1. Vì sao phụ nữ mang thai hay bị ợ chua, ợ nóng?
Ợ chua, ợ nóng, buồn nôn… thường hay xuất hiện ở phụ nữ mang thai nhưng không phải là ốm nghén mà là do trào ngược acid dạ dày – thực quản. Triệu chứng này có thể kéo dài trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối thai kỳ, gây rất nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến ăn uống và sinh hoạt.
Trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng dịch acid và thức ăn trong dạ dày trào ngược lên vùng thực quản, họng, miệng, gây ra các các triệu chứng như: ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nóng rát ngực, viêm họng…
Có nhiều yếu tố dẫn đến trào ngược dạ dày – thực quản như: chế độ ăn uống không hợp lý, béo phì, hút thuốc; sử dụng một số loại thuốc điều trị hen suyễn, thuốc kháng histamine, giảm đau, an thần… Trong đó mang thai cũng là yếu tố quan trọng gây trào ngược acid.
Mặc dù lý do chính xác vẫn chưa rõ ràng nhưng hầu hết các chuyên gia đều tin rằng hormone thai kỳ, đặc biệt là progesterone có ảnh hưởng rất lớn. Các hormone gây giãn cơ vòng thực quản. Đây là một dải cơ tròn chặt ở phía trên dạ dày. Điều này cho phép thức ăn được tiêu hóa một phần và acid dạ dày chảy ngược hoặc trào ngược vào thực quản.
Ngoài ra, progesterone còn làm chậm quá trình tiêu hóa khiến thức ăn bị giữ thức ăn trong dạ dày lâu hơn. Bản thân quá trình mang thai – áp lực tử cung đang phát triển – cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
Theo BSCKII. Đỗ Thị Thuỷ, chuyên Sản phụ khoa, nguyên nhân trào ngược acid khi mang thai có thể do sự thay đổi hormone. Điều này ảnh hưởng đến áp suất trong cơ vòng thực quản, kết nối thực quản với dạ dày khiến acid từ dạ dày trào lên thực quản.
Ngoài ra khi mang thai, bản thân tử cung có thể tạo áp lực lên dạ dày khiến thức ăn trào lên thực quản…
2. Cách đối phó và giảm tình trạng ợ chua, ợ nóng
Theo các chuyên gia tiêu hóa, để điều trị trào ngược dạ dày – thực quản, ngoài việc dùng thuốc thì cách ăn uống và sinh hoạt có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm để đối phó và cải thiện tình trạng này là thay đổi lối sống và thói quen ăn uống.
Phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý đến chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; nên duy trì cân nặng phù hợp; vận động nhẹ nhàng thường xuyên, thư giãn, tránh căng thẳng; không mặc quần áo chật; không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá, không uống rượu bia hay lạm dụng thực phẩm cay nóng…
Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ. Không nên ăn quá no. Chia nhỏ các bữa ăn nếu cảm thấy khó chịu. Thức ăn nên luộc, hấp, hạn chế chiên, xào, hạn chế sử dụng gia vị mạnh.
Nên ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, đạm dễ hấp thu như: rau xanh, trái cây, cá, trứng, hải sản, thịt gia cầm bỏ da…
Hạn chế ăn đồ ăn quá lỏng, không nên uống nhiều nước mỗi lần. Không ăn quá nhiều trái cây có tính acid như cam, chanh… Tránh các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm giàu tinh bột đã chế biến; các loại đồ uống có gas…
Không nên vận động mạnh hoặc nằm ngửa sau khi ăn. Chỉ nên ngủ sau khi ăn khoảng 3 giờ. Nên đi bộ nhẹ nhàng sau ăn 30 phút giúp dễ tiêu hóa và ngăn ngừa trào ngược.
Nếu hay bị trào ngược vào ban đêm, nên nâng cao phần đệm gối đầu và vai cao hơn ở mức vừa đủ giúp thức ăn di chuyển xuống dưới nhưng vẫn ở tư thế có thể ngủ thoải mái.
3. Có nên dùng thuốc điều trị trào ngược khi mang thai không?
Thay đổi lối sống luôn là biện pháp được ưu tiên nhất để điều trị trào ngược dạ dày – thực quản ở phụ nữ mang thai, mục đích để làm giảm triệu chứng khó chịu đồng thời không gây ảnh hưởng đến sự an toàn của em bé.
Trong trường hợp thai phụ có triệu chứng trào ngược nặng, gây ảnh hưởng nhiều đến ăn uống và sinh hoạt, bác sĩ có thể chỉ định cho phép sử dụng các thuốc điều trị giảm triệu chứng trào ngược. Thuốc kháng acid có thể hữu ích trong việc làm giảm chứng ợ chua, ợ nóng.
Tuy nhiên phụ nữ mang thai cần lưu ý tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Không được tự ý sử dụng thuốc hoặc dùng thuốc theo mách bảo. Sử dụng thuốc trong giai đoạn mang thai cần hết sức thận trọng vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những cách giảm ợ nóng đơn giản tại nhà.