Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM luôn gắn liền với truyền thuyết vui rằng “học mãi không ra trường” bởi khối lượng kiến thức khổng lồ và yêu cầu đầu ra khá khắt khe. Ấy vậy mà, Thái Tài (sinh viên K2020 – khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính) lại là minh chứng ngược lại khi trở thành sinh viên duy nhất trong toàn khóa học vượt loại xuất sắc.
Sáng 26/4 vừa qua, trường Đại học Bách khoa tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho 14 nghiên cứu sinh, 196 học viên cao học và 1.053 sinh viên. Trong số sinh viên tốt nghiệp đợt này, Thái Tài là gương mặt gây ấn tượng nhất khi không chỉ hoàn thành sớm chương trình học trong vòng 3,5 năm (trước một học kỳ) mà còn đạt được thành tích GPA 9.38/10, xếp loại xuất sắc và đứng đầu danh sách tốt nghiệp.
Những tưởng hình ảnh về một “học bá” sẽ gắn liền với câu chuyện học không ngày nghỉ, nhưng với Thái Tài thì mỗi bước đi đều có sự tính toán đầy hợp lý. Từ IELTS 8.0 đến loạt học bổng khuyến khích mỗi kỳ, tốt nghiệp với điểm GPA 9.38 hay hoàn thành chương trình học trong 3 năm rưỡi… tất cả đều là một phần trong lộ trình “tôi luyện” của nam sinh này.
“Tinh hoa” Bách khoa không phải chuyện đùa!
Trở thành 1 trong số 16 thí sinh hiếm hoi “học vượt”, Thái Tài cho biết thời điểm đầu đây chưa phải mục tiêu của mình. Tuy nhiên, khi nhìn thấy các tiền bối thành công đi trước nên nam sinh nhanh chóng “phác họa” ra lộ trình cho bản thân vào năm 2. Mặc dù vậy, ở những “nét vẽ” đầu tiên, Tài cũng gặp phải không ít khó khăn.
Do mỗi học kỳ phải học thêm 1-2 môn so với chương trình đào tạo gốc nên quỹ thời gian của Thái Tài phải được sử dụng thật khoa học, hợp lý đến từng chi tiết. Thái Tài nhanh chóng lên danh sách hết tất cả những việc cần làm vào mỗi đầu tuần, sau đó chia đều cho các ngày và sẽ tổng kết lại vào mỗi cuối tuần.
Thời điểm hiện tại, Khoa học và Kỹ thuật Máy tính vốn thuộc nhóm ngành “top đầu” với tỷ lệ chọi cao tại Đại học Bách khoa. Việc sinh viên theo học tại đây cũng được nhiều người hài hước ví như “tinh hoa hội tụ” bởi chương trình học không hề “dễ thở” so với mặt bằng chung.
“Khi còn là một học sinh chuyên Toán, mình có niềm đam mê với Toán học. Khoa học Máy tính cũng là một ngành ứng dụng rất nhiều toán học. Vì vậy, mình muốn tiếp nối chặng hành trình của mình và đã không chần chừ đặt bút đăng ký nguyện vọng này tại Bách khoa”, Thái Tài kể về quyết định quá khứ của mình.
Skill “học vượt”: Áp dụng áp lực
Việc “chạy đua” trước chương trình học là việc đòi hỏi tính kỷ luật cao với thời gian của bản thân. Nhiều sinh viên dù đặt mục tiêu rõ ràng nhưng vì áp lực trong việc sắp xếp thời khóa biểu hay “đuối sức” cũng đã nhanh chóng từ bỏ. Với Thái Tài, mọi thứ đều đã được chuẩn bị từ khi còn học cấp 3.
“Mình nhận xét chương trình học ở Bách Khoa khá nặng với lịch học lý thuyết và thí nghiệm dày đặc. Mình may mắn khi đã được làm quen với guồng học này từ khi cấp 3. Ở Phổ Thông Năng Khiếu, mình được thầy cô rèn luyện cho những kỹ năng cần thiết để chịu được áp lực việc học tốt hơn. Chúng đã giúp mình khá nhiều trong việc học vượt và đạt loại xuất sắc”, Thái Tài tiết lộ.
Câu chuyện của Thái Tài còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người hơn khi nam sinh này cũng thành công chinh phục IELTS 8.0 song song với việc “nạp” lượng kiến thức “siêu lớn” ở Bách Khoa. Về phương pháp, Tài cho biết bản thân đã duy trì việc học từ vựng mới mỗi ngày và xem diễn thuyết của người nước ngoài trên mạng để cải thiện phát âm, ngữ điệu.
Ngoài ra, anh chàng cũng chủ động đăng ký theo học chương trình chất lượng cao (giảng dạy bằng tiếng Anh) tại trường nên cũng có cơ hội tiếp xúc với ngoại ngữ mỗi ngày. Vì vậy, Thái Tài có thể trau dồi vốn từ của bản thân ngay cả trong lúc đọc giáo trình chuyên ngành.
Không là thiên tài, chỉ có sự cố gắng
Mặc dù sở hữu những thành tích “không phải dạng vừa”, song Thái Tài vẫn khiêm tốn khẳng định bản thân cũng chỉ là người bình thường. Với nam sinh này, những kết quả tốt trên con đường theo đuổi tri thức đều là một hành trình dài cố gắng, hoàn toàn không phải dấu ấn nhất thời của một “thiên tài”.
Tuy nhiên, việc duy trì những “con số vô hình” đáng ngưỡng mộ trong học tập cũng khiến nam sinh trở nên áp lực. Trong những giai đoạn như vậy, Thái Tài thường lựa chọn đối mặt, sau đó dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao… hay đơn giản hơn là bên cạnh gia đình.
“Mỗi ngày trong tuần, mình dành khoảng 8 tiếng cho việc học. Vào cuối tuần, khi có nhiều thời gian rảnh, mình sẽ chơi cùng bạn bè và dành thời gian để trau dồi thêm kỹ năng. Để ‘chạy đua’ với các môn chuyên ngành hiệu quả, mình sẽ đọc qua nội dung của bài giảng trước khi lên lớp, đặt nhiều câu hỏi và cố gắng hiểu bài, ôn lại sau khi kết thúc lớp học. Vì vậy, ở giai đoạn thi cuối kì, mình chỉ cần ôn tập và hệ thống lại kiến thức”, nam sinh cho hay.
Sau khi tìm hiểu, Thái Tài đã lựa chọn Đức là nơi để tiếp tục theo đuổi con đường tri thức và tu nghiệp vì nhận thấy quốc gia này phù hợp định hướng và điều kiện gia đình. Với Thái Tài đây chắc chắn sẽ là một “trang mới” trong đoạn hành trình dài của bản thân sau “điểm tạm kết” tại Đại học Bách khoa.
Ảnh: NVCC