Vụ việc bảo mẫu làm việc tại mái ấm Hoa Hồng có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với nhóm trẻ em đang được nuôi dưỡng tại đây đã khiến dư luận phẫn nộ. Ngay sau đó, không ít người dân, nhà hảo tâm đã tìm đến tận cơ sở này để xác nhận vụ việc và tìm hiểu tình hình của các bé thời điểm hiện tại.
Trong đó có một bảo mẫu từng làm việc tại đây, bức xúc trước cách đối xử tệ bạc với trẻ em, chị đã tiết lộ sự thật về cơ sở này. Chia sẻ trên báo Công an nhân dân, chị P.H.Y. buồn rầu cho biết, có rất nhiều người đã góp ý trực tiếp và gián tiếp tại cơ sở này về những vấn đề liên quan đến nuôi trẻ nhưng đều bị bác bỏ. Khi làm việc ở mái ấm này, chị Y. cảm nhận nơi đây thật sự không đáng danh mái ấm.
“Là nhân viên, bảo mẫu, mình rất thương trẻ con. Thấy bé bệnh, mình rất lo, sợ bé sẽ rơi vào tình trạng xấu. Thấy trẻ bệnh nặng quá, có nhiều lần mình trực tiếp nói với cô Hương (bà Giáp Thị Sông Hương – chủ cơ sở) hãy chở trẻ bị bệnh đi viện, nhưng rồi toàn ở nhà uống thuốc tự phát. Chính như vậy, trong tâm mình áy náy, nhiều lần mình suy nghĩ, tiền họ cho nhiều vậy để làm gì? Tiền viện có là bao nhiêu so với suốt bao năm họ kinh doanh. Tã, sữa người ta đều cho rất nhiều, có cần phải lo nữa đâu, vậy sao không dùng tiền đó chạy chữa cho trẻ?” , chị Y. chia sẻ.
Khi làm việc ở đây, chị Y. cho biết cũng chỉ nhắm mắt thở dài, vì không biết làm gì, do bản thân lúc đó chỉ là nhân viên, không dám nói nhiều. Tã, sữa đầy ắp cả mấy căn nhà. Tã xịn, sữa xịn, thực phẩm chức năng, nhiều người cho không thiếu một thứ gì, nhưng chủ cơ sở này vẫn thường xuyên lên mạng than thở thiếu đủ thứ rồi đem bán.
“Mình nhớ rất rõ hôm đó tới ca mình làm nhưng đã hết tã trên phòng, mình qua kho lấy. Khi lấy vài bịch tã dán hiệu Huggies, thì bác Tập (anh trai cô Hương) không cho và nói với mình rằng: “Lấy ba cái tã cũ xài đi”. Mình phải lấy tã không có nhãn hiệu, nó nằm trong bọc trắng, mình rất ngạc nhiên. Họ nói tã khu vực này đem bán, tã bên kệ kia để xài. Nói chung, loại nào trên thị trường họ dùng nhiều mà tốt là đem bán, còn tã dỏm đem xài, có hôm còn xài trúng tã hết hạn, nó nổi mốc trong tã luôn ấy. Nếu lấy tã xịn cho trẻ dùng sẽ bị la” , chị Y. chia sẻ.
Những thứ nhà hảo tâm cho rất tốt nhưng đem bán, không thì chất cả đống ở kho. Có đồ thì không biết sử dụng, chẳng hạn như thuốc và thực phẩm chức năng rất nhiều nhưng do không am hiểu công dụng nên có khi gần hết hạn sử dụng hoặc hết hạn mới đem ra dùng.
Chị Y. cũng tiết lộ, trong thời gian làm việc ở đây chị thấy các nhà hảo tâm cho rất nhiều tiền. Một ngày có thể có cả trăm triệu, một năm cả mấy tỷ, nhưng bột ăn, hay mọi thứ kể cả dầu gió, máy giặt, mì tôm, đường cát,… chủ cơ sở đều lên mạng xin. Có người gọi điện hỏi cần gì họ cho, chủ cơ sở này luôn miệng nói cần tiền thôi, cần tiền để mua đồ, nhưng không mua mà cứ lên mạng than thở để xin.
Được biết, nơi cô Hương bán tã, sữa, bình sữa… ra thị trường là một cửa hàng tạp hoá có tên T.L. ở gần Mái ấm Hoa Hồng.
Liên quan đến việc trục lợi từ việc quyên góp từ thiện cho các bé ở mái ấm Hoa Hồng, PV báo Thanh niên cũng đã vạch trần người của Mái ấm Hoa Hồng mang hàng hóa được ủng hộ đi bán, trục lợi tinh vi.
Theo đó, dù mỗi ngày có nhiều nhà hảo tâm đến tặng, quyên góp sữa, tả, đồ ăn, thức uống… nhưng trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng phải ăn uống trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. PV báo Thanh niên ghi nhận, mỗi đêm một người đàn ông tên Hùng vừa làm bảo vệ ca ngày và phụ đổ rác tại mái ấm lại chạy xe máy chờ hàng chục thùng sữa đến cửa hàng tên H.K-i (trên đường Thái Thị Giữ, H.Hóc Môn) chuyên bán sữa, tã, bánh dành cho trẻ em hay tiêu thụ tại siêu thị sữa tên B.H.Q (tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi). Hành động này được lặp đi lặp lại vào mỗi buổi tối khuya âm thầm rời khỏi mái ấm để nhà hảo tâm và người dân khu vực không phát giác.
Đáng nói, theo tìm hiểu, siêu thị sữa B.H.Q nói trên chính là của người đàn ông tên Hùng. Trên Zalo cá nhân của Hùng cũng thường xuyên đăng bài cung cấp sỉ sữa, tã số lượng lớn và giá rẻ cho các cửa hàng. Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên lâu năm tại mái ấm cho biết Hùng mua lại sữa, tã từ bà Hương rồi bán lại cho các cửa hàng.
Được biết, không chỉ bán lại sữa cho Hùng mà bà Hương còn giới thiệu các nhà hảo tâm đến siêu thị này để mua sữa cho các cháu bé ở mái ấm. Theo điều tra của báo Thanh niên, bà Hương còn có một cửa hàng tạp hóa tên T.L (nằm cách Mái ấm Hoa Hồng khoảng 50m), chuyên bán sữa, tả, bánh kẹo trẻ em – đúng như lời của người từng làm bảo mẫu tại sơ sở này kể lại. Tuy nhiên, tiệm tạp hóa này đã đóng cửa hơn 1 tháng nay do thiếu nhân viên.
Liên quan đến vụ việc tại mái ấm Hoa Hồng, sáng 5/9, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 phối hợp cùng Công an TPHCM đã tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (50 tuổi, quê Bắc Giang, ngụ quận Gò Vấp), là đại diện pháp luật của mái ấm Hoa Hồng ở đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây.
Ngoài ra, công an cũng tạm giữ một số bảo mẫu của mái ấm Hoa Hồng, trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (46 tuổi) để điều tra về hành vi bạo hành trẻ em mà báo chí phản ánh trong thời gian gần đây.
Công an đang truy xét bảo mẫu tên Tuyền vì có vai trò liên quan.
Bên cạnh đó, công an thu thập chứng cứ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng vì nghi vấn có hoạt động lừa đảo, trục lợi từ thiện.