Video cậu bé lần lượt xin phép từng người lớn trên bàn cơm ngày Tết “gây bão”, dân mạng thấy mệt thay: “Như màn tra tấn!”
Mới ngày đầu năm, đoạn video “lễ nghĩa trên bàn cơm” ở Quảng Tây (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng nước này.
- Dạy con 10 điều này trước khi trẻ lên 10 là chìa khóa giúp trẻ phát triển toàn diện, tương lai rộng mở
- 2 khung cảnh khác biệt ở sân bay và bài học muôn thuở về dạy con nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết
- Ngày Tết, con trai đến thăm bố Công Lý, MC Thảo Vân bình luận 1 câu cho thấy đã văn minh còn dạy con quá khéo
Đoạn video quay lại cảnh trên bàn ăn ngày Tết, nhân vật chính là cậu bé khoảng 7-8 tuổi đang lần lượt xin phép những họ hàng có mặt.
Nội dung cụ thể được kể lại bởi một người cô trong nhà, cũng là người quay và đăng đoạn video này như sau.
Theo người cô này chia sẻ, người địa phương Quảng Tây rất chú trọng lễ nghĩa truyền thống, nguyên tắc được giữ gìn từ đời này sang đời khác, đến nay vẫn còn được tuân thủ rộng rãi.
Nhiều cư dân mạng cũng đồng ý với điều này: “Muốn biết lễ nghĩa phép tắc gia đình là gì, hãy ăn chung một bàn cơm với người Quảng Tây”.
Cụ thể, trong mỗi bữa cơm, hậu bối phải thể hiện sự tôn trọng và lễ phép với trưởng bối. Thế nhưng quá trình này có lẽ lại là sự giày vò đối với nhiều đứa trẻ.
Bữa cơm trong video rất đông đủ, cậu chú cô dì chú bác đều có mặt, nhưng hầu hết cậu bé đều không quen.
Trẻ nhỏ ăn không được nhiều, nhưng nếu cứ ngồi trên bàn ăn thì không tiện, người lớn vẫn đang ăn uống và trò chuyện, dự tính bữa ăn này sẽ kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Cậu bé muốn ra khỏi bàn ăn thì phải thực hiện màn xin phép từng người:
“Bác cả ăn từ từ, bác hai ăn từ từ, mợ ba ăn từ từ…”. Có lẽ vì quá nhiều người trên bàn ăn, để mình nhanh chóng ra khỏi bàn, cậu bé đã nghĩ ra một cách. Em nói: “Con ăn xong rồi, mọi người từ từ ăn ạ”.
Kết quả, bố mẹ cậu bé lại nổi cơn thịnh nộ, quát: “Mọi người là ai? Nói cho rõ ràng”.
Khách trên bàn ăn cũng không nói giúp cho mình, cậu bé chỉ đành xin phép từng người một.
Đoạn video chỉ đơn giản vậy thôi nhưng lại thu hút đông đảo cư dân mạng vào tương tác và bình luận. Nhiều người cho rằng ở thời hiện đại, nên giảm thiểu những tập tục dư thừa, tạo sự tiện lợi trong cuộc sống, chỉ cần không vi phạm đạo đức là được.
“Một bữa ăn mà như màn tra tấn. Chắc chắn đứa trẻ này nếu không được định hướng tư tưởng rõ ràng, lớn lên sẽ ám ảnh cảnh này mỗi khi tụ họp gia đình”.
“Nếu tôi là khách khứa ngồi chung bàn, tôi sẽ bảo cháu không cần làm như vậy khi bị bố mẹ quát” .
“Sự lễ phép và cách ứng xử của một người không phải chỉ được hình thành nhờ những nguyên tắc ấy. Nên bỏ thì cứ bỏ, không cần câu nệ quá nhiều vì thời nay đã khác”.
Song cũng có không ít người ủng hộ cách giáo dục của bố mẹ cậu bé, cho rằng nhờ đó mà em lớn lên mới biết lễ phép, gia giáo.
“Mặc dù phiền phức nhưng tập tục của ông cha luôn dạy chúng ta nên người. Phải dạy trẻ từ nhỏ, để chúng lớn lên trong môi trường gia giáo”.
“Chỉ bằng cách này, trẻ mới biết tôn trọng người lớn, nhớ về tập tục của ông cha để kế thừa và truyền lại cho thế hệ sau”.
Người cô đăng tải đoạn video này cho biết cô còn rất trẻ, cũng thấy tội nghiệp cho cháu trai của mình, nhưng không thể làm gì hơn vì đây là tập tục truyền thống. Bản thân cô cũng lớn lên trong môi trường này nên cũng cảm thấy bình thường.
“Từ khi bước vào cửa nhà cho đến lúc ngồi vào bàn ăn, người Quảng Tây để phải chào hỏi và xin phép”, người phụ nữ nói.
Nguồn: 163