Sự khác biệt giữa cha mẹ khiến con không thích học và cha mẹ khiến con thích học
Con thích học hay không thích học phần lớn do thái độ của cha mẹ đối với việc học như thế nào.
- 20 phút sau khi tan học, cảnh tượng lạ tại giảng đường ĐH Thanh Hoa được ghi lại: Đây là khác biệt giữa “học bá” và người thường
- Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi 2 kiểu cha mẹ này sẽ có cuộc sống khác biệt sau 18 năm: Một đằng tươi sáng, một đằng tối tăm
- Sự khác biệt rõ rệt sau một thời gian giao con cho bà ngoại trông
Khi thấy con không cố gắng trong học tập, cha mẹ thường cằn nhằn trẻ. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, hành động của mình sẽ khiến con cái không hứng thú với việc học không? Nếu muốn con cái thay đổi suy nghĩ về việc học, cha mẹ phải là người cần thay đổi trước. Đây cũng là điều mà Masanobu Takahama, tác giả cuốn sách có tựa đề “Nuôi dạy con không hủy hoại cha mẹ” chỉ ra. Làm thế nào để trẻ có hứng thú học tập?
Masanobu Takahama sinh năm 1959 tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Ông tốt nghiệp chương trình thạc sĩ tại Đại học Tokyo. Năm 1993, ông thành lập nhóm nghiên cứu Hanamaru, một trường học tập trung vào “kỹ năng tiếng Nhật” và “kỹ năng tư duy toán học” cũng như “các lớp học trải nghiệm ngoài trời”.
Phản ứng của cha mẹ đối với việc học của con cái
Để nuôi dạy con cái trở thành những người trưởng thành tự lập, việc học tập là điều cần thiết. Bất kể việc có thi cử hay không, điều quan trọng là cần phải rèn cho trẻ thói quen học tập chăm chỉ từ bậc tiểu học.
Mặc dù cha mẹ hiểu rõ được điều này nhưng không phải ai cũng may mắn đó được một đứa con yêu thích việc học. Thông thường, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng mắng mỏ con khi thấy chúng không cố gắng học tập.
Khi trẻ học mẫu giáo, bạn có thể sẽ không phàn nàn về việc con có học hay không, nhưng sẽ khen ngợi con ngay nếu con có thể làm điều gì đó. Tuy nhiên, khi trẻ bước vào trường tiểu học, cha mẹ bắt đầu nghĩ rằng đã đến lúc con mình phải nghiêm túc học tập.
Họ muốn con mình là một đứa trẻ giỏi giang, khi thấy con ham chơi sẽ cằn nhằn ngay lập tức. Ngay cả khi trẻ ngồi vào bàn học, điều mà họ quan tâm là kết quả đúng hay sai. Họ thường nói những câu như “tại sao bài dễ vậy mà con không biết làm“, “hãy chắc chắn là con sử dụng dấu chấm câu đúng cách“, “con có đọc đúng yêu cầu của đề bài chưa“, “con lại sai bài đó nữa à“…
Khi bị cha mẹ bắt bẻ từng lỗi nhỏ trong bài làm, dần dần trẻ tỏ ra không còn hứng thú nữa. Làm sao trẻ có thể thích học trong khi suốt ngày bị cha mẹ cằn nhằn, nhắc nhở “học đi”?
Loại bỏ trạng thái học tập với tâm trạng khó chịu
Nếu muốn con cái thích học, cha mẹ cần có cách tiếp cận khác thay vì chỉ biết cằn nhằn. Đối với trẻ từ 4 đến 9 tuổi, điều đầu tiên cần làm là nuôi dưỡng ý thức “học tập là niềm vui”.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể khiến con cái nghĩ rằng học tập là niềm vui?
Trẻ em không phải là người đầu tiên thay đổi. Điều cần thiết là cha mẹ phải thay đổi suy nghĩ của mình. Cụ thể, bản thân họ cần phải từ bỏ quan niệm “học tập là điều gì đó khó chịu hay đau đớn”.
Đầu tiên, trẻ em nghĩ rằng học tập là niềm vui. Trẻ em tò mò và muốn biết mọi thứ về thế giới.
Khi trẻ được 3, 4 tuổi, ngay cả khi bạn không dạy con điều gì, con cũng sẽ bắt đầu hỏi những câu hỏi như ”Tại sao kiến lại ở trong lỗ?”, “Tại sao bầu trời lại có màu xanh?”, “Tại sao hình dạng của Mặt trăng lại thay đổi?”.
Mặc dù vậy, việc trẻ không thích học tập phần lớn là do ảnh hưởng của cha mẹ chứ không phải do chúng ham chơi. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cha mẹ vô thức truyền cho con sự tiêu cực về việc học bằng cách cho rằng “việc học thật là khó chịu”.
Bạn có nói những điều như thế này khi muốn con mình học không? “Con hãy nhanh làm bài tập cho xong đi”, “Con làm xong nhanh mới có thời gian chơi“, “Mọi người đều học, con cũng phải học“…
Thoạt nhìn, nó có vẻ như là một câu nói vô thưởng vô phạt nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực tới thái độ của trẻ trong việc học. Bằng cách này, những lời bạn nói một cách vô thức thường mang hàm ý “học tập vất vả và khó chịu”. Nếu bạn tiếp tục nói điều này, con bạn cuối cùng sẽ in sâu vào suy nghĩ “học tập vất vả và khó chịu”.
Nếu bạn được con mình hỏi rằng: “Tại sao con phải học?“. Câu trả lời của bạn sẽ là gì?
“Nếu con không học, sau này sẽ sống rất khổ sở“, “Con không học đại học, sẽ khó có một công việc tốt sau này“, “Giờ mà không học, làm sao có thể học cấp 3 rồi đại học“.
Đây là những câu trả lời phổ biến, tất cả mang tới một sự cảnh báo về tương lai u ám nếu ngay bây giờ trẻ không chịu học.
Tuy nhiên, Masanobu Takahama khuyên rằng: “Tốt nhất nên nói với con cái rằng, học tập là một niềm vui. Sẽ thật lãng phí nếu không vui vẻ trong học tập. Việc học sẽ giúp con biết được rất nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống và trên thế giới. Đó là một niềm vui cơ bản của con người“.
Nếu cha mẹ một lần nữa hiểu được niềm vui học tập, lời nói và hành động thường ngày của họ sẽ thay đổi.
Làm thế nào để con bạn yêu thích việc học?
Cách hiệu quả nhất để trẻ hiểu rằng, học tập là niềm vui là cha mẹ hãy cho trẻ thấy mình thích học tập. Ví dụ, nếu bạn muốn con mình đọc sách, hãy cho chúng thấy bạn thích đọc sách như thế nào. Nó không nhất thiết phải là một cuốn sách khó.
Khi đó đứa trẻ thấy cha mẹ mình có vẻ thích thú khi đọc sách, chúng tự hỏi liệu việc đọc có thú vị đến thế không và bắt đầu thử đọc. Một khi trẻ học được niềm vui của việc đọc sách, trẻ sẽ bắt đầu nghĩ việc học giống như việc đọc một cuốn sách, những trở ngại trong học tập sẽ được giảm bớt. Trong hầu hết các trường hợp, cha mẹ của đứa trẻ yêu sách đều là một con “mọt sách”.
Ngay cả khi không liên quan đến việc học, bạn cũng có thể thể hiện rằng mình đang làm việc chăm chỉ. Khi trẻ nhìn thấy cha mẹ làm việc chăm chỉ, chúng sẽ học được rằng làm việc chăm chỉ là điều tuyệt vời.
Mặt khác, điều tồi tệ nhất là cha mẹ vừa xem TV hoặc chơi game trên điện thoại thông minh vừa bảo con học bài. Khi bọn trẻ nhìn thấy điều này, chúng bắt đầu nói: “Mẹ con vừa xem TV vừa bảo con học. Mẹ cũng nên học đi“.
Trong những trường hợp như vậy, một số người trả lời: “Trẻ con thì cần phải học“. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận vì trẻ con quan sát hành động của người lớn nhiều hơn là lời nói.
Tóm lại, việc trẻ có thích học hay không phần lớn do thái độ của cha mẹ đối với việc học. Do đó, bạn cần chú ý và thay đổi bản thân nếu muốn con mình cải thiện thái độ với việc học.