Kỳ thi đại học Hàn Quốc khủng khiếp đến mức nào? Đến Tổng thống cũng phàn nàn, phải cắt bỏ đề thi dài 9 tiếng
Việc cắt giảm câu hỏi thậm chí còn nhằm mục đích cải thiện tỷ lệ sinh thấp kỷ lục của Hàn Quốc.
- Nhiều thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc
- “Soi” cơm canteen trường ĐH số 1 Hàn Quốc: Cực ngon và đầy đặn, có suất chỉ 19 nghìn đồng!
- Nhiều giáo viên Hàn Quốc thừa nhận “sợ” học sinh, không dám trách phạt vì sẽ bị phụ huynh kiện
Trong nhiều năm, học sinh cuối cấp trung học ở Hàn Quốc phải tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học gọi là Bài kiểm tra năng lực học thuật đại học Suneung hay CSAT. Đây được coi là 1 trong những kỳ thi đại học áp lực và khó nhất thế giới. Kỳ thi này kéo dài 9 giờ, thường được tổ chức vào tháng 11 hàng năm.
Phải bỏ câu hỏi vì quá khó
Vậy đề thi Suneung có thể khó đến mức nào? Nhiều năm qua, học sinh Hàn Quốc đã phải đối mặt với những đề bài được gọi là “những câu hỏi sát thủ” – những vấn đề cực kỳ khó và dường như không phù hợp với những gì một học sinh lớp 12 cần biết. Câu hỏi “sát thủ” này đôi khi nằm ngoài phạm vi chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục công lập. Ví dụ, trong môn tiếng Hàn, các học sinh phải trả lời các câu hỏi như về vốn chủ sở hữu và tài sản ngân hàng có rủi ro. Các câu hỏi trong phần “xã hội” của bài kiểm tra thách thức họ giải mã các phân tích giả thuyết ba chiều về lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget. Một câu hỏi mẫu khác yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn văn dài về triết lý ý thức.
Đề thi đại học Suneung nổi tiếng không chỉ vì tính nghiêm ngặt của nó, mà từ lâu còn khiến ngành giáo dục tư nhân bùng nổ. Cái gọi là các trường luyện thi thường chật kín học sinh cho đến quá nửa đêm, và cuộc thi CSAT đã tạo ra một cuộc đua khốc liệt giữa các học sinh lẫn phụ huynh để vào được các trường đại học tốt nhất.
Kỳ thi đại học phải bỏ câu khó để học sinh “dễ thở” hơn một chút
Vấn đề này nhức nhối đến mức Tổng thống Hàn Quốc cũng phải lên tiếng đề cập và bày tỏ sự phàn nàn. Vào tháng 6 vừa qua, Lee Gue-min, Chủ tịch Viện Chương trình giảng dạy và Đánh giá Hàn Quốc đã phải xin lỗi công chúng: “Chúng tôi xin lỗi vì đã gây lo lắng cho học sinh và phụ huynh, những người đang gặp khó khăn trong việc chuẩn bị cho kỳ thi”.
Ông Lee, người có nhiệm kỳ kéo dài đến tháng 2 năm 2025, đã từ chức chỉ vài ngày sau khi các quan chức chính phủ nêu quan ngại về bài kiểm tra đại học bao gồm những nội dung không có trong chương trình giảng dạy của trường công. Kết quả là đến cuối tháng 6, Bộ Giáo dục tuyên bố sẽ bỏ “những câu hỏi sát thủ” như một cách để giảm bớt sự phụ thuộc của các gia đình vào trường tư và gánh nặng tài chính đi kèm. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực với kỳ thi CSAT năm nay.
Dẫu vậy, những người trong ngành kinh doanh trường luyện thi cho rằng nỗ lực này có thể không tạo ra sự khác biệt. Kang Ho-nam, phó chủ tịch điều hành của một dịch vụ gia sư toán tư nhân có trụ sở tại Seoul cho biết: “Việc thay đổi kỳ thi quá sát ngày, học sinh sẽ càng lo lắng hơn, dẫn đến việc tiếp tục đăng ký vào các học viện tư nhân”.
Biểu tượng của nền giáo dục cạnh tranh khốc liệt
Nuôi dạy một đứa trẻ ở Hàn Quốc không hề dễ dàng. Vào thời điểm trẻ biết đi, nhiều phụ huynh đã bắt đầu tìm kiếm các trường mầm non tư thục ưu tú. Mục tiêu của họ là khi những đứa trẻ này bước sang tuổi 18, chúng sẽ vượt qua được kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Suneung kéo dài 9 giờ khét tiếng và giành được suất vào một trường đại học danh tiếng.
Mỗi đứa trẻ từ nhỏ đã bị đặt vào một cuộc đua
Vào thời điểm thanh thiếu niên Hàn Quốc bước vào trường trung học, phần lớn cuộc sống của họ xoay quanh kết quả học tập và chuẩn bị cho ngày CSAT – một ngày được nhiều người coi là quyết định hoặc hủy hoại tương lai của một người.
Nhưng để đến được thời điểm này, bạn phải trải qua một hành trình gian khổ và tốn kém, gây thiệt hại cho cả cha mẹ và con cái. Đó là một hệ thống bị nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, giáo viên và phụ huynh đổ lỗi vì hàng loạt vấn đề, từ bất bình đẳng trong giáo dục đến bệnh tâm thần ở giới trẻ và thậm chí cả tỷ lệ sinh giảm mạnh của đất nước.
Việc chính phủ Hàn Quốc bỏ câu hỏi “sát thủ”, làm cho kỳ thi tuyển sinh đại học trở nên dễ dàng hơn trong năm nay được ông Lee Ju-ho, Bộ trưởng Giáo dục cho biết la để “tìm cách phá vỡ vòng luẩn quẩn của giáo dục tư nhân vốn làm tăng gánh nặng cho phụ huynh và sau đó làm xói mòn sự công bằng trong giáo dục”.
Các gia đình cầu nguyện cho con thành công trong kỳ thi tuyển sinh đại học vào ngày 17 tháng 11 năm 2022 tại chùa Jogyesa ở Seoul.
Trước hoàn cảnh khó khăn như vậy, hầu hết học sinh Hàn Quốc đăng ký học thêm tại các trường luyện thi tư nhân được gọi là “hagwon”. Thông thường, học sinh sẽ chuyển từ các lớp học trên trường sang thẳng các lớp học hagwon buổi tối, sau đó tiếp tục tự học cho đến sáng sớm.
Kết quả là ngành công nghiệp hagwon ở Hàn Quốc rất lớn và có lãi. Theo Bộ Giáo dục, vào năm 2022, người Hàn Quốc đã chi tổng cộng 26 nghìn tỷ won (gần 20 tỷ USD) cho giáo dục tư nhân. Con số này gần bằng GDP của các quốc gia như Haiti (21 tỷ USD) và Iceland (25 tỷ USD).
Lee cho biết, năm ngoái, trung bình học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chi 410.000 won (khoảng 7,6 triệu đồng) mỗi tháng cho giáo dục tư nhân – con số cao nhất kể từ khi Bộ giáo dục bắt đầu theo dõi số liệu vào năm 2007.
Cái giá của sự xuất sắc
Cuộc đua giáo dục ở Hàn Quốc gây thiệt hại nặng nề cho cả học sinh và phụ huynh. Các nhà phê bình từ lâu đã lập luận rằng gánh nặng đối với học sinh là một yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia OECD.
Năm ngoái, Bộ Y tế cảnh báo tỷ lệ tự tử đang gia tăng ở thanh thiếu niên và thanh niên ở độ tuổi 20, một phần do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch.
Gia đình đi chùa cầu nguyện cho con đỗ đại học ở Hàn Quốc
Một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2022 đã bổ sung thêm vào bức tranh nghiệt ngã. Trong số gần 60.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được khảo sát trên toàn quốc, gần 1/4 nam giới và 1/3 nữ giới cho biết họ từng bị trầm cảm.
Trong một báo cáo trước đây, gần một nửa thanh niên Hàn Quốc từ 13 đến 18 tuổi cho rằng giáo dục là mối lo ngại lớn nhất của họ.
Việc học tập cũng đè nặng lên các bậc cha mẹ. Các chuyên gia tin rằng chi phí quá cao là nguyên nhân chính khiến người Hàn Quốc ngày càng ngại sinh con – cùng với các gánh nặng khác như thời gian làm việc kéo dài, tiền lương trì trệ và chi phí nhà ở cao ngất ngưởng.
Hàn Quốc thường xuyên được xếp hạng là nơi đắt đỏ nhất trên thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi, phần lớn là do chi phí giáo dục. Nhiều cặp vợ chồng cảm thấy họ phải tập trung nguồn lực vào chỉ một đứa con nếu họ có con.
Năm ngoái, tỷ lệ sinh của đất nước, vốn đã thấp nhất thế giới, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,78 – thậm chí chưa bằng một nửa mức 2,1 cần thiết cho một dân số ổn định và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (1,3), hiện là quốc gia có bản đồ dân số già nhất thế giới.
“Chi phí nuôi dạy con cái rất cao và chiếm một phần lớn ngân sách của các gia đình có thu nhập thấp. Nếu không có thêm thu nhập, việc có con sẽ dẫn đến mức sống thấp hơn và các gia đình có thu nhập thấp phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói”, OECD cho biết trong một bài báo năm 2018, đồng thời cho biết thêm rằng “từ bỏ hoặc trì hoãn việc sinh con là một cách để tránh nghèo đói”.
Ngành công nghiệp dạy thêm giá trị hơn 20 tỷ USD
Tuy nhiên, những nỗ lực khắc phục vấn đề cho đến nay phần lớn tỏ ra không hiệu quả. Nhắm mục tiêu vào việc thay đổi kỳ thi CSAT có thể là một bước đi nhằm cố gắng giải quyết. Nhưng một số nhà phê bình gọi đây chỉ là giải pháp cấp độ bề mặt cho một vấn đề phức tạp hơn. Và nhiều học sinh cuối cấp trung học chuẩn bị tham gia kỳ thi vào tháng 11 đã phàn nàn rằng họ cảm thấy choáng váng trước sự thay đổi đột ngột sau nhiều năm đèn sách. Một số người đồng tình rằng lĩnh vực giáo dục tư nhân cần cải cách nhưng lại nghi ngờ tính hiệu quả của động thái này.
“Từ quan điểm của một học sinh trung học hiện nay, tôi không nghĩ việc dạy thêm sẽ giảm chỉ vì những câu hỏi sát thủ bị loại bỏ”, một người dùng Instagram nhận định.
Một người khác viết trên Twitter: “Tôi nghĩ cách để thoát khỏi cơn sốt giáo dục tư nhân không phải là loại bỏ những câu hỏi sát thủ hay giảm độ khó của CSAT, mà là cải thiện môi trường thị trường việc làm, nơi bạn có thể làm việc tại bất kể trình độ học vấn của bạn như thế nào. Đó cần là một nơi an toàn, nhận đủ lương và được đảm bảo nhân quyền”.
Nguồn: CNN, The New York Times