Con than: “Mẹ ơi, con bị bạn cùng lớp đánh” – phản ứng sau đó của cha mẹ cứu rỗi cuộc đời cậu bé
Cha mẹ dạy con không gây rắc rối ở bên ngoài, nhưng cũng cần dạy con phải biết nhờ giúp đỡ khi cần thiết.
- Sở GD-ĐT TPHCM trả lời gì trước học sinh về bạo lực học đường?
- Chứng kiến bạo lực học đường, học sinh hành xử sao cho đúng mực?
- Học sinh cần “sức đề kháng” để ngăn chặn bạo lực học đường
01
Vào lúc nửa đêm, cậu con trai 8 tuổi đột nhiên bật khóc vì đau bụng. Người mẹ tưởng con chỉ bị đau dạ dày nên đã lập tức đưa cậu bé đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, kết quả từ bệnh viện đưa ra khiến người mẹ sững sờ: “Đau bụng do ngoại lực tác động”, bác sĩ kết luận.
Sau khi được mẹ gặng hỏi, con trai mới nói ra sự thật rằng trong lớp có một học sinh khác luôn yêu cầu cậu phải làm nhiều việc vặt như dọn dẹp, làm hộ bài tập về nhà… Chỉ cần cậu bé không làm hay làm không tốt sẽ bị bạn kia đánh.
“Con không dám nói với bố mẹ. Bạn đó nói nếu dám mách người lớn, ngày nào cũng sẽ đánh con”, cậu con trai tủi thân kể lại với mẹ.
Ảnh minh hoạ
Bà mẹ nghe xong vô cùng tức giận, ngay lập tức chỉ muốn đến tận nhà học sinh kia làm rõ mọi chuyện. May mắn thay, sau khi phối hợp cùng nhà trường, đứa trẻ bắt nạt đã xin lỗi và hứa không bao giờ đánh cậu bé kia nữa.
Sau sự việc của con trai, bà mẹ liền ngẫm ra: “Chúng tôi luôn tự hào về sự ngoan ngoãn của con trai, nhưng không ngờ tính cách này lại khiến con bị tổn thương, không dám kể chuyện với cha mẹ“.
02
Vài năm trước, một cư dân mạng tên A. đã chia sẻ trên Douban về câu chuyện bị bạn bè bắt nạt hồi còn đi học. Hồi tiểu học, có một học sinh đột nhiên chuyển đến lớp của A. Học sinh này vừa cao to, vừa có xu hướng bạo lực nên chỉ sau vài ngày đã tập hợp được một nhóm chuyên đi bắt nạt bạn bè để tống tiền.
Không may thay, A. chính là một trong những người bị nhóm kia tống tiền hàng ngày. Nếu không nộp tiền ăn vặt, A. sẽ bị nhóm kia chặn đánh trên đường đến trường.
Kiểu tống tiền này đã kéo dài gần 1 năm, cho đến khi mẹ của A. phát hiện. Bà mẹ làm mạnh tay với nhóm học sinh bắt nạt con trai thì A. mới được giải thoát, không còn phải nộp tiền cho nhóm đó nữa.
Sau đó, A. chia sẻ đã vô tình nghe được từ kẻ bắt nạt về những nạn nhân khác ngoài cậu: “Mấy đứa học sinh kia quá hiền lành với thật thà. Nếu bố mẹ nó mà không biết, nó sẽ tiếp tục phải nộp tiền và bị đánh”.
Ảnh minh hoạ
03
Nhiều bậc cha mẹ thường dạy con phải thân thiện và khiêm tốn. Đây là hai đức tính rất tốt, tuy nhiên nếu trẻ không biết từ chối và dễ dàng nhận lời thì có thể dễ bị người khác phớt lờ và bắt nạt.
Giáo sư Lý Khai Phục (Cựu giám đốc Google tại Trung Quốc) từng nói: “Tôi không muốn con mình quá ngoan ngoãn mà muốn con có khả năng suy nghĩ độc lập. Mục tiêu của tôi không phải dạy con trở thành đứa trẻ ngoan nhất”.
Trên con đường trưởng thành, cha mẹ cần dạy con lễ phép và ngoan ngoãn, nhưng hai đức tính tốt đẹp này không đồng nghĩa với việc trở thành điểm yếu để người khác gây tổn thương cho trẻ.
Ảnh minh hoạ
Để vừa dạy con nên người, vừa giúp con biết cách tự lập và bảo vệ bản thân, cha mẹ cần lưu ý 2 điều sau:
1. Dạy con nói “không”
Trong một video, bé gái kể rằng thường bị ôm và hôn mỗi lần gặp bạn bè của bà. Cô bé không thích điều đó, nhưng cũng không dám từ chối. Người mẹ sau khi biết được đã nhẹ nhàng nói với con gái: “Nếu lần sau con không muốn bị ôm hay hôn, hãy đề nghị thay bằng cái bắt tay”.
Người quá tốt bụng thường lo việc tự chối sẽ gây tổn thương cho người khác, nhưng nếu không từ chối có thể gây khó chịu ngược lại cho mình. Do đó, cha mẹ cần khuyến khích con nói “không” nhiều hơn với những hành động vô lý, để con có thể tự bảo vệ bản thân thay vì phục tùng những thứ khiến trẻ khó chịu.
2. Dạy trẻ biết nhờ giúp đỡ
Cha mẹ dạy con không gây rắc rối ở bên ngoài, nhưng cũng cần dạy con phải biết nhờ giúp đỡ khi cần thiết. Yêu cầu người khác giúp đỡ không chứng tỏ con yếu đuối, ngược lại còn giúp trẻ biết cách bảo vệ bản thân.
Trong quá trình trưởng thành của con luôn xuất hiện nhiều khó khăn và thất bại. Cha mẹ không thể bảo vệ trẻ suốt đời nên thay vì lo lắng và sợ hãi hộ con, phụ huynh nên dạy bé cách vượt qua khó khăn.
Hãy nhớ rằng tử tế và tốt bụng là điểm mạnh của con, nhưng đừng để những tính cách tốt đẹp này khiến trẻ phải chịu tổn thương từ người khác. Hãy biến sự tử tế trở thành lợi thế và dạy con biết cách bảo vệ bản thân, nhờ cậy người khác đúng lúc đúng thời điểm.
Nguồn: Sohu