“Bên trong vẻ ngoài luôn chỉn chu và lịch lãm là một bộ não bay bổng với những ý tưởng điên rồ” – Đó là nhận định của nhiều người khi làm việc cùng MC Anh Tuấn, người mà thực ra không phải chỉ là một MC.
3 ngày trước khi khuấy động ghế nóng chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, MC Anh Tuấn đã kịp làm một vụ nổ “big bang” ở khu campus F-Ville 3 Hòa Lạc (Hà Nội) với show “nghệ thuật” “The Road to Infinity”. Gọi là vụ nổ “big bang” vì hai lẽ: một sự kiện khánh thành tòa nhà nhưng thực tế đã trở thành sân khấu trình diễn nghệ thuật mãn nhãn; và khi tổng đạo diễn của chương trình với rất nhiều điểm chạm đầy xúc cảm cho người tham dự lại là gương mặt thân quen của công chúng – MC Anh Tuấn.
Anh Tuấn đặt chân vào địa hạt của sân khấu từ khi nào? “The Road to Infinity” mà anh đi từ một Nghệ sĩ Cello đến một MC, một Biên tập viên truyền hình, một Producer (nhà sản xuất) show quốc tế, một Giám đốc Điều hành dàn nhạc giao hưởng và giờ là một Tổng đạo diễn sân khấu có hình hài, diện mạo ra sao? Anh Tuấn gói gọn cả vào một chữ “duyên”. Không quên nhắc thêm rằng, sân khấu biểu diễn (Concert) không phải “người tình mới” của anh. Anh đã gán duyên với “ả” 16 năm nay.
Có nhiều người trong ngành sự kiện bất ngờ khi biết tôi đứng sau toàn bộ chương trình. Không ít người nghĩ đây là chương trình đầu tiên của tôi với tư cách Tổng đạo diễn. Thực ra tôi đã bắt đầu công việc này từ năm 2007. Tôi không giấu nhưng cũng không “flex” (khoe) làm gì, 16 năm qua, tôi đã thực hiện nhiều chương trình, sự kiện tầm cỡ nhưng thích đứng sau sân khấu hơn. Chỉ cần khách hàng và khán giả yêu thích show thì với tôi, đó là hạnh phúc.
Có lẽ là vậy. Tôi thực sự được bay trong không gian ý tưởng và sáng tạo của mình.
Ban đầu, tôi không định tham gia. Khi nhân viên nói với tôi là bên FPT Software mời dự thầu tổ chức Lễ khánh thành campus thứ 8 của họ tại Hòa Lạc, tôi đang chuẩn bị cho 3 chương trình lớn khác ở Đà Nẵng và Hà Nội. Nhưng khi nghĩ lại, tôi quyết định đến khu campus đó khảo sát. Vừa đặt chân vào khuôn viên công trình mới xây xong vẫn còn đang ngổn ngang đất cát, tôi đã thấy tràn ngập cảm hứng cùng những ý tưởng. Chỉ sau vài phút, gần như toàn bộ những ý tưởng kịch bản của chương trình đã hình thành trong đầu tôi và sau này đã được hiện thực hoá trong show, bao gồm cả chủ đề “The Road to Infinity”. Vào khoảnh khắc ấy, tôi được truyền cảm hứng từ trong không gian của những tòa nhà mang kiến trúc vô cực này. Tôi chỉ có thể nói đó là khoảnh khắc Trời cho.
Tối hôm ấy, tôi bắt tay vào việc phác thảo hình hài sân khấu theo ý tuởng để có thể đưa vào hồ sơ dự thầu. Một tháng sau đó, chúng tôi nhận thư trúng thầu từ FPT Software. Điều khiến tôi và ê-kíp của mình cảm thấy rất sung sướng, có lẽ là nhờ ý tưởng bay bổng mà chúng tôi trúng thầu. Khi đó, tôi đã chia sẻ với khách của mình rằng, chúng tôi muốn biến một chương trình khánh thành truyền thống thành không gian một chương trình nghệ thuật mà ở đó, mỗi điểm chạm đều là vô tận, độc đáo từ không gian biểu diễn, loại hình nghệ thuật đến ẩm thực và cả bối cảnh.
Một điều rất may mắn là chúng tôi được làm việc với ê-kíp khách hàng rất thấu hiểu, rất chia sẻ và đã tin tưởng cho tôi tự do “bay” để hiện thực hóa những ý tưởng rất khác của mình.
Tôi “bay” nhưng luôn chạm chân vào mặt đất. Có lẽ, điều khiến tôi mạnh dạn “bay” là tìm được điểm chung với khách hàng. Cách làm việc của tôi cũng tương đồng với triết lý của họ – một công ty công nghệ hiện đại nhưng không cứng nhắc, khuôn mẫu mà luôn dám làm những điều mới mẻ và bứt phá. Thế nên, dù chỉ có 1 tháng chuẩn bị, tôi vẫn không từ bỏ những ý tưởng “điên” làm khó mình và làm khó các cộng sự.
Ngay từ khi hình thành ý tưởng, tôi đã ấp ủ sử dụng hình ảnh của tre làm chủ đạo và một trích đoạn kịch xiếc “Làng tôi” là rất phù hợp để mở màn, đặc biệt khi người xem là những khách hàng quốc tế. Bài toán đặt ra cho tôi là khi FPT Software phải đón tiếp 500 khách hàng là lãnh đạo các công ty lớn trên thế giới, show phải kết hợp được không gian mang đẳng cấp quốc tế nhưng vẫn chuyển tải bản sắc văn hoá Việt, dân gian xen lẫn đương đại.
Hai lần nhân viên tôi mời ê-kíp “Làng tôi” tham gia, họ đều từ chối. Tôi phải huy động các mối quan hệ để tìm được những người quyết định và thuyết phục họ nhận lời, khiến họ tin rằng tôi mong muốn kết hợp tổng thể để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho vở diễn.
Cũng với ý tưởng từ tre, tôi muốn tạo nên một biểu tượng cho show diễn và cũng là biểu tượng cho phần Lễ khánh thành, để khi thời khắc quan trọng nhất đã điểm, biểu tượng “Infinity” sẽ được bay lên.
Phần âm nhạc cũng là điều đáng nói, tôi mong muốn mang đến không gian âm nhạc “world music” (Âm nhạc dân gian kết hợp với các thể loại âm nhạc đương đại Thế giới), kết hợp nhiều thể loại, từ band điện tử, các nghệ sỹ nhạc dân tộc đến dàn nhạc thính phòng. Tiết mục nữ nghệ sĩ dương cầm chơi một bản nhạc cổ điển bên chiếc đàn piano chạy trên sân khấu cũng tưởng chừng như không làm nổi vì tôi muốn chiếc đàn cùng người chơi phải tự chuyển động trên con đường vô tận chứ không được đẩy hay dùng ray, kéo dây.
Và một điều giờ tôi mới tiết lộ, lúc trình bày ý tưởng cũng đã cao hứng chia sẻ, chương trình mang đậm tính nghệ thuật thì ẩm thực mời khách cũng phải là điểm chạm tinh hoa của món ăn. Tôi muốn mang tới khách hàng trải nghiệm fine dining (hình thức tiệc đẳng cấp với trải nghiệm ẩm thực tinh tế, cao cấp), nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy khó, từ việc thuyết phục cậu em thân nhận lời về phần ăn uống, đến chuẩn bị các phần đi kèm trong một thời gian ngắn dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Đầu bếp chính hôm đó còn nói đùa với tôi là “Em nghĩ chỉ có điên mới nhận job (phần việc) này”. Bởi đưa được bàn tiệc cao cấp ra khỏi không gian nhà hàng và đặt nó vào một không gian ngoài trời mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn cao cấp là điều rất khó. Tính riêng bát đĩa đã vài ngàn chiếc, ly cốc cũng như vậy, rồi khăn ăn, dao, dĩa, thiết bị bếp, rồi tính toán tuyến đi cho vài trăm người phục vụ… Nhưng cuối cùng anh em bạn bè vẫn nhận làm điều không tưởng đó cho show.
Trên tất cả, tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công cho chương trình là chính khách hàng đã tình nguyện “lên thuyền” cùng chúng tôi để “đạp gió rẽ sóng”.
Tôi chưa bao giờ bị áp lực kiểu như vậy ở mọi chương trình nói chung cũng như “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” nói riêng, bởi mình chỉ cần làm tốt nhất phần của mình, làm sao để các “chị đẹp” yên tâm “đạp gió rẽ sóng” thì chương trình mới hay được.
Một điều rất vui cho tôi khi tham gia show “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” là hầu hết những “chị đẹp” đều là những người quen, người thân với tôi trong nhiều năm, hay đơn giản hơn là tôi đã đồng hành cùng sự nghiệp của họ từ lúc họ mới làm nghề cho đến tận bây giờ. Có lẽ với những điều hơi cá nhân đó, chúng tôi dễ dàng nói chuyện trong show, dễ dàng để hiểu nhau cả những lúc thăng hoa trên sân khấu đến những phút vui đùa ở hậu trường.
Công việc nào tôi cũng coi trọng như nhau, chỉ có ở mỗi mốc thời gian, cái này sẽ hơi chiếm nhiều thời gian hơn cái khác. Là một người dẫn chương trình giải trí, tôi luôn chọn những show hợp với mình về phong cách để nhận lời chứ không thể dẫn hết các loại show được. Là một đạo diễn tôi cũng sẽ xem “sức” mình có đảm đương được công việc đó hay không. Tôi không muốn cứ nhận bừa để rồi làm khách hàng hay khán giả thất vọng.
Tôi cực tự tin với vai trò này. Luôn biết là công việc chiếm nhiều thời gian của mình nên tận dụng tối đa những khoảng thời gian còn trống cho gia đình. Nhiều hôm đi quay mười mấy tiếng về mệt nhưng vẫn rủ vợ ra ngoài ăn uống để vợ được vui, hay như bây giờ thì bỏ vest dẫn ra lại quay ngay về với vai bố bỉm sữa để chăm con. Tôi cũng dành thời gian tìm hiểu về suy nghĩ, tư duy, công việc, cuộc sống, tình cảm của các con để đưa ra những lời khuyên phù hợp nhất. May mắn là các con có gì khó khăn cũng hay tâm sự và đi tìm lời giải từ bố.
Trong 1 năm, tôi rất quan trọng chuyện đi du lịch cùng gia đình. Có thể là những chuyến đi đâu đó chúng tôi chưa đi, hoặc cả nhà về thăm 2 cậu lớn ở Australia. Bên cạnh đó thì tôi cũng cơm nước đầy đủ lắm. Có thể làm cơm đủ món cho các cu cậu ngày xưa, sau là chăm vợ bầu, đôi khi tụ tập bạn bè thì tôi cũng luôn là người nấu nướng. Các bạn công ty tôi còn đùa “đi ăn với anh Tuấn thì mọi người cứ yên tâm chỉ ăn, còn nấu đã có anh lo”.
Suy cho cùng, sau những phút giây cống hiến cho khán giả ở nhiều vai trò, thì mình cũng cần một nơi bình yên thật riêng cho gia đình nhỏ, nơi mà mình sẽ muốn làm thật nhiều để mọi người vui, no đủ và tạo ra không khí đầm ấm. Nhìn những người thân yêu nhất hạnh phúc sẽ là phần thưởng vô giá, là niềm vui và động lực phấn đấu cho chính mình trong mọi việc.