Cha mẹ dạy con theo 3 kiểu này, con cái ngày càng kém cỏi
Tính cách và tâm lý của trẻ nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào sự giáo dục của gia đình, đặc biệt là bố mẹ.
- 6 hành động của cha mẹ khiến con cái ngày càng kém cỏi
- Cha mẹ kiểu này vất vả nhất nhưng lại dễ nuôi dạy những đứa con kém cỏi, vô ơn, về già rất khổ sở
- Hiệu ứng “latte” trong giáo dục: Đứa trẻ lớn lên kém cỏi, tiêu xài hoang phí liên quan đến 3 THÓI QUEN của mẹ
Mặc dù mỗi bậc cha mẹ đều có cách dạy con riêng biệt nhưng tất cả đều có chung một mục đích, đó là nuôi dạy con nên người. Theo nhiều bậc phụ huynh, cách tốt nhất chính là tình yêu thương, sự dịu dàng và kiên nhẫn. Bên cạnh đó, họ cũng kết hợp cả sự mềm mỏng lẫn cứng rắn trong việc nuôi dạy con.
Việc định hướng thay vì thúc ép sẽ giúp trẻ trở nên tự tin, độc lập và có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình. Phụ huynh cũng không can thiệp quá sâu vào quyết định của con hay tự mình dẹp bỏ chướng ngại vật trên con đường trưởng thành của con.
Dưới đây là 3 kiểu dạy con phụ huynh không nên áp dụng, nếu không sẽ biến con mình thành đứa trẻ ngày càng kém cỏi.
1. Hay ra điều kiện cho bất kì vấn đề nào trong cuộc sống
“Con ăn xong bát cơm, tí mẹ đưa đi mua kẹo”, “Con dọn đồ chơi rồi mẹ cho con 20.000 đồng”, “Con học bài xong thì được 1 phần thưởng”… Nhiều phụ huynh có thói quen đưa ra điều kiện cho mọi sự việc trong cuộc sống, từ học tập, đi ngủ, ăn uống… Ban đầu, nó giống như một cách để thúc ép trẻ thực hiện theo ý mình, nhưng về lâu về dài trẻ sẽ học được cách ra điều kiện với chính bố mẹ.
“Bố mẹ không mua kẹo thì con không ăn cơm nữa”, “Bố mẹ không mua đồ chơi thì con bỏ nhà đi luôn”… Đó sẽ là những lời bố mẹ có khả năng cao nghe được từ chính con mình. Trong quá trình chăm trẻ, đôi khi người lớn chúng ta có chung một tật xấu là nóng lòng muốn có ngay kết quả. Đây cũng chính là lý do mà các bậc phụ huynh hay đưa ra những điều kiện thưởng hoặc phạt để ép trẻ làm điều gì đó.
Điều này vô hình chung khiến sự việc mất đi bản chất vốn có. Chẳng hạn, việc ăn ngủ là vì sự phát triển của bản thân, nhưng trẻ không hiểu, coi việc ăn cơm là việc phải làm thì bố mẹ mới đưa đi chơi. Trẻ dần dà học cách xem sắc mặt bố mẹ, xem bố mẹ có vui hay giận để ra quyết định có làm việc gì đó hay không, lớn hơn thì biết cách nịnh bợ và để rồi mất đi tính độc lập trong quyết định của bản thân lúc nào cũng không hay.
2. Bố mẹ hành xử vô tâm, không quan tâm đến mọi người
Có nhiều cách để thể hiện sự quan tâm, yêu thương mọi người trong cuộc sống. Con cái sẽ nhìn vào cách cha mẹ hành xử để học tập theo. Nếu như ba mẹ hay ân cần, quan tâm ông bà, các bạn nhỏ thì trẻ cũng sẽ noi gương theo. Ngược lại, cha mẹ thờ ơ, mặc kệ mọi chuyện không phải là của mình thì con bạn cũng hình thành cảm xúc như vậy với người khác.
Hành xử vô cảm chính là dùng những hành động hay lời nói vô trách nhiệm, không để ý tới cảm xúc, sự an nguy của người khác. Họ coi mình là trung tâm thế giới, còn người khác như kẻ vô hình. Sau này, rất có thể con sẽ chỉ quan tâm đến chuyện của bản thân mà không chú ý đến những người xung quanh, dần dần sẽ trở nên cô độc.
3. Bố mẹ tâng bốc con quá đà hoặc chê bai con quá mức
Mỗi khi con làm được chuyện gì, nhiều cha mẹ có xu hướng tâng bốc con lên tận trời xanh. Nào là “Không ai giỏi bằng con của mẹ”, “Con là giỏi nhất thế gian, hơn bạn A, B, C”… Sự thái quá này khiến trẻ nghĩ rằng mình là nhất, là trung tâm vũ trụ. Từ đó, nếu không may gặp thất bại, việc trẻ phải đối mặt thật sự quá khó khăn.
Trên thực tế, trẻ làm điều gì chưa tốt thì chúng ta cần chỉ cho còn những chỗ chưa được chứ không nên phủ định hoàn toàn sự nỗ lực của trẻ. Khi trẻ làm tốt điều gì đó, hãy cho trẻ biết chỗ nào đáng được khen ngợi, mà không nên khen trẻ như siêu nhân, để rồi một ngày trẻ phát hiện ra mình không biết bay, lúc đó cú ngã sẽ rất đau.
Ngược lại, có nhiều cha mẹ chê bai con quá mức mà không để ý đến cảm xúc của trẻ. “Có mỗi việc thế mà không làm được”, “Sao lại có đứa con dốt như thế này”… những lời mỉa mai như vậy khiến con tự dán nhãn bản thân là đứa trẻ không ra gì, từ đó hình thành tâm lý tự ti, tương lai trở nên kém cỏi.