3 điều cấm kị khi tặng quà cho giáo viên, mắc phải thì thật tâm đến mấy cũng thành ra vụ lợi
Việc tặng quà cho thầy cô rất cần sự tinh tế!
- Dân mạng ngả mũ trước loạt tiết mục văn nghệ cực “đỉnh” của học trò mừng 20/11
- 20/11 và lời hứa chưa bao giờ quên của những thầy cô giáo nước ngoài giàu tâm huyết dành cho trẻ vùng cao
- Những lời chúc 20/11 bằng tiếng Anh hay nhất, giáo viên nghe xong chỉ có cảm động
Ngày Lễ Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần. Đây là thời điểm nhiều phụ huynh đang bỏ công sức, tìm những món quà ý nghĩa, mà không bị quá vật chất để dành tặng cho thầy cô, những người đã dìu dắt, bảo ban con em mình trên con đường khám phá tri thức.
Tuy nhiên, tặng quà thế nào để cả người tặng và người nhận đều vui không phải chuyện đơn giản. Nhiều khi, chỉ vì một vài hành động vô ý, việc tặng quà thay vì bày tỏ lòng biết ơn chân thành sẽ trở nên vụ lợi, khiến giáo viên khó xử.
Theo đó, có những hành động được xem như cấm kị khi tặng quà giáo viên, phụ huynh cần nhớ rõ:
1. Tránh nói “Nhờ thầy cô quan tâm đến cháu nhà tôi nhiều hơn”
Tâm lý chung của phụ huynh là đều muốn con mình khi đi học được cô giáo chú ý hơn một chút. Tuy nhiên một lớp học có hàng chục học sinh và nhiệm vụ của giáo viên là cần phải công bằng, đối xử với mọi học sinh như nhau, không được thiên vị. Việc thầy cô quan tâm tới em này nhiều hơn một chút, cũng đồng nghĩa với một em khác sẽ bị bớt quan tâm đi một chút.
Chính vì vậy, thầy cô rất ngại phải nghe những lời này. Khi nhận được quà kèm theo câu nói này, thầy cô sẽ cảm thấy áp lực, tựa như bị ép phải thiên vị và rơi vào tình huống khó xử. Món quà dù có chân thành đến mấy, lúc này cũng trở nên vụ lợi.
Ảnh minh họa
2. Trực tiếp hỏi giáo viên “Thầy cô thích quà gì”
Nhiều phụ huynh vì không biết nên tặng giáo viên quà gì, sợ chẳng may tặng món quà không đúng ý thì làm phật lòng thầy cô; hoặc tặng món quà không hữu dụng thì thầy cô không dùng đến; chính vì vậy họ quyết định hỏi trực tiếp thầy cô thích quà gì.
Hành động này thực sự rất phản cảm và kém tinh tế. Dù đến từ mục đích chân thành nhưng lại khiến giáo viên cảm thấy ngại ngùng, khó xử. Bởi hành động nói ra món quà mình thích chẳng khác gì hành động vòi vĩnh phụ huynh.
3. Tặng quà nhưng lại “vô tình” để lại mác giá
Một số phụ huynh dồn nhiều tâm tư, tặng cho thầy cô món quà đắt tiền để bày tỏ tấm lòng. Trong một số trường hợp, phụ huynh dường như sợ thầy cô không biết được giá trị của món quà nên “quên” không bóc tem giá. Đây cũng là một hành vi vô cùng kém tinh tế, tạo gánh nặng, áp lực tinh thần cho giáo viên. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên tặng những món quà quá đắt tiền làm gì vì sẽ khiến thầy cô khó xử.
Nếu tặng quà, phụ huynh có thể cân nhắc một số món đồ như: Bộ dầu gội, sữa tắm; đồ uống, thực phẩm bổ dưỡng để thầy cô có sức khỏe khi đi dạy, kem dưỡng tay,…
Đây là những món đồ nhẹ nhàng, thiết thực mà giáo viên có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời cảm nhận được sự quan tâm của phụ huynh. Ngoài ra, cha mẹ có thể cân nhắc cho con làm một số món quà thủ công nhỏ, viết thiệp, vẽ tranh,… để tặng thầy cô. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu hơn về việc tri ân thầy cô giáo.