4 nguyên tắc mà người EQ cao luôn ngầm hiểu với nhau: Dù thân đến mấy cũng đừng động vào
Giao tiếp giữa người với người là một loại nghệ thuật, làm sao để thân thiết mà không sỗ sàng, lịch sự mà không bị xa cách?
- Chỉ lo con phát triển IQ mà bỏ qua EQ, cần cẩn thận nếu bé có 5 dấu hiệu quản lý cảm xúc kém
- Nhiều đứa trẻ tương lai mù mịt không phải là bởi IQ hay EQ thấp mà do sự “giả tạo” này của cha mẹ
- Từng trải qua tuổi 30 khốn khổ, tôi cực kỳ hạnh phúc khi bước sang tuổi 50: Lý do liên quan tới chỉ số EQ, khiến ai cũng ngỡ ngàng
Xây dựng và duy trì các mối quan hệ là một bài học không dễ dàng. Nếu chúng ta chọn cách giữ khoảng cách quá xa, mối quan hệ có thể dần trở nên nhạt nhòa. Ngược lại, nếu quá gần, mối quan hệ có thể trở nên biến chất, dễ dẫn đến nhiều tranh chấp không mong muốn.
Không phân biệt là gia đình, bạn bè, bạn đời hay đồng nghiệp, việc giữ một khoảng cách vừa phải giữa sự thân thiết và sự kín đáo là điều quan trọng. Việc vượt quá giới hạn này không những không khiến mối quan hệ phát triển hơn mà còn có thể gây ra những rạn nứt không lường trước được.
Không phải tự nhiên mà người xưa có câu nói: “Tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng”. Trong mối quan hệ bạn bè, sự thân thiết quá mức có thể dẫn đến thiếu cẩn trọng trong lời nói và quá trình giao tiếp. Những hành động vui đùa quá mức có thể khiến đối phương trở nên căng thẳng và khó chịu. Điều này dần dần làm suy giảm tình cảm của cả 2 phía.
Ngay cả trong quan hệ gia đình, giữa những người thân, bạn đời, nếu can thiệp quá mức vào cuộc sống hàng ngày của đối phương từ mọi hành động, tin nhắn, cuộc hẹn… có thể gây ra cảm giác mất tự do, bị kiểm soát quá mức. Một môi trường không lành mạnh sẽ trực tiếp dẫn tới mối quan hệ không bền chặt. Thay vì sự tin tưởng và chân thành, người ta chỉ nhận được những cảm xúc độc hại rồi dần trở nên mệt mỏi và xa cách, khiến cho việc chia sẻ và tương tác trở nên khó khăn.
Do đó, trong bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cần giữ một khoảng cách nhất định. Điều này là cần thiết để tạo ra một không gian khả năng phát triển, giữ cho mối quan hệ tươi mới và bền vững. Người EQ luôn tuân thủ 4 nguyên tắc “ngầm hiểu” sau đây để đảm bảo điều đó.
Giữa vợ chồng với nhau, cần đủ không gian riêng tư
Trong hành trình xây dựng mối quan hệ hòa thuận, việc duy trì không gian riêng tư là một yếu tố quan trọng mà các cặp đôi nên chú ý. Có lẽ, điều này trở nên ngày càng quan trọng trong thế giới hiện đại, khi mà mỗi người đều có nhiều áp lực về cuộc sống.
Một trong những cách giữ cho tình cảm giữa vợ và chồng hòa thuận nhất là dành cho nhau một không gian riêng tư vừa đủ. Dù có khăng khít đến mấy, việc giữ lại một số bí mật nhỏ giữa hai người không chỉ giúp bảo vệ tính cá nhân mà còn làm tươi mới và thêm phần phong phú cho mối quan hệ.
Mỗi người đều cần có thời gian và không gian để nuôi dưỡng những sở thích, thú vui cá nhân cho riêng mình, miễn là không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Đó cũng là thời điểm họ được làm mới bản thân, khám phá những khía cạnh khác biệt của cuộc sống.
Trong gia đình với nhau, luôn dành đủ sự tôn trọng
Trong mỗi gia đình, việc duy trì sự kính trọng giữa các thành viên là một nguyên tắc quan trọng. Mặc dù nhiều người có quan điểm rằng, “gia đình không cần phải khách sáo”, “gia đình là phải thẳng thắn bày tỏ ý kiến với nhau”, nhưng quan điểm này không nên làm giảm giá trị của sự tôn trọng.
Sự tôn trọng này thể hiện trong nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng đơn giản nhất chính là biết ơn sự giúp đỡ của người thân, tham khảo ý kiến của nhau khi đưa ra một quyết định lớn, ủng hộ và đồng hành với nhau khi gặp khó khăn… Sự cân bằng giữa việc “cho đi” và “nhận lại” giúp tạo ra một môi trường tốt hơn, làm cho mọi người cảm nhận được sự chân thành trong mối quan hệ.
Trong khi đó, không nên can thiệp quá sâu vào chuyện riêng tư của người khác nếu họ không mong muốn chia sẻ. Giữ ranh giới tôn trọng này để tránh làm bản thân trở nên tọc mạch, sỗ sàng, giúp mối quan hệ giữa cá nhân và gia đình thêm phần mạnh mẽ và ổn định.
Bạn bè với nhau, không đòi hỏi vô lý
Tình bạn chân chính nên thể hiện sự trong sáng và không thực dụng. Bạn bè thực sự giúp đỡ nhau từ lòng tốt và sẵn sàng hỗ trợ, không phải vì nghĩa vụ hay áp đặt.
Nhưng trong thực tế, một số người thường có xu hướng đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi không hợp lý với những người mà họ coi là “bạn bè gần gũi”. Nếu đối phương từ chối, họ lại cảm thấy không hài lòng và phàn nàn thường xuyên. Hầu hết mọi người đều không muốn tiếp tục làm bạn lâu dài với người có thói quen “tự coi mình là trung tâm” như vậy.
Trong khi tìm kiếm sự gần gũi và tương tác tích cực, quan hệ bạn bè nên được xây dựng trên tinh thần tự nguyện và lòng tốt, chứ không phải dựa vào áp đặt và yêu cầu. Tôn trọng trong mối quan hệ bạn bè đồng nghĩa với việc không sử dụng những cụm từ như “Nếu coi tớ là bạn thì cậu hãy…” để ép buộc người khác phải đáp ứng những nhu cầu cá nhân một cách vô điều kiện.
Với người xa lạ, tránh vồ vập tỏ ra thân thiết
Trong xã hội ngày nay, câu ngạn ngữ Trung Quốc truyền thống “Quân tử chi giao đạm như nước” vẫn giữ nguyên giá trị, thể hiện nguyên tắc giữ khoảng cách và nhẹ nhàng trong giao tiếp, đặc biệt là khi tiếp xúc với những người xa lạ.
Việc kết thân với những người không quen thuộc đòi hỏi sự cẩn trọng và tinh tế. Có người lần đầu gặp mặt, có người chỉ gặp 1-2 lần mỗi năm. Khi kết thân với những người không thân quen, dù ấn tượng ban đầu” có tốt đến đâu cũng không thể không giữ khoảng cách. Đừng chen vào cuộc sống của người khác một cách vội vàng.
Càng trưởng thành, bạn càng nhận ra rằng tình yêu, tình thân hay tình bạn đều là những kho báu đáng quý. Vì vậy đừng để sự thân thiết quá mức “giết chết” những vui thú của tình cảm. Hãy để cho mình một chút không gian thư giãn và cho người khác một chút không gian riêng tư. Đó mới chính là khoảng cách đẹp nhất giữa người với người.
*Nguồn: Aboluowang