẫn khiến khách hàng thắc mắc “liệu có đáng tin?”.
Anh Tuấn Anh (PGĐ học viện Beauty Coach Academy), đại diện giám khảo chấm thi cho cuộc thi KOC VIETNAM 2023 chia sẻ về vấn đề này một cách nghiêm túc:
“Một số brand nhỏ thường không chú ý đến pháp lý hoặc công ty không yêu cầu khắt khe nên chủ quan chốt qua điện thoại, tin nhắn là điều dễ hiểu. Nhưng các brand lớn thì chắc chắn phải qua hợp đồng ràng buộc rõ ràng, nhất là về việc sử dụng hình ảnh của KOC khi đại diện nhãn hàng. KOC chuyên nghiệp lại càng cần điều này, vì chắc chắn họ cũng sẽ yêu cầu nhiều trong thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên”.
Anh Tuấn Anh (PGĐ học viện Beauty Coach Academy)
Chị Vi Ngọc Lan (Giám Đốc Dalali Media), từng hỗ trợ rất nhiều học viên thành công trên các nền tảng sáng tạo nội dung và đem lại chuyển đổi thực tế cho khách hàng cũng đưa ra quan điểm của riêng mình: “Khi không có hợp đồng làm việc giữa KOC – nhãn hàng, thì cả hai đều bất lợi. Nhưng lý do chính khiến họ biết mà không làm: Một là vì lười, hai là ngại đụng đến pháp lý. Chính vì vậy, một khi rủi ro ập đến là rất khó kiểm soát. Để đến khi phải quay ra ‘phốt’ nhau, thì tên tuổi của KOC sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và không nhãn hàng nào dám book, còn brand thì khiến các KOC khác e dè nếu hợp tác cho những lần sau!”.
Tiêu chí lựa chọn KOC để hợp tác của các nhãn hàng ngày càng khắt khe hơn. Không chỉ yêu cầu về mức độ viral của một chiến dịch quảng cáo, mà còn phải mang lại chuyển đổi thực tế. Đã có rất nhiều trường hợp sau khi làm việc không cảm thấy hài lòng với nhau vì không đạt được những kỳ vọng mà brand đã đặt cược, như vụ việc Phạm Thoại livestream nước hoa là ví dụ.
Vậy nên, vấn đề cần giải quyết ở đây là sự minh bạch và có ràng buộc rõ ràng khi KOC và nhãn hàng hợp tác cùng nhau. Cả anh Tuấn Anh và chị Vi Ngọc Lan đều đồng tình đưa ra giải pháp này.
Về phía nhãn hàng, có thể đảm bảo các phương thức nhằm hạn chế rủi ro khi hợp tác cùng KOC như làm hợp đồng rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Xác định rõ ràng chiến dịch hợp tác mang lại tính viral hay chuyển đổi, đảm bảo thực hiện đúng như thỏa thuận với KOC, không gian lận về giá và số lượng hay các deal độc quyền để ảnh hưởng đến uy tín của KOC.
Về phía KOC, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, hạn chế tối thiểu các vấn đề xoay quanh sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để đi được đường dài với nghề, không nên chỉ vì một hợp đồng giá “ngon” mà bỏ qua các yếu tố như lòng tin của khách hàng, mức độ an toàn của sản phẩm mình giới thiệu.
Tiếp đến là một vấn đề gây nhức nhối hơn cả, là mối liên hệ giữa KOC và khách hàng. Khi đại diện một nhãn hàng đứng ra làm cầu nối đưa sản phẩm đến tay khách hàng, KOC phải hiểu chính mình cũng là bộ mặt của thương hiệu đó. Nếu sản phẩm bỗng nhiên xảy ra vấn đề, người đứng mũi chịu sào ngay lập tức là KOC, sau đó mới đến nhãn hàng. Chính vì thế, lòng tin của khách hàng là điều tiên quyết mà KOC cần giữ chân.
Theo chị Vi Ngọc Lan chia sẻ, KOC là một cái nghề đường dài và mang lại lợi ích khổng lồ cho chính người làm. Vậy nên, đôi khi đặt lên bàn cân giữa tiền – lòng tin, họ bị cái lợi trước mắt làm cho quyết định bị nghiêng về lòng tham, để rồi một lần mất tín thì vạn lần mất tin.
Chị Vi Ngọc Lan (Giám Đốc Dalali Media)
Lỡ chẳng may sản phẩm KOC đang nhận quảng cáo bị bán phá giá, pha trộn hàng kém chất lượng thì đến khi drama nổ ra, nhãn hàng hoàn toàn có thể quay lưng, khách hàng cũng vậy. “Suy cho cùng tất cả quy về một mối liên hệ duy nhất là ‘tiền’. Nhưng đừng để một hợp đồng quảng cáo làm chính KOC mất đi rất nhiều hợp đồng khác về sau, hay nói thẳng ra một chút là đừng chỉ vì tiền mà đánh mất rất nhiều tiền”. Niềm tin với khách hàng và sự thật mới là khoản đầu tư sinh lợi nhất!
Thêm vào đó, PGĐ Tuấn Anh bổ sung: “‘Quyền lực’ mà KOC có được đến từ chính sự yêu thương, ủng hộ từ chính khách hàng. Nếu đang phục vụ một đám đông dễ tính, thì bạn có thể chỉ cần deal xịn là được. Nhưng nó cũng đồng nghĩa rằng, giá trị của KOC khi đó chỉ bằng 1 chiếc deal xịn, và chấm hết. Con đường để phát triển xa hơn trong nghề, được hợp tác với các nhãn hàng lớn sẽ còn rất xa xôi!”
Một góc nhìn khác từ anh Dũng Trần (Giám đốc dự án KOC), có kinh nghiệm 6 năm trong lĩnh vực truyền thông chia sẻ: “Khách hàng hiện tại, họ đủ thông minh và khôn khéo để đánh giá được đâu là một KOC chất lượng, đáng tin. Vậy nên, đừng chỉ vì sự tung hô nhất thời của một đám đông mà KOC bị ‘ảo quyền lực’. Từ đó có thái độ làm việc không tốt rồi phát ngôn không chuẩn mực, thì hội anti hay các group tẩy chay từ khách hàng xuất hiện có thể đạp đổ ngay danh tiếng mà lâu nay KOC xây dựng”.
Về phía khách hàng, khi tham gia trao đổi mua bán trên một thị trường đâu đâu cũng là quảng cáo, deal độc quyền, giá ưu đãi,… thì kiến thức là điều tiên quyết giúp bạn không sa chân vào những sản phẩm kém chất lượng. Nếu sai lầm đến từ phía KOC là 1 phần, thì khách hàng cũng chiếm 1 phần vì trách nhiệm bảo vệ chính bản thân mình tránh khỏi những sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng ngoài kia. Hãy trở thành một nhà tiêu dùng thông thái, có tư duy và sự tìm hiểu kỹ trước khi mua bất kỳ món hàng nào theo quảng cáo, review.
Làm sao để thành công trong nghề KOC?
Tất cả những ý kiến trên đều đang hướng đến một mục tiêu chung, là khiến cho những người muốn theo đuổi con đường KOC chuyên nghiệp hiểu rõ được độ khó của cái nghề mình chọn. Không phải cứ có clip viral, được đám đông đón nhận trong một khoảng thời gian nhất định là đồng nghĩa với việc bạn thành công.
Như cách mà chị Vi Ngọc Lan chia sẻ: “Hiện tại có rất nhiều bạn trẻ bất chấp để nổi tiếng bằng các hình thức câu view, câu like, KOC có tiếng rồi thì bắt đầu ‘ảo quyền lực’ và coi thường khán giả. Khi clip ngắn lên ngôi, ai cũng có thể viral thì một bộ phận không nhỏ các KOC làm mọi cách để nổi tiếng, để được tung hô như sản xuất ra các nội dung không lành mạnh, lớn tiếng chửi bới khán giả để gây sự chú ý, làm những trò lố bịch để hot”, nhưng đương nhiên đây là con đường không bền.
Nếu muốn theo đuổi con đường KOC chuyên nghiệp, Giám đốc của Dalali đưa ra lời khuyên: “Thứ nhất, bạn phải tìm ra bản sắc riêng của mình, tư duy đúng kèm mục tiêu đúng. Khi trên một thị trường mang đến cơ hội cho bất kỳ ai, thì việc tìm được màu sắc riêng của mình, sau đó kiên trì theo đuổi, làm bật nó lên và mang đến giá trị cho khán giả thì hẳn là khán giả sẽ đón nhận bạn.
Thứ hai, là nhận thức rõ giá trị của mình, bán bất kỳ sản phẩm nào cũng hướng đến sự trung thực, uy tín vì thứ bạn đang bán đó là niềm tin với khách hàng. Đừng bị mờ mắt bởi đồng tiền mà bán những sản phẩm không rõ ràng”.
Tiếp thêm ý kiến của anh Tuấn Anh thì: “Các bạn phải xác định được hướng phát triển dài hạn, đừng chỉ nghĩ mỗi việc viral và livestream bán hàng là xong. Nếu không viral nữa, không livestream được nữa thì bạn có thể làm gì khác mang lại hiệu quả cho nhãn hàng và lợi ích cho khách hàng.
Sau đó là nhận thức rõ được những giá trị mà mình sẽ theo đuổi. Đừng chỉ chăm chăm xây dựng một hình tượng đẹp trong lòng khán giả mà quên đi giá trị để giữ chân brand và khách hàng theo thời gian: Đó chính là lan tỏa giá trị tốt đẹp cho cộng đồng bạn đang xây dựng, trung thực, có chuyên môn tốt, khả năng tự học và thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của những yếu tố liên quan. Thêm nữa, KOC cần học cách giao tiếp hiệu quả với cả brand lẫn khách hàng của chính mình!”
Anh Dũng Trần (Giám đốc dự án KOC)
Và kết lại bằng lời khuyên của anh Dũng Trần, người có kinh nghiệm làm việc với các KOC trực tiếp thì: “Bên cạnh bồi đắp các kỹ năng mà một KOC cần có như trên, thì xây dựng thương hiệu cá nhân là điều cần song hành. Một thương hiệu cá nhân tốt định hướng được cả nhãn hàng lẫn khách hàng, mở ra cơ hội nghề nghiệp rất lớn. Từ đó, bất kỳ sản phẩm nào KOC cũng có thể bán chứ không cần gắn với độc quyền hay deal sốc”.