Một câu chuyện đăng trên Sohu cho biết, một người phụ nữ ở Trung Quốc có cậu con trai 14 tuổi, cao 1m76 nhưng vẫn muốn ngủ chung giường với mẹ, chồng cô phản đối kịch liệt nhưng cô lại không nỡ từ chối con, dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng và hôn nhân tan vỡ.
Thật ra vợ chồng người phụ nữ ban đầu cũng cố gắng dùng nhiều cách để thuyết phục con ngủ riêng. Thế nhưng, cậu con trai này thường không chịu ngủ một mình vào ban đêm. Cậu bé nói rằng ngủ một mình trong phòng rất buồn, lại rất sợ hãi nên muốn được ngủ chung với mẹ. Mỗi lần như vậy, người mẹ lại mềm lòng.
Chồng không đồng ý nên đã to tiếng nhiều lần vì chuyện này. Người vợ đưa ra quan điểm: “Dù con trai bao nhiêu tuổi, trong mắt tôi nó vẫn chỉ là một đứa trẻ. Tôi sinh ra nó, có gì mà tôi phải kiêng kỵ!”. Cô cho rằng chồng đang lo lắng thái quá.
Sau đó, người chồng không chịu đựng được nữa nên đã dọn ra ngoài ở riêng. Người vợ đến nơi chồng ở riêng cãi vã, người chồng nói: “Nhìn thấy con trai lớn như vậy vẫn đòi ngủ chung với bố mẹ, tôi không chịu đựng được nữa”.
Cuối cùng, mối quan hệ giữa cô và chồng ngày càng xấu đi, họ ly hôn. Còn cậu con trai 14 tuổi vì quá ỷ lại nên vẫn vậy. Bản thân người phụ nữ kiệt quệ và bị trầm cảm.
Tại sao con trai đang lớn cần phải giữ khoảng cách với mẹ?
Có thể thấy, người mẹ trong câu chuyện đã vô tình làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình. Ở mỗi giai đoạn, trẻ cần được nuôi dạy theo phương pháp phù hợp.
1. Con lớn lên sẽ độc lập hơn
Con lớn mà vẫn đòi ngủ chung với mẹ, bản thân điều này đã là một hành vi ỷ lại. Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên dễ tự ti, không độc lập, thiếu cảm giác an toàn, thậm chí có thể trở thành “con trai cưng của mẹ”.
Ngược lại, nếu người mẹ giúp con học được cách ngủ một mình thì tính cách của con cái cũng dễ trở nên độc lập, hoàn thiện hơn.
2. Con phát triển tâm sinh lý tự nhiên
Con trai và mẹ tuy có tình thân máu mủ nhưng dù sao nam nữ cũng khác biệt. Lấy ví dụ như cậu bé kia, con trai đã 14 tuổi, cao lớn lực lưỡng, “đặc điểm sinh lý tuổi dậy thì đều đã có”, người mẹ nên tránh.
Một nghiên cứu từ Đại học Liên bang Pelotas cho thấy, những đứa trẻ từ khi sinh ra đã ngủ chung với bố mẹ có khả năng mắc chứng rối loạn tâm thần cao hơn và nội tâm hóa các vấn đề của chúng nhiều hơn những trẻ khác.
3. Con ngủ đúng giấc
Khi ngủ với bố mẹ, giờ giấc ngủ của con sẽ phải điều chỉnh theo thời gian của bố mẹ. Có nhiều khi con chưa buồn ngủ nhưng bố mẹ chỉ muốn tắt đèn nghỉ ngơi. Khi thấy trẻ vẫn ngồi chơi không chịu đi ngủ, cha mẹ dễ nổi giận la mắng con, ép con phải ngủ. Khi mang tâm trạng không tốt đi ngủ, trẻ dễ gặp ác mộng, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.
Mặt khác, có thể trẻ sẽ phải thức để chờ bố mẹ ngủ cùng mình. Song người lớn còn bận việc, hoặc ngủ muộn… Thành ra trẻ đi ngủ khuya, ngủ không đủ giấc. Chiều cao và trí thông minh của con sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Vì vậy, việc tách giường sẽ giúp con đi ngủ đúng giấc hơn.
Độ tuổi nào nên cho con trai ngủ riêng?
Sự khác biệt giới tính, vai trò giới tính của con sẽ phát triển và thay đổi một cách vô hình. Ở độ tuổi thích hợp, việc “tránh mẹ” một cách thích hợp về mặt hành vi cũng là một cách bảo vệ con trai.
Tâm sinh lý của trẻ sẽ biến động theo độ tuổi. Vì vậy, lời khuyên dành cho các bà mẹ là: Cho con trai ngủ riêng giường khi 3 tuổi, ngủ riêng phòng khi 5 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi không cố định, cha mẹ có thể điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện gia đình.
Nhìn chung, khi con còn nhỏ, hãy rèn luyện tính tự lập cho con, nuôi dưỡng lòng dũng cảm, khả năng chống chịu áp lực cho con. Tất nhiên, trong quá trình này, người mẹ cũng phải cho con đủ sự quan tâm, để con cảm nhận được sự an toàn, tránh việc trẻ trở nên lo lắng.
Nếu lúc đầu trẻ không chấp nhận, các bà mẹ có thể cho trẻ ngủ riêng vài ngày sau đó lại ngủ chung, thời gian cách thưa dần, kiên nhẫn một chút, trẻ sẽ sớm có thể ngủ một mình.
Theo Sohu