4 trường đại học dự kiến thành đại học
Hiện 4 trường đại học gồm Công nghiệp Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Y Hà Nội, Cần Thơ công bố định hướng phấn đấu chuyển thành đại học.
- Chính thức mở cổng đăng kí dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội
- Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lập 5 trường, dự kiến chuyển thành đại học từ 2025
- Nhiều trường đại học top đầu đua nhau mở ngành mới
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xác định lộ trình đến năm 2025 đạt đủ các điều kiện để chuyển thành đại học theo quy định của Chính phủ.
Để thực hiện lộ trình này, tháng 12/2021, Hội đồng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành lập Trường Ngoại ngữ – Du lịch. Đây là trường trực thuộc đầu tiên, trên cơ sở nhập khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và khoa Du lịch (thành lập năm 2000).
Tiếp đến, tháng 8/2023, trường Cơ khí – Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Cơ khí và khoa Công nghệ ô tô. Dự kiến từ nay đến 2025, sẽ thành lập thêm 3 trường: Điện – Điện tử; Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông.
4 trường đại học dự kiến nâng đời lên thành đại học. (Ảnh minh hoạ)
TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của chúng tôi là tái cấu trúc các khoa sẵn có, không phải là tăng quy mô”.
Trường cũng định hướng trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh. Trong lộ trình trở thành đại học, nhà trường chủ trương hoạt động đào tạo phải gắn với thực tiễn nhằm cung cấp ra thị trường lao động đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong thực tế.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến thành lập thêm 3 trường trực thuộc: trường Kinh doanh, Kinh tế và Công nghệ trong lộ trình phấn đấu lên thành đại học vào năm 2025.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, trong số 3 trường mới sẽ thành lập, trường Kinh tế sẽ chú trọng đào tạo các ngành kinh tế với đầu ra chủ yếu là các cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.
Trường Kinh doanh hướng đến đào tạo các nhà quản trị, vận hành các doanh nghiệp, thiên về quản trị kinh tế vi mô.
Trường Công nghệ tuy mới thành lập nhưng được xây dựng dựa trên nền tảng của 3 đơn vị đào tạo đang có sức thu hút mạnh mẽ đối với sinh viên là: Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số, khoa Toán kinh tế và khoa Thống kê.
GS Chương cho biết, thực tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn và xác định định hướng phát triển thành đại học từ lâu. Để thực hiện điều này, trường đã xây dựng và ban hành chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, trong đó xác định rõ lộ trình để hướng tới đại học.
Cuối 2023, GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhà trường đang xây dựng đề án trình các cấp đưa trường Đại học Y Hà Nội trở thành Đại học Khoa học sức khỏe định hướng nghiên cứu hàng đầu ở châu Á.
Việc xây dựng trường Đại học Y Hà Nội thành Đại học Khoa học sức khỏe là tầm nhìn chiến lược, nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển nhà trường đến năm 2030.
Theo GS Tú, để thực hiện lộ trình này trường tiếp tục đổi mới toàn diện nâng cao chất lượng đào tạo, mở các mã ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội, đầu tư và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế, phát triển các bệnh viện thực hành, thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng.
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết, trường đang sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và xúc tiến thành lập hai phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.
“Mục tiêu lớn nhất của năm học 2023 – 2024 là hoàn thành đề án chuyển trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ”, ông Toàn nhấn mạnh. Để thực hiện mục tiêu này, trường dự kiến thành lập 4 trường trực thuốc, 1 khoa và 1 viện mới trên cơ sở các đơn vị hiện có.
Cụ thể, các đơn vị trực thuộc gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Với quyết định của Thủ tướng vào tháng 12/2022, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên chuyển từ trường đại học thành đại học sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định 99 năm 2019 có hiệu lực.
Tiếp đến tháng 10/2023, Đại học Kinh tế TP.HCM là đơn vị thứ hai chuyển đổi mô hình theo quy định mới.
Như vậy, hiện cả nước có 7 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM.