Hoàng Phương Linh (2001) là một trong những gương mặt Gen Z không quá xa lạ với nhiều người. Nữ sinh này sở hữu hàng loạt trải nghiệm và thành tích cực “ngầu” mà ai nghe xong cũng phải tấm tắc: tốt nghiệp thủ khoa ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Quản lý nhà hàng khách sạn quốc tế (Blue Mountains International Hotel Management), cô bạn cũng là người duy nhất nhận giải thưởng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất khóa.
Thành tích khiến mọi người biết đến Phương Linh giúp cô nàng “bước ra ánh sáng” chính là việc thực hiện kênh podcast “Gen Z tập lớn” với hơn 1,2 triệu lượt nghe. Kênh podcast thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng các podcast trong nước và đã được xuất bản cuốn sách cùng tên vào tháng 2/2023. Sau tốt nghiệp, Linh hiện là chuyên gia rượu vang tại một nhà hàng cao cấp ở thành phố Sydney. Cô bạn cũng có kênh Instagram, TikTok và blog mang tên The Dining Story với mục tiêu cung cấp kiến thức cho những bạn trẻ đam mê lĩnh vực F&B.
Nhìn về những kết quả đạt được thời gian qua, Phương Linh đã trải qua hành trình du học nhiều chông gai, vất vả nhưng cô bạn luôn cho thấy mình xứng đáng là thế hệ Gen Z nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng khi sẵn sàng dấn thân và không ngại thử thách. Với Linh, Gen Z không nhất thiết phải là người hoàn hảo, giỏi nhất hay hoàn thiện nhất mà quan trọng, bạn đủ kiên cường để đi hết con đường hay không, đó cũng là phương châm để Phương Linh nỗ lực trong hành trình “tập lớn” của mình.
Nhờ hành trình du học đầy chông gai mà “Gen Z Tập lớn” được nhen nhóm
Cuộc sống du học vốn chẳng màu hồng như mọi người thường nghĩ, Linh đã phải trải qua những khó khăn gì trong hành trình học tập nơi xứ người?
Với Linh, khó khăn lớn nhất luôn là vấn đề tài chính. Xuất thân từ gia đình không quá khá giả và bố mẹ phải đi vay mượn để thực hiện hoá giấc mơ du học của mình, mình luôn áp lực chuyện kiếm tiền để trang trải cuộc sống bên này và trả tiền học phí. Việc vừa học vừa đi làm không hề đơn giản chút nào. Có những thời kì đỉnh điểm mình phải ngồi làm bài ở công viên trong giờ nghỉ giữa các ca làm hay nghe bài giảng khi ngồi trên xe buýt để tận dụng triệt để thời gian. Một áp lực lớn khác đó là quyết định ở lại hay về nước sau tốt nghiệp. Khi mình có ý định ở lại để lấy thêm kinh nghiệm, mình đã phải nỗ lực tạo ấn tượng cực tốt với doanh nghiệp để được bảo lãnh ở lại.
Hành trình để kênh podcast “Gen Z tập lớn” ra đời diễn ra như thế nào? Trước khi quyết định làm kênh Linh có nghĩ mình sẽ được nhiều bạn trẻ theo dõi và ủng hộ như vậy giờ không?
Mình quyết định làm podcast trong đúng một buổi tối. Thời điểm đó mình quyết định ngừng làm Youtube ở thời điểm kênh đang phát triển rất mạnh. Sở dĩ mình ngừng làm Youtube là do bản thân mình trải qua một đợt khủng hoảng bản sắc và mình cảm thấy không còn đủ sức để “truyền cảm hứng” qua các video trên Youtube được nữa. Cùng thời điểm này, mình nghe thử một vài kênh podcast và những tập podcast đó đã xoa dịu những lo âu của mình. Từ đó, mình nghĩ là tại sao mình không thử làm podcast chia sẻ về những khó khăn và sự mông lung của thế hệ Gen Z chúng mình. Giống như cách những tập podcast kia đã giúp mình thấy nhẹ lòng, mình cũng hy vọng những tập podcast của mình sẽ giúp các bạn Gen Z khác không cảm thấy cô đơn. Khi có ý định làm podcast vào buổi chiều, buổi tối cùng ngày mình đặt mua thiết bị thu, thiết kế cover art cho kênh, tạo kênh và viết kịch bản đầu tiên. Sau khi nhận được microphone mình đã cho ra tập podcast đầu tiên một cách nhanh gọn lẹ.
Thành thật mà nói, mình làm podcast là vì chính mình. Mình chỉ muốn nói ra các trăn trở để mình không phải giữ trong lòng. Podcast với mình như một cuốn nhật ký sống vậy. Rất may mắn là cuốn nhật ký của mình lại được các bạn ủng hộ nhiệt tình. Mình đôi lúc vẫn không dám tin là có người nghe Gen Z Tập Lớn dù mình đã làm podcast được 2 năm rồi.
Bên cạnh công việc sáng tạo nội dung, Linh đã theo học ngành quản trị khách sạn và đang làm việc trong ngành F&B tại Úc. Cơ duyên nào khiến Linh theo đuổi ngành nghề này?
Hồi bé mình rất hiếm khi được ở khách sạn hay đi ăn nhà hàng. Vì vậy, đối với mình được làm việc trong khách sạn 5 sao là một cái gì đó rất sang chảnh. Khi định hướng nghề nghiệp, mình luôn muốn học và làm các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh. Nếu học Quản trị Kinh doanh thì quá chung chung. Lúc đó mình nghĩ tới ngành Quản trị Khách sạn đơn giản vì muốn “mặc vest đi lại trong khách sạn 5 sao cho sang”. Mình cũng chẳng biết học xong mình sẽ làm gì, mình có đam mê hay không. Mình chỉ biết là ngành này có kỳ thực tập trả lương. Vì hoàn cảnh gia đình nên cứ thấy cái gì được trả lương là mình ham. Cộng dồn những yếu tố trên lại, mình đã nhắm mắt chọn bừa ngành Quản trị Khách sạn và sau đó bén duyên với lĩnh vực F&B sau các công việc thực tập trong nhà hàng.
Trong vô số kinh nghiệm mà Phương Linh đã học hỏi và trải qua từ khi đi học cho đến bây giờ, có những “bài học xương máu” nào mà Linh nhận ra trong quá trình mình học tập và làm việc?
Điều mình luôn khắc cốt ghi tâm đó là hãy làm mọi công việc bằng 100% sức lực ngay cả khi mình ghét công việc đó. Mình nghĩ những gì mình có được ở ngày hôm nay là nhờ việc mình cắn răng chấp nhận làm những công việc khó và những việc mình ghét. Mình luôn tin là ngay cả khi mình làm một công việc mình ghét mà vẫn có thể làm xuất sắc thì chắc chắn đến khi làm một việc mình đam mê, mình sẽ toả sáng.
Bài học thứ 2 với mình đó là đừng giới hạn bản thân trong bản mô tả công việc. Mỗi khi đi làm, mình luôn hỏi những người làm ở vị trí khác về công việc của họ, cách họ làm việc và đôi lúc sẵn sàng làm những công việc ngoài bản mô tả công việc chỉ để học hỏi thêm kinh nghiệm và kiến thức. Khi mình biết làm nhiều thứ trong công việc, mình trở nên khó bị thay thế. Từ đó, quản lý và doanh nghiệp sẽ luôn trân trọng mình và cố gắng đáp ứng các yêu cầu mình đề ra để giữ mình ở lại làm việc với họ. Mình tin đó cũng là cách giúp mình tiến nhanh hơn trên hành trình sự nghiệp của mình.
Dám nghĩ để khác biệt là một lợi thế nhưng nhiệt huyết dám làm mới là điều “gây mê”
Lý do nào khiến Linh dám thử thách xây dựng kênh Instagram, TikTok và blog chuyên về F&B mang tên The Dining Story?
Mình làm tất cả các kênh nội dung với mục đích ban đầu là vì chính bản thân mình. Thời điểm mình làm The Dining Story là khoảng thời gian mình muốn từ bỏ ngành F&B nhất. Đã từng có một người bạn cũ gặp lại mình và nói “Sao em không đi làm ngành khác đi, thông minh như em làm nghề này làm gì cho phí”. Đó là giây phút mình cảm thấy rất chạnh lòng nhất. Vì bản thân mình là đứa rất thích làm nội dung và thích viết, mình đã phải tìm cách sử dụng đam mê cá nhân để níu chân mình trong ngành F&B.
Mình dùng kênh The Dining Story làm động lực giúp mình tiếp tục đi làm và học hỏi. Mình luôn nghĩ nếu mình làm tốt, có nhiều kiến thức và trải nghiệm trong nghề thì mình càng có nhiều nội dung để chia sẻ trên kênh của mình. Cũng vì câu nói của người bạn kia, mình muốn làm một kênh Instagram kiến thức rất chuyên ngành để người ngoài thấy rằng nghề F&B không chỉ đơn thuần là lao động chân tay mà còn đòi hỏi rất nhiều kiến thức.
Được biết, Phương Linh rất am hiểu và có nhiều kinh nghiệm thực chiến trong lĩnh vực F&B, tại sao Linh lại muốn phát triển đam mê theo đuổi rượu vang và trở thành một chuyên gia về rượu?
Mình thú thật mình là một “mọt sách”. Mình thích học những lĩnh vực mà đòi hỏi tính tự học cao và học mãi không hết kiến thức. Nhưng mình cũng thích một lĩnh vực cần sự tinh tế và tính sáng tạo. Chuyên gia rượu vang chính là sự hết hợp hoàn hảo của những yếu tố trên. Học rượu vang đòi hỏi mình phải đọc, nghiên cứu và liên tục tiếp thu kiến thức. Rượu vang đòi hỏi sự tinh tế trong việc cảm nhận hương vị và tinh tế trong việc thấu hiểu sở thích của thực khách. Trong rượu vang, mình cũng cần phải sáng tạo để nghĩ ra những cách kết hợp rượu cùng đồ ăn cho hợp lý nhưng phải độc đáo.
Mình còn là một người thích thách thức bản thân và thích “khác người”. Chuyên gia rượu vang là một trong những công việc thách thức nhất trong lĩnh vực F&B và đặc biệt cực kì ít phụ nữ Á Đông làm việc trong lĩnh vực này. Mình muốn được thấy mình là một “chú kì lân” – trẻ tuổi, là phụ nữ và là người châu Á trong một ngành nghề mà hầu hết toàn đàn ông đến từ các nước Châu Âu do họ được tiếp xúc với văn hoá rượu vang từ nhỏ.
Thành công đến từ việc được các bạn trẻ đón nhận, cũng như có thành tựu nổi bật ở tuổi 22 là xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, Linh cảm thấy như thế nào về cả hành trình tuổi trẻ mà mình đã trải qua?
Mình không dám nhận mình đã có được thành công gì to tát, nhưng đương nhiên mình rất tự hào về hành trình tuổi trẻ của bản thân. Mình không tự hào vì đơn giản được các bạn đón nhận các sản phẩm nội dung của mình, mà mình tự hào vì bản thân đã sống hết mình trong đoạn đường tuổi trẻ mình vừa đi qua. Mình cảm thấy biết ơn bản thân vì cái tính “máu chiến” – đã muốn làm cái gì là phải làm ngay lập tức và làm tới cùng. Tất cả các kênh nội dung của mình từ Youtube, Podcast, Instagram đến việc xuất bản sách đều là ý tưởng chớp nhoáng được mình thực hiện ngay tắp lự chỉ vì mình muốn thử sức. Và mình tự hào vì dù công việc sáng tạo nội dung không phải công việc chính nhưng bản thân đã luôn bền bỉ làm tới cùng cho đến khi thấy được thành quả.
Nhận thấy Linh là một bạn trẻ dám cho mình cơ hội được thử rất nhiều thử thách mới trong cuộc sống, mọi người luôn cảm nhận được nguồn năng lượng mà bạn tỏa ra, vậy làm sao mà Linh giữ vững và duy trì được tinh thần đó?
Mình nghĩ xuất phát bản thân mình là một người hiếu thắng. Hồi còn đi học mình luôn muốn dẫn đầu và luôn muốn trở thành người giỏi nhất. Dần dần mình thấy việc chạy đua với người khác không lành mạnh nên mình chuyển sang tự “thi đấu” với chính mình. Khi mình lấy mình là làm trọng tâm của sự so sánh, mình sẽ liên tục nghĩ ra các thử thách, tìm ra các lĩnh vực mới để thử sức với mục tiêu là mình của năm nay phải mới mẻ và thú vị hơn mình của một năm về trước. Mỗi năm mình sẽ tự đặt ra một vài thử thách cho bản thân và tự mình thách mình phải vượt qua thử thách đó để thoả cái tính hiểu thắng của mình. Cũng một phần vì bản thân làm công việc chia sẻ nội dung nên mình bắt buộc phải liên tục thử thách để làm mới mình thì các bạn mới cảm thấy hứng thú khi nghe những câu chuyện mình kể được.
Với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, luôn hết mình theo đuổi tri thức, Hoàng Phương Linh đã phần nào truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ đang trong giai đoạn “tập lớn” cũng như làm thay đổi cái nhìn của bạn bè quốc tế về hình ảnh của những bạn trẻ Việt Nam. Ở tuổi 23, Phương Linh đã có những dấu ấn “rực rỡ” khiến bao người ngưỡng mộ, thế nhưng thay vì ngủ quên trên chiến thắng cô bạn vẫn luôn thử thách bản thân trải nghiệm những mảng mới.
Cô bạn cho biết, chặng đường sắp tới sẽ tập trung chuyên môn sâu hơn để phát triển bản thân, song song đó là tiếp tục đồng hành cùng cùng các bạn GenZ thông qua kênh Podcast. Khi có cơ hội về Việt Nam, Linh ấp ủ dự định mở một vài buổi workshop nhỏ để chia sẻ về kỹ năng làm việc trong Fine Dining và kiến thức về rượu vang dựa trên kinh nghiệm và trải nghiệm của mình đến cộng đồng đam mê F&B.
Có thể nói, Hoàng Phương Linh là một trong những đại diện điển hình của những Gen Z kiểu mới, khi dám vươn mình thoát khỏi những định kiến, không ngừng tiến lên phá bỏ giới hạn để sống một cuộc đời thật rực rỡ với khao khát chạm tay đến những giấc mơ.
Hãy bình chọn cho Hoàng Phương Linh tại đây.
Ảnh: NVCC
WeChoice Awards – Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng – đã quay trở lại với thông điệp: Dám đam mê Dám rực rỡ.
Sau khi nhận được rất nhiều đề cử ấn tượng do cộng đồng gửi về, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 8/1/2024. Ngay từ bây giờ, hãy bình chọn cho những nhân vật, câu chuyện mà bạn cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất và xứng đáng tôn vinh tại WeChoice Awards 2023.
Thời gian bình chọn sẽ kéo dài từ 8/1/2024 đến 23h59 ngày 24/1/2024. Kết quả bình chọn sẽ được công bố vào đêm Gala vinh danh và trao giải diễn ra ngày 27/1/2024. Bình chọn ngay tại wechoice.vn!