Đề xuất dạy thêm là nghề kinh doanh: Đừng để học sinh thành công cụ …

15 mins read
Đề xuất dạy thêm là nghề kinh doanh: Đừng để học sinh thành công cụ …

Đề xuất dạy thêm là nghề kinh doanh: Đừng để học sinh thành công cụ kiếm tiền

MINH KHÔI/VTC News, Theo VTC News 14:05 27/11/2023

Một số giáo viên, chuyên gia phản đối đưa dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện vì lo ngại học sinh sẽ thành công cụ kiếm tiền.

  • Hà Tĩnh phát động “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm”
  • Làm rõ đơn tố cáo “nữ sinh bị cô giáo xúc phạm, sụt 10kg do bỏ học thêm”
  • Hơn 88% học sinh THPT phải đi học thêm

Cô Nguyễn Hoàng Anh (giáo viên dạy Toán THCS quận Đống Đa, Hà Nội) thẳng thắn đánh giá vấn đề dạy thêm, học thêm đang biến tướng và bị lạm dụng quá mức.

Học sinh thành công cụ kiếm tiền?

Theo cô Hoàng Anh, trước kia chỉ những học sinh lực học kém mới cần đến nhà cô giáo học ôn, cải thiện kiến thức. Giờ đây, hầu như nhà nào cũng cho con đi học thêm với tâm lý “học bao nhiêu cũng không đủ, đến nhà cô học thêm điểm số sẽ tự động cao hơn”.

Thậm chí còn có tình trạng học sinh lực học xuất sắc vẫn đi học thêm ngày hai ca đến mụ mị đầu óc. Chính những tư duy như vậy khiến việc dạy thêm biến chất, xa rời mục tiêu ban đầu.

“Phụ huynh nhiều lần đề nghị tôi nhận dạy thêm con họ sau giờ học, cuối tuần. Thú thật tôi từng dạy thêm vài năm, thu nhập cũng tốt hơn, gấp 3 – 4 lần tiền lương ở trường.

Do quá áp lực nên tôi đã từ chối nhận dạy thêm học sinh lớp chủ nhiệm vì sau mỗi bài kiểm tra, phụ huynh lại thắc mắc sao điểm học sinh thấp thế. Mỗi khi nghe câu hỏi này tôi lại chạnh lòng, dường như phụ huynh đang mặc định cứ đi học thêm nhà cô là điểm phải cao mà không quan tâm năng lực con họ tới đâu”, cô Hoàng Anh tâm sự.

Đề xuất dạy thêm là nghề kinh doanh: Đừng để học sinh thành công cụ kiếm tiền - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên lo ngại khi để dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện. (Ảnh minh hoạ: KTĐT).

Lý do khác khiến cô ngừng “tăng ca” một phần vì tiền dạy thêm ngày một tăng, lạm phát hơn cả giá cả thị trường. Năm 2010 cô nhận dạy thêm lớp đầu tiên, khi ấy tiền học thêm 40.000 đồng/buổi/học sinh. Sau 10 năm, tiền học thêm tăng lên 150 – 300.000 đồng/buổi tuỳ hình thức, nhu cầu chọn lớp ôn của phụ huynh (dạy kèm 1 – 1, ôn cấp tốc, ôn theo buổi…).

Nhiều lúc cô rơi vào thế khó, nếu lấy giá dạy thêm quá thấp thì sẽ bị các thầy cô giáo khác cùng trường “tẩy chay” vì cho rằng phá giá, hạ giá thấp để hút các em. Ngược lại giá học thêm quá cao thì mang tiếng tận thu phụ huynh, học sinh.

“Từ cuối năm 2021 đến nay tôi ngừng việc dạy thêm tại nhà. Dù thu nhập giảm đi đáng kể nhưng thực sự tôi thấy nhẹ lòng hơn, công tâm với tất cả học trò, không phải đau đầu căn chỉnh điểm mỗi khi chấm bài kiểm tra. Hơn hết, tôi không muốn bị mang tiếng lợi dụng biến phụ huynh, học sinh thành công cụ kiếm tiền”, nữ giáo viên 40 tuổi tâm sự.

Vị giáo viên này băn khoăn dạy thêm đang bị cấm nhưng nhiều giáo viên vẫn vượt rào, ép học sinh đi học để tận thu, vậy nếu được chấp thuận thành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ còn biến tướng và tận thu đến mức độ nào, giá cả dạy thêm lạm phát đến đâu, khi ấy học sinh sẽ chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Cách đây 11 năm, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17 với kỳ vọng giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm trong các nhà trường. Đến nay, vấn nạn này không thuyên giảm mà thậm chí ngày càng nổ rộ, gây bức xúc dư luận và từng không ít đại biểu Quốc hội đã nêu lên trước nghị trường.

Dạy thêm, học thêm không chỉ gây tốn kém cho phụ huynh, quá tải cho học sinh mà còn phô bày hình ảnh xấu về người thầy khi nơi này nơi kia phản ánh có tình trạng ép học sinh học thêm, các nhà trường tổ chức dạy thêm với hình thức “tự nguyện kiểu ép buộc”. Thậm chí, còn có chuyện học sinh bị trù dập, đối xử không công bằng chỉ vì không chịu đi học thêm.

Thầy Hoàng Bá Tuấn Anh (giáo viên dạy Văn ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng, mục đích của dạy thêm, học thêm là để học trò nâng cao kiến thức, không phải giải quyết bài toán cung – cầu. Lương giáo viên tuy có thấp thật, nhưng không vì thế mà lấy cớ để bắt ép học trò đến học thêm, như một hình thức tăng ca.

“Giáo dục được định nghĩa dùng kiến thức, tình yêu thương để cảm hoá, định hướng, dẫn đường cho học trò, không thể biến thành hình thức kinh doanh mua bán trao đổi bằng tiền. Không ai mang sự nhiệt huyết, yêu nghề của nhà giáo ra để đo đếm bằng tiền”, thầy nói.

Khi chấp thuận dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện thì đồng nghĩa cả thầy và trò đều được đặt lên bàn cân để định tính “học thầy này giá bao nhiêu, học thầy kia giá bao nhiêu”.

Thầy giáo dạy Văn này cũng cho rằng, thay vì đưa dạy thêm trở thành nghề kinh doanh có điều kiện thì ngành giáo dục cần tập trung vào hai bài toán tăng thu nhập cho giáo viên và đổi mới hình thức thi cử, dạy học.

Chỉ khi nào học sinh đi học không còn lo lắng về điểm số quá nhiều, các kỳ thi không còn cam go, ganh đua kết quả, đổi phương pháp học từ thuộc lòng sang đánh giá nhận thức, năng lực, tư duy, khuyến khích các em thì vấn đề dạy thêm sẽ dần bị triệt tiêu, thầy Hoàng Anh phân tích.

Không nên đưa dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện là những ngành nghề phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… Luật Đầu tư năm 2020 quy định 227 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Đề xuất dạy thêm là nghề kinh doanh: Đừng để học sinh thành công cụ kiếm tiền - Ảnh 2.

Lịch học thêm dày đọc khiến học sinh mụ mị, áp lực. (Ảnh minh hoạ: GDTĐ)

Ở lĩnh vực giáo dục, nhiều năm nay có hiện tượng dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Học yếu phải học thêm đã đành, học giỏi cũng phải học thêm, học đến mức các con mệt mỏi, u uất, mất cả thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Các con muốn đi học thêm cũng có. Bố mẹ bắt đi học thêm cũng có. Tệ hại nhất là giáo viên ép học trò đến lớp của mình để học thêm…

Khái niệm “học thêm tràn lan” được hiểu là quá mức cần thiết do bố mẹ hoặc thầy cô ép buộc. Do đó, kiến nghị đưa dạy thêm, học thêm vào quản lý như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không nên.

“Việc ‘dạy thêm tràn lan’ là điều nhức nhối nhưng không ảnh hưởng quốc phòng, an ninh, cũng không ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội; không làm tổn hại nhiều đến đạo đức… Vì thế không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện”, ông nêu quan điểm.

Bộ GD&ĐT đã có thông tư về chống dạy thêm tràn lan, nhiều địa phương cũng đưa ra giải pháp, nhưng chưa thực sự làm tốt. Vì sao chưa làm tốt? Cần đi tìm nguyên nhân, giải quyết từng vấn đề tận gốc và khắc phục dần, chứ không nên xem nó như một ngành nghề như các ngành nghề khác, dù là “có điều kiện”.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm – Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, ở tiểu học, tình trạng phụ huynh bị ép cho con học thêm phổ biến hơn ở bậc học trên. Tuy nhiên, thực chất, học sinh không cần thiết phải học thêm. Nhất là với những học sinh đã học hai buổi/ngày thì mọi yêu cầu học tập hầu như giải quyết tại trường.

Thầy Lâm ủng hộ việc siết chặt quản lý và có chế tài nghiêm khắc hơn với trường hợp “ép buộc” học sinh học thêm hoặc dạy trước, mang kiến thức chính khóa ra dạy ở lớp dạy thêm. Việc này hành lang pháp lý đã có, chỉ còn vấn đề thực thi, chế tài thế nào, không cần thiết ban hành thêm quy định dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện.

Thầy Tùng Lâm cũng chia sẻ những nguyên nhân dẫn đến dạy thêm tràn lan do tâm lý chạy theo điểm số (của phụ huynh), áp lực thành tích (do giáo viên bị áp thi đua) và quan trọng hơn là áp lực thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học quá nặng nề khiến ở các bậc THCS, THPT.

Sẽ sửa quy định dạy thêm

Vụ trưởng Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD&ĐT đang có hướng sửa Thông tư 17 theo hướng giải quyết vướng mắc trong việc cấp phép cho các tổ chức dạy thêm. “Nếu nó được đưa vào luật như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì vướng mắc này sẽ dễ xử lý hơn”, ông nói.

Bộ GD&ĐT không cho phép các trường tăng tiết dạy, môn học so với chương trình đã quy định. Việc các nhà trường tăng tiết thu thêm tiền, bản chất chính là dạy thêm, học thêm. Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng với Thông tư 17 quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã và đang đổi mới quy định về kiểm tra đánh giá học sinh (gồm cả thường xuyên và định kỳ), đổi mới thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng và khích lệ thầy trò theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất chứ thay vì tiếp nhận kiến thức thuần túy. Với yêu cầu mới này, việc luyện thi theo cách truyền thống trước đây sẽ dần không còn phù hợp.

Việc đổi mới này không giúp chấm dứt ngay việc dạy thêm, học thêm tràn lan nhưng sẽ có tác động lớn đến động cơ học thêm của học sinh, của phụ huynh, ông Thành cho hay.

  • dạy thêm
  • học thêm
  • học sinh
  • giáo viên

Latest from Blog