WeChoice Awards đã đi qua 7 mùa với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có khi là sự ngưỡng mộ trước những hành động phi thường. Khi là sự tự hào với những con người mang về vinh quang cho đất nước, dân tộc.
Và đôi lúc cũng là giọt nước mắt trước sự hy sinh thầm lặng của những con người đời thường bé nhỏ nhưng mang trong mình một trái tim vĩ đại, hoặc, một tình yêu vượt thời gian với biết bao xúc cảm…
Anh đánh giày câm và chú chó mù
Năm 2015, bức ảnh về chú chó mù nhỏ nằm ngoan ngoãn trong chiếc giỏ của người đàn ông đánh giày được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đằng sau hình ảnh ấy là cả một câu chuyện cảm động về tình người, về những số phận thiệt thòi vẫn gắn bó, nương tựa lẫn nhau giữa Sài Gòn huyên náo và hoa lệ.
Nhân vật chính trong câu chuyện là anh Trần Khắc Ân (SN 1977, quê An Giang) làm nghề đánh giày, sống quanh phố Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn, Thi Sách (Q1, TP.HCM). Bàn tay phải của anh mắc bệnh nên bị sưng vù và không thể cầm vật nặng. Cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả.
Anh Ân được cho một chú chó nhỏ xinh có tên gọi Bích La. Chú chó dù bị mù nhưng ngày ngày quấn quýt với chủ, cùng anh rong ruổi khắp các con phố của Sài Gòn. Hai số phận khốn khó nương tựa vào nhau, cùng nhau vượt qua mọi gian nan của cuộc sống. Cũng trong năm 2015, câu chuyện anh Ân và chú chó mù đã nằm trong top 10 nhân vật truyền cảm hứng tại WeChoice Awards năm 2015.
Dù sau này, đồng hành cùng anh Ân chẳng còn là chú chó mù nhỏ ấy, nhưng niềm lạc quan vào cuộc sống của người đánh giày câm cũng như tình yêu thương dành cho những người bạn nhỏ đặc biệt của mình vẫn không hề thay đổi. Câu chuyện đã khiến ta thêm niềm tin rằng, giữa cuộc sống bề bộn và xô bồ này, niềm hạnh phúc đôi khi thật giản đơn.
Thầy giáo “quân hàm xanh” cùng lớp học nằm giữa biển khơi
“Ở đây, con người ta đói ăn đói mặc không phải là điều ghê gớm, mà theo tôi, đói tri thức mới là sự ghê gớm nhất” – Đây là những chia sẻ của Thượng úy Trần Bình Phục về đảo Hòn Chuối – nơi anh đã gắn bó hơn chục năm. Nơi đây có 54 hộ dân đều là hộ nghèo với cuộc sống bấp bênh chỉ dựa vào những con cá con mực câu được qua ngày qua tháng. Thậm chí có gia đình 3 đời không biết chữ.
Chính vì lẽ đó, thầy Phục cùng đồng đội quyết dựng một lớp học tình thương dạy chữ cho lũ trẻ. Câu chuyện về thầy Phục và những đứa trẻ nơi đảo xa đã làm rung động hàng ngàn người tại lễ trao giải WeChoice Awards năm 2016. Và thầy Trần Bình Phục cũng trở thành một trong năm đại sứ của WeChoice lan tỏa thông điệp “Cánh buồm cảm hứng”.
Không chỉ đến từng nhà thuyết phục phụ huynh cho con đi học, mỗi ngày, thầy trò gành đón nhau bước qua 303 bậc thang để đến với một nơi dựng tạm bằng mấy thanh gỗ, vài miếng tôn cũ.
Thầy Phục nhớ lại: “Nếu lớp sập xuống đè tôi chết thì không sao, nhưng mà mấy đứa nhỏ mình đâu quản lý hết nổi. Tôi cứ nơm nớp lo sợ, tìm mọi cách xây cho tụi nhỏ một ngôi trường”. Thế rồi, một ngôi trường mới được xây lên giữa hòn đảo nhỏ tựa ngôi nhà ấm áp cho cả thầy và trò.
Từ lèo tèo 4,5 em nhỏ ngày đầu mở lớp, từ những đứa nhỏ chẳng biết viết biết đọc, từ một gian nhà nhỏ dựng tạm chẳng đủ che nắng mưa… người lính đồn biên phòng với tình thương đã mang đến không chỉ tri thức mà còn là đôi cánh ôm lấy hết những ngây ngô, khờ dại của những đứa trẻ đáng thương trên hòn đảo xa xôi này.
“Để đến khi buộc phải rời đảo, tôi cảm thấy an tâm hơn sau ngần ấy nỗ lực gieo con chữ nơi đảo xa! Niềm hạnh phúc nhất, chính là được làm thầy của lũ trẻ” – thầy giáo Trần Bình Phục chia sẻ.
Người cha 70 tuổi cắp sách đi học cùng con trai mắc hội chứng down
Phía sau hành trình tìm cách thay đổi số phận của Mạc Đăng Mừng – một chàng trai mắc hội chứng Down bẩm sinh là câu chuyện về sự hy sinh, nỗ lực không biết mệt mỏi của người cha – bác Mạc Văn Mỹ. Và đây cũng là câu chuyện nằm trong top 10 bình chọn của WeChoice Awards năm 2017.
Cậu bé Mạc Đăng Mừng chào đời vào năm 1988 với hội chứng Down bẩm sinh. Điều này khiến cuộc đời của Mừng dường như “tua” chậm lại so với bạn bè đồng trang lứa cả chục năm. 12 tuổi, Mừng mới đi những bước đầu tiên. May mắn, nhờ có sự đồng hành của cha mẹ, Mừng không phải đầu hàng số phận.
Cùng cha miệt mài đến lớp học, 26 tuổi, Mừng đã nhận được chứng chỉ nghề kĩ thuật viên đồ họa của trường ĐH Văn Lang, giành rất nhiều huy chương trong các môn thể thao dành cho người khuyết tật. Mừng cũng biết chơi đàn Organ, biết võ Aikido, thành thạo bơi lội và thậm chí nhận được học bổng 200 triệu đồng từ một trung tâm Anh ngữ… Tất cả, Mừng đều có cha đồng hành.
Ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, bác Mỹ vẫn thường ngày đến lớp học cùng con trai. Học để cập nhật kiến thức mới, để biết phương pháp dạy và phối hợp cùng thầy để về nhà dạy Mừng cho… khớp.
Câu chuyện bác Mỹ – người cha đã dành cả đời đấu tranh với số phận để con mình được sống như một người bình thường đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bậc cha mẹ có con cái khiếm khuyết. Khiến họ thêm tin rằng có những hành trình dẫu khởi đầu rất khó khăn nhưng nếu ta không dừng lại, không nản lòng thì đích đến là những điều ngọt ngào không ai ngờ đến.
Người cha từ bỏ sự nghiệp diễn viên tìm lại cuộc sống bình thường cho con trai
Chắc hẳn, rất nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện cảm động về diễn viên Quốc Tuấn hy sinh cả sự nghiệp để tìm lại cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác cho Bôm, con trai đầu lòng mắc phải căn bệnh APERT – xương cứng cục bộ. Cả một chặng đường dài, cả hai bố con cứ kiên cường dìu nhau đi.
Bên cạnh việc kiên trì chữa bệnh cho con trai, Quốc Tuấn còn nuôi dưỡng tâm hồn yêu âm nhạc của bé Bôm. Nhờ sự dìu dắt của bố, Bôm từng chút một khá dần lên.
Hiện tại, bé Bôm tuổi 20 vẫn đang theo đuổi giấc mơ âm nhạc của mình. Bôm đang học hệ trung cấp 7 năm, chuyên ngành Piano Jazz, Khoa nhạc Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Diễn viên Quốc Tuấn và bé Bôm chính là 1 trong 5 đại sứ truyền cảm hứng của lễ trao giải Wechoice Awards 2017. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng có lẽ khán giả không thể nào quên phần mở màn vô cùng ấn tượng của Sơn Tùng M-TP với ca khúc “Remember Me” được đệm đàn bởi bé Bôm vào đêm trao giải Wechoice năm ấy.
Tiết mục đặc biệt này còn có sự góp mặt của 50 người đến từ mọi thành phần xã hội và cũng là những nhân vật nằm trong đề cử của WeChoice Awards qua 3 mùa đầu tiên. Cũng tại WeChoice Awards 2017, bé Bôm và diễn viên Quốc Tuấn đã trở thành 1 trong 5 Đại sứ truyền cảm hứng của giải thưởng.
9 năm hạnh phúc đổi lấy nửa kiếp đợi chờ
Cũng trên sân khấu của WeChoice Awards 2017, có một câu chuyện về tình yêu, sự hy sinh cao thượng được thể hiện qua tiết mục múa đương đại được dày công dàn dựng mang tên “Xuân” đã lay động hàng triệu người. Và cảm hứng cho tiết mục đó chính là cụ Xuân – cụ bà 94 tuổi, người đã chờ chồng hơn 50 năm nhưng vẫn mỉm cười khi chồng trở về cùng người vợ mới. Và cụ Xuân cũng chính là một trong 5 Đại sứ truyền cảm hứng trong WeChoice Awards 2017.
Đặc biệt, ngồi ở hàng ghế phía dưới, cô Nguyễn Thị Phương (70 tuổi, con gái cả của cụ Xuân) không nén nổi những giọt nước mắt khi một lần nữa chứng kiến tất cả những khó nhọc mà mẹ mình đã phải trải qua.
Vậy mà cụ Xuân vẫn có những suy nghĩ về tình yêu khiến chúng ta đều có thể tìm ra một bài học cho mình. Những suy nghĩ khiến câu chuyện của cụ không chỉ là một câu chuyện cảm động về một tình yêu không trọn vẹn, mà còn là một bài học mà mọi thế hệ, mọi con người, mọi hoàn cảnh đều có thể soi chiếu.
Khi tuổi đã xế chiều, nghĩ về cuộc tình của mình, cụ Xuân luôn cố gắng kể thật nhiều hồi ức tốt đẹp. Cụ bảo, 9 năm sống cùng ông Đức là quãng thời gian đẹp nhất trong đời cụ. Năm 1954, cụ Xuân tay dắt, tay bế, thêm đứa con trong bụng chưa chào đời đứng giữa ngã 3 đường tiễn chồng là ông Shimizu Yoshiharu (tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức) đi công tác. Dù nói chỉ đi 5 tháng thôi rồi sẽ về, nhưng rồi chẳng ai ngờ 5 tháng ấy lại kéo dài đến mãi 52 năm.
Theo chia sẻ của những người con cụ Xuân, mẹ đã đợi bố hơn nửa cuộc đời, bao nhiêu nước mắt cũng đã chan hòa với dòng ký ức mệt nhòa của cả đời người.
Cụ Xuân lại chẳng hờn giận hay oán trách. Đối với cụ, tình yêu đẹp không phải cứ nhất nhất là nắm tay nhau từ sáng tới tối, hứa bên nhau từ thanh xuân tới lúc già. Cụ Xuân cũng tin rằng, cuộc tình trọn vẹn là khi nó còn sống mãi trong trái tim của cả hai người và tất cả giây phút bên nhau, họ đã yêu bằng một tình cảm nồng cháy, chân thành.
Họ là những con người, dù làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, sống trong những hoàn cảnh không giống nhau, tuổi tác cũng chẳng tương đồng, thế nhưng lại có điểm chung đó chính là tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ, mang trong mình thái độ sống lạc quan, cầu thị và lan tỏa được thái độ ấy đến với mọi người. Đó cũng là những giá trị mà WeChoice Awards mong muốn gửi gắm trong suốt hành trình 7 mùa qua và cả trong tương lai.
Cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 sẽ chính thức mở từ ngày 18/12/2023 tại website: wechoice.vn. Hãy gửi đến chúng tôi những nhân vật, những câu chuyện mang đậm tinh thần dám sống vì đam mê – dám cháy rực rỡ với khát vọng của mình.
WeChoice Awards – Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ý nghĩa với cộng đồng.
Mùa thứ 8 với chủ đề “Dám đam mê, Dám rực rỡ”, WeChoice Awards 2023 vẫn sẽ là nơi tìm kiếm và lan tỏa những nguồn cảm hứng tích cực thông qua hệ thống giải thưởng đa dạng, đặc biệt là giải thưởng quan trọng nhất: Nhân vật Truyền cảm hứng, bao gồm 10 Nhân vật Truyền cảm hứng và 5 Đại sứ Truyền cảm hứng.
– 10 Nhân vật Truyền cảm hứng do cộng đồng độc giả bình chọn dựa trên các đề cử gửi đến cổng đề cử của WeChoice Awards 2023, thông qua website wechoice.vn.
– 5 Đại sứ Truyền cảm hứng là hạng mục duy nhất hoàn toàn do Hội đồng thẩm định – gồm những nhân vật có uy tín xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau bình chọn.