Cổng bình chọn của WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 8/1/2024. Những lượt bình chọn tăng liên tục, vị trí của 23 đề cử trong hạng mục Nhân vật truyền cảm hứng cũng có nhiều sự thay đổi.
23 đề cử chính thức là 23 mảnh ghép đầy màu sắc trong năm 2023. Ngoài các gương mặt rapper, nghệ sĩ như Hieuthuhai, MCK, Chi Pu… đã quá quen thuộc với lượng fan hùng hậu “cày vote” mỗi ngày, hạng mục này còn có những con người cống hiến thầm lặng nhưng ít người biết đến.
Điều thú vị của năm nay là có đến 2 thầy cô giáo xuất hiện trong top 23 đề cử Nhân vật truyền cảm hứng. Cả 2 đều là Hiệu trưởng, đều hết lòng vì học sinh: Thầy Ngô Hồng Khiêm và cô Quách Thị Bích Nụ.
Tính đến sáng ngày 11/1/2024, cô Nụ đang đứng ở vị trí thứ 12 (hơn 5 nghìn lượt vote), thầy Khiêm ở vị trí thứ 15 (hơn 3,5 nghìn lượt vote). Hội phụ huynh, học sinh tỉnh Hòa Bình và hàng loạt học sinh, cựu học sinh tỉnh Kiên Giang đang kêu gọi vote cho “ba Khiêm” và “mẹ Nụ”.
Ngày ngày dậy sớm cùng “mẹ Nụ” đi đò qua sông
Từ ngày về trường mầm non Đồng Ruộng công tác, đến khi trở thành hiệu phó của ngôi trường này, rồi được luân chuyển và đảm nhận chức vụ hiệu trưởng của trường Mầm non Yên Hòa, suốt 18 năm qua, cô Quách Thị Bích Nụ vẫn cần mẫn lái đò trở không biết bao nhiêu thế hệ học sinh đến các điểm trường để học tập.
Năm 2011, cô Nụ đã bàn bạc với gia đình bán cặp bò hồi môn để đóng một chiếc thuyền sắt gắn động cơ. Con bò vốn khi ấy bán được 11 triệu đồng nhưng cô phải bỏ thêm 1 triệu đồng nữa mới tiền đủ để đóng thuyền. Chính chiếc thuyền sắt đấy, chính chiếc thuyền được đánh đổi bằng cả con bò làm của hồi môn khi cưới đấy đã giúp giấc mơ con chữ của nhiều em nhỏ ở vùng lòng hồ sông Đà bớt chòng chành hơn.
Chính chiếc thuyền sắt đấy, chính chiếc thuyền được đánh đổi bằng cả con bò làm của hồi môn khi cưới đấy đã giúp giấc mơ con chữ của nhiều em nhỏ ở vùng lòng hồ sông Đà bớt chòng chành hơn.
“Ngay từ khi về điểm trường xóm Nhạp công tác, tôi đã nhận thấy nhiều học sinh ở đây gặp không ít khó khăn trong quá trình đi lại. Đa phần các em phải có bố mẹ chèo thuyền chở đến trường, nhưng để mua được một chiếc thuyền không phải đơn giản. Có những phụ huynh thì bận lên nương làm rẫy, không thể chăm lo đầy đủ cho con cái được. Nếu cứ để như vậy, việc học của các em sẽ bị gián đoạn. Vì thế, tôi đã giúp gia đình các em làm người ngày ngày chuyên chờ, đưa các em đến trường. Việc đưa đón học sinh đi học là hoàn toàn tự nguyện, tôi không yêu cầu phụ huynh đóng góp bất cứ thứ gì”, cô Nụ chia sẻ về lý do bắt đầu theo nghề lái đò của mình.
“Những người con” của cô Nụ, những người con dù không phải do cô đứt ruột đẻ ra, nhưng đã gắn bó với cô, ngày ngày được cô đưa thuyền qua sông Đà thì đã là “con của mình” rồi. Ngay cả những đứa trẻ ở nơi nơi cô sinh sống, chẳng ai bảo ai nhưng chúng cứ kháo nhau gọi cô là “mẹ Nụ”.
Có trường hợp một học sinh vì bố mẹ không hạnh phúc nên đành phải ở với bác. Vào năm lớp 9, em đã có ý định nghỉ học để đi làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thấy được hoàn cảnh như vậy, cô Nụ liền động viên, tìm kiếm những nguồn hỗ trợ của nhà nước để em không bỏ dở việc học giữa chừng.
Với những lời động viên thân tình như một người mẹ, em học sinh này đã đi học trở lại. Ngày ngày dậy sớm để cùng “mẹ Nụ” đi đò qua sông, buổi trưa về lại ghé qua phòng của “mẹ Nụ” ăn uống ngủ nghỉ… cứ như vậy ngày nối tiếp ngày, tháng nối tiếp tháng…
“Mình không lái đò thì hành trình đi học của trò sẽ ra sao?”
Đọc toàn bộ bài viết và bình chọn cho “mẹ Nụ” tại đây
“Ba Khiêm thương mình rồi thương 2 đứa con của mình”
42 năm gắn bó với bục giảng là cũng ngần ấy thời gian thầy Ngô Hồng Khiêm – Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Bàng (TP. Rạch Giá, Kiên Giang) vừa dạy học, vừa làm MC ở các nhà hàng, tiệc cưới để có thêm thu nhập giúp đỡ học sinh khó khăn.
Để vừa làm tốt việc quản lý ở trường, vừa chạy show đám tiệc trong cùng một ngày, thầy Khiêm đành hi sinh quỹ thời gian của bản thân. Hầu như ngày nào cũng vậy, thầy đi từ sáng sớm cho đến tối muộn, có hôm 11-12h đêm mới về đến nhà chỉ để “làm sao cho học sinh có đủ sách, đủ vở đến trường, làm sao cho học sinh nào cũng có bảo hiểm y tế”.
Hình ảnh đối lập của thầy Khiêm khi là một vị Hiệu trưởng đáng kính và khi là một MC tiệc cưới vui nhộn
“Thật tình là lúc đầu bản thân tôi không thích nghề giáo, nhưng qua một năm đầu tiếp cận, tâm sự với các em, tôi thấy cái nghề mà mình đang làm nó thật sự mang lại con chữ, niềm tin cho các em, đặc biệt là học sinh nghèo. Chính các em lại tạo động lực để tôi theo đuổi và cho đến hôm nay là 42 năm, một chặng đường dài cho sự nghiệp giáo dục”, thầy Khiêm chia sẻ.
‘HẠNH PHÚC CỦA CON NGÀY HÔM NAY, TẤT CẢ NHỜ BA KHIÊM…’
Đó là lời tâm sự của anh Tiêu Chí Long (giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn) khi nhắc đến thầy Khiêm, dù trước đó cả hai chẳng có quan hệ máu mủ, ruột rà.
Sau khi từ quê ra TP. Rạch Giá để học cấp 2, anh Long tình cờ quen biết thầy Khiêm, từ đó kết thân với nhau. Từ một cậu học trò hay quậy phá, hiếu động, nhờ có sự dìu dắt, chỉ bảo của thầy, anh Long ngày một trưởng thành hơn.
“Ba nhận mình làm con nuôi rồi lo hết mọi thứ từ tập vở, ăn uống, mình lên đại học, ba Khiêm cũng lo. Đến khi mình ra trường làm giáo viên, lập gia đình, nhờ ba Khiêm hết. Ba Khiêm thương mình rồi thương 2 đứa con của mình, gặp được ba khiến cuộc sống của mình tốt hơn”.
Trong quá trình giảng dạy tại trường, nhìn thấy những em học sinh ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm vẫn chăm chỉ cắp sách đến trường, thầy Khiêm nhớ lại hình ảnh của mình trước đây
Ban đầu khi làm MC đám cưới, thầy Khiêm nhận về mình không ít lời bình luận không hay khiến thầy chạnh lòng.
“Lúc đầu thầy có buồn nhưng chỉ thoáng qua, thôi kệ người ta nói gì nói, mình làm đúng với lương tâm của mình là được, bỏ những điều không tốt qua một bên. Thầy cứ nghĩ mình có show nhiều thì học trò được phước nhiều”, thầy Khiêm tâm sự.
Đọc toàn bộ bài viết và bình chọn cho “ba Khiêm” tại đây
WeChoice Awards – Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng – đã quay trở lại với thông điệp: Dám đam mê Dám rực rỡ.
Sau khi nhận được rất nhiều đề cử ấn tượng do cộng đồng gửi về, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 8/1/2024. Ngay từ bây giờ, hãy bình chọn cho những nhân vật, câu chuyện mà bạn cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất và xứng đáng tôn vinh tại WeChoice Awards 2023.
Thời gian bình chọn sẽ kéo dài từ 8/1/2024 đến 23h59 ngày 24/1/2024. Kết quả bình chọn sẽ được công bố vào đêm Gala vinh danh và trao giải diễn ra ngày 27/1/2024. Bình chọn ngay tại wechoice.vn !