Vì sao trẻ nhỏ hay bị chấn thương răng sữa?
Trẻ nhỏ có thói quen thích chạy nhảy, nô đùa, nên rất hay bị ngã và va chạm trong quá trình trẻ tập bò, tập đi, tập chạy… đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra chấn thương răng sữa cho trẻ.
Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em dưới 3 tuổi, nhất là ở trẻ hơn 1 tuổi lúc bắt đầu tập đi nên dễ bị té ngã, va đập… dẫn đến chấn thương răng.
– Tình trạng chấn thương răng sữa cũng hay xảy ra ở nhà hoặc ở nhà trẻ, trường học, khi trẻ đi, chạy nhảy, nô đùa cùng các bạn… có thể xảy ra va đập hoặc ngã, sẽ làm răng bị chấn thương.
– Tình trạng chấn thương xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái, vì trẻ trai thường hay nghịch ngợm và hiếu động hơn.
– Răng sữa giữa hay bị chấn thương nhất và chấn thương hay gặp là ở xương hàm trên.
Theo nghiên cứu ở trẻ từ 0 đến 6 tuổi, tỷ lệ chấn thương vùng miệng chiếm 18%, đứng vị trí thứ 2 trong các chấn thương toàn cơ thể. Nghiên cứu phân tích tổng hợp gần đây cho thấy 22,7% răng sữa có trải qua chấn thương.
Tổn thương thường gặp khi chấn thương răng sữa ở trẻ
Ở trẻ nhỏ do xương ổ răng còn mềm, hệ thống dây chằng quanh răng lỏng lẻo hơn người lớn, do vậy khi chấn thương răng thì ít gãy hơn so với người lớn. Tuy nhiên, ở trẻ thì chấn thương răng thường gặp là răng dễ bị lung lay hoặc có thể xô lệch răng sang một bên.
Nếu trường hợp va đập mạnh hoặc ngã, có thể khiến răng lún vào bên trong xương ổ răng hoặc rời ra ngoài xương ổ răng.
Ở một số trường hợp ít hơn cũng có thể gặp khi trẻ bị chấn thương là gãy thân răng, gãy chân răng hoặc cả thân và chân răng.
Chấn thương răng sữa có thể dẫn đến sung huyết tủy răng hoặc chảy máu tủy răng, vôi hóa tủy.
Ngoài ra, chấn thương răng có thể khiến tủy răng bị hoại tử, tiêu chân răng, thậm chí các loại dị ứng trên mầm răng vĩnh viễn: Thân răng sẽ bị đổi màu vàng nâu, thiểu sản men răng, thân răng và chân răng bị tách đôi, thân răng bị gập, ngừng hình thành chân răng, rối loạn mọc răng…
Cần xử trí đúng khi trẻ chấn thương răng
Khi bị ngã, va đập hoặc vì một lý do nào đó khiến trẻ bị chấn thương răng, việc đầu tiên cha mẹ cần bình tĩnh để trấn an trẻ. Bởi các loại chấn thương răng đều ít hoặc nhiều gây chảy máu tại chỗ, do đó cần xử trí các bước như sau:
– Cần phải cầm máu cho trẻ bằng một miếng gạc sạch, ép sát vào vùng răng bị chấn thương hoặc cho trẻ tự cắn miếng gạc.
– Sau đó cần vệ sinh vùng xung quanh chấn thương bằng nước sạch.
– Chú ý xem trong miệng trẻ có các dị vật, mảnh răng gãy hay không, nếu có thì cần lấy ra khỏi miệng, tránh để dị vật rơi vào đường thở và đường tiêu hóa của trẻ. Trường hợp trẻ bị sưng đau thì có thể dùng ít nước mát hoặc chườm mát bằng cách bọc viên đá vào chiếc khăn vải, chườm vào chỗ sưng đau của trẻ, sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế nha khoa để được các bác sĩ kiểm tra xử trí tiếp.
– Nếu trường hợp răng sữa rơi ra khỏi ổ răng, cha mẹ không nên cắm lại, vì sẽ ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám (phụ huynh phải mang theo răng để chắc rằng chân răng không còn sót hay lún trong ổ răng).
– Trường hợp răng vĩnh viễn bị rơi ra khỏi xương ổ răng, cha mẹ cần rửa nhẹ nhàng với nước lạnh hoặc nước muối cho sạch các chất bẩn (không được chà rửa răng), cầm răng bằng gạc sạch tẩm nước muối sinh lý hoặc cho răng vào sữa tươi trong thời gian đến gặp bác sĩ để được cắm lại vào xương ổ răng. Lưu ý nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, để tủy và mạch máu được tái lập dễ dàng.
Chăm sóc trẻ tại nhà sau khi bị chấn thương răng
Sau khi được xử trí, cha mẹ cần chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách để giúp trẻ nhanh lành tổn thương.
Cha mẹ cho trẻ ăn hoặc hướng dẫn trẻ ăn, để không làm nặng thêm các tổn thương.
Thức ăn cần được chế biến mềm, lỏng, tốt nhất là không cần nhai. Trong trường hợp sau khi bị chấn thương răng cửa, thì không sử dụng răng cửa để cắn trực tiếp vào thức ăn.
Cần cho trẻ ăn đồ mềm, cắt nhỏ cho đến khi răng đã trở lại bình thường.
Việc vệ sinh răng miệng của trẻ cần phải được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Cha mẹ giúp trẻ vệ sinh răng miệng sau ăn sáng, ăn trưa và trước khi đi ngủ.
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như sưng, đau… cần cho trẻ đi khám ngay và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Tóm lại: Việc xử lý chấn thương răng sữa ở trẻ hoàn toàn khác so với chấn thương răng vĩnh viễn. Khi trẻ bị chấn thương răng sữa, việc hợp tác của trẻ đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến sự thuận lợi và kết quả của quá trình sơ cấp cứu. Do vậy, khi xảy ra chấn thương, cha mẹ cần bình tĩnh và phải ngay lập tức trấn an trẻ, sau đó mới thực hiện các bước trên, giúp trẻ không bị hoảng sợ.
Mời độc giả xem thêm video:
6 Loại Thực Phẩm Bạn Nên Ăn Để Có Hàm Răng Khỏe Mạnh