Viêm não do virus ở trẻ có phát hiện được không?

7 mins read
Viêm não do virus ở trẻ có phát hiện được không?

Bệnh viêm não thường khởi phát cấp tính, diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Vì vậy, phụ huynh cần phải có một số kiến thức để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở trẻ, từ đó giúp nhân viên y tế chẩn đoán và điều trị sớm, điều này có thể sẽ giúp cải thiện được tiên lượng bệnh cho trẻ.

Nguyên nhân trẻ bị viêm não

Viêm não cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở mô não – có thể lan tỏa hay khu trú do nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng phần lớn là do một số loại virus. Tình trạng viêm khiến các mô não sưng phù nề lên. Điều này dẫn đến những thay đổi trong hệ thống thần kinh của trẻ, đó là lý do tại sao trẻ có thể bị co giật, rối loạn tâm thần hoặc thay đổi hành vi.

Bệnh viêm não cấp do virus có thể lây truyền qua muỗi đốt (như viêm não Nhật Bản); qua đường hô hấp (như virus Herpes Simplex) hoặc qua đường tiêu hóa (như các loại virus đường ruột). Bệnh thường khởi phát cấp tính, diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong và di chứng khá cao.

Bệnh viêm não cấp gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc bệnh có xu hướng tăng vào mùa nóng (từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm).

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh lý viêm não, bao gồm:

Viêm não Nhật Bản: Thường gây dịch vào các tháng 5,6,7, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2 đến 8 tuổi.

– Viêm não cấp do các virus đường ruột: Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng nhiều hơn ở các tháng từ 3 đến 6, thường gặp ở trẻ nhỏ.

– Viêm não cấp do virus Herpes Simplex: Bệnh xảy ra quanh năm, thường gặp ở trẻ trên 2 tuổi. Các loại virus khác ít gặp hơn có thể xảy ra rải rác quanh năm với các bệnh cảnh riêng: Các virus cúm, sởi, quai bị, Rubella, Adenovirus, Epstein-Barr, HIV, Cytomegalovirus…

Viêm não do virus ở trẻ có phát hiện được không?- Ảnh 2.

Viêm não là một tình trạng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng cần được khám và điều trị ngay lập tức.

Biểu hiện khi nghi ngờ trẻ bị viêm não

Viêm não có thể bắt đầu với những triệu chứng tương tự bệnh cúm, bao gồm sốt và đau đầu. Các triệu chứng tiến triển nặng hơn trong vài giờ, có thể vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.

Các triệu chứng thường gặp trong bệnh lý viêm não bao gồm:

  • Lú lẫn hoặc mất phương hướng;
  • Co giật;
  • Thay đổi tính tình hoặc hành vi;
  • Khó nói;
  • Yếu hoặc liệt một phần cơ thể;
  • Mất khả năng nhận thức.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy biểu hiện lâm sàng của viêm não virus rất đa dạng, triệu chứng ban đầu đôi khi không đặc hiệu dẫn đến sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng thần kinh. Người bệnh có thể biểu hiện toàn thân như sốt cao, sốt nóng, mệt mỏi nhiều, kèm theo triệu chứng của hội chứng màng não như đau đầu lan tỏa hoặc khu trú, nôn nhiều, táo bón ở người lớn hoặc tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

Viêm não là một bệnh lý nặng có nguy cơ tử vong hoặc để lại nhiều di chứng. Sự phục hồi ở bệnh nhân viêm não là một quá trình kéo dài, tiến triển chậm và có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó cũng có nhiều bệnh nhân không thể phục hồi hoàn toàn.

Khi có bất cứ triệu chứng nghi ngờ nào thì cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm nhằm sớm chẩn đoán bệnh, tiếp nhận điều trị kịp thời không chỉ tăng cơ hội chữa khỏi bệnh mà còn làm giảm các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Các loại xét nghiệm có thể thực hiện để chẩn đoán viêm não virus bao gồm:

  • Chọc dịch não tủy: Lấy dịch não tủy để xét nghiệm tế bào – vi trùng, hóa sinh hay virus học.
  • Chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp điện toán (CT scan) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện tình trạng phù nề, xuất huyết hay các bất thường khác của não.
  • Điện não đồ (EEG): Khảo sát hoạt động điện của não nhằm phát hiện các sóng bất thường.
  • Xét nghiệm máu: Như công thức máu, xét nghiệm hóa sinh, xét nghiệm huyết thanh học nhằm phát hiện các kháng thể đặc hiệu chống lại bệnh hay phân lập virus.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Viêm não là một tình trạng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng cần được khám và điều trị ngay lập tức. Nếu trẻ có các triệu chứng bất thường sau thì hãy đưa trẻ đi khám ngay:

  • Đau đầu dữ dội, nôn mửa;
  • Trẻ quấy khóc không ngừng;
  • Co giật;
  • Cổ cứng, thóp phồng;
  • Nhìn mờ;
  • Vận động, di chuyển khó khăn;
  • Mất cảm giác;
  • Thay đổi tính cách đột ngột;
  • Thờ ơ, li bì, lơ mơ, mất ý thức (bất tỉnh)…

Phòng bệnh viêm não thế nào?

Hiện tại không có phương pháp ngăn chặn hoàn toàn bệnh viêm não, tuy nhiên chúng ta có thể hạn chế một số tác nhân thông qua vaccine, bao gồm: Vaccine Sởi – quai bị – rubella (MMR); Vaccine viêm não Nhật Bản.

Bệnh cạnh đó, cũng có những phương pháp giúp hạn chế sự lây nhiễm các tác nhân gây bệnh như:

– Cần rửa tay hàng ngày, tập cho trẻ rửa tay hàng ngày (đặc biệt là với xà phòng) trước và sau khi đi vệ sinh, cũng như trước và sau bữa ăn.

– Hạn chế sử dụng chung đồ dùng cá nhân (các dụng cụ ăn uống hàng ngày như bát, đũa, cốc…).

– Hạn chế sự phơi nhiễm với trung gian truyền bệnh (muỗi và bọ).

BS. Nguyễn Văn Dũng

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog