Đã sơ tán 37.188 người
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 18 giờ ngày 6-9, các tỉnh đã sơ tán 37.188 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn tránh bão số 3.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh: 3.000 người; Hải Phòng: 9.259 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 734 người; Ninh Bình: 2.685 người.
Nửa đêm nay, siêu bão Yagi sẽ vào Vịnh Bắc Bộ
Theo nhận định của ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nửa đêm nay, bão số 3 (siêu bão Yagi) sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và gây ra gió mạnh tại các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ. Rạng sáng mai (7/9), các tỉnh ven biển, đặc biệt là khu vực Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) sẽ cảm nhận rõ rệt tác động của cơn bão mạnh này.
Bão Yagi giảm 1 cấp, cách Quảng Ninh 340km
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thông tin, lúc 20h ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 (tên quốc tế Yagi) ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật cấp 17.
Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Như vậy sau hơn 1 ngày duy trì cường độ siêu bão (cấp 16), bão Yagi đã giảm 1 cấp và đang hướng về vịnh Bắc Bộ, dự báo đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Ninh – Thái Bình.
Nhiều chuyến bay delay vì thời tiết xấu
Tại sân bay Nội Bài tối ngày 6/9, do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều chuyến bay bị delay. Một hành khách cho biết, dù đặt chuyến bay vào lúc 18h20, nhưng đã bị hoãn đến 20h50 mới có thể cất cánh.
Bệnh viện Bạch Mai dừng khám bệnh theo yêu cầu trong 2 ngày 7-8/9
Theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai để đảm bảo an toàn và chủ động ứng phó với siêu bão Yagi, Bệnh viện Bạch Mai tạm dừng công tác khám bệnh tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu trong hai ngày 7 – 8.9, tập trung phòng chống bão, cấp cứu và điều trị người bệnh.
Với các hoạt động chuyên môn khác, trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật (7 – 8.9), bệnh viện vẫn tiếp nhận các trường hợp người bệnh đến cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9, Trung tâm Đột quỵ, Đơn vị Cấp cứu tim mạch…
Theo nhận định của Bộ Y tế, siêu bão Yagi có khả năng gây ra thương vong hàng loạt do sập đổ, vùi lấp, đang được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực miền Bắc, với diện ảnh hưởng trên 28 tỉnh/thành phố khu vực miền Bắc và miền Trung.
Sân bay Nội Bài đóng cửa 11 giờ liên tiếp ngày 7/9
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc tiếp tục phòng, chống ứng phó bão số 3 (bão Yagi).
Các Cảng Hàng không dự kiến trong khu vực ảnh hưởng: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân. Khuyến cáo mưa, giông đối với các sân bay Vinh, Điện Biên, Đồng Hới và sẵn sàng ứng phó khi bão có diễn biến bất thường.
Qua thông tin dự báo, bão Yagi khi di chuyển qua khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã gây ra thiệt hại, có sức tàn phá lớn. Bão Yagi tiếp tục diễn biến với cường độ siêu bão, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ chậm, có khả năng sức tàn phá lớn.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi diễn biến của bão Yagi với tinh thần phòng, chống thiên tai cao nhất.
Ngoài ra, trên cơ sở tình hình diễn biến của cơn bão Yagi, Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại sân bay Nội Bài từ 10h đến 21h ngày 7/9, thêm 2 giờ so với phương án trước đó.
Dự báo sau bão, tại sân bay Nội Bài sẽ có mưa lớn, mật độ khai thác tàu bay sẽ đông, Cục yêu cầu các hãng hàng không chỉ đạo các tổ bay bổ sung thêm dầu dự trữ (đối với các chuyến bay trong khung giờ từ 21h ngày 7/9 đến 2h ngày 8/9 để phòng trường hợp phải bay chờ, chuyển hướng đến sân bay dự bị.
Cục giao cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tiếp tục thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin khí tượng, dự báo thời gian các cảng hàng không có thể khai thác trở lại.
Công an Hà Nội khuyến cáo người dân đi lại ra sao khi bão Yagi đổ bộ?
Chiều 6/9, thông tin từ Công an Hà Nội, cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) sẽ đổ bộ vào miền Bắc trong ngày 7/9. Do ảnh hưởng của bão, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ xảy ra mưa to và gió giật mạnh, đi kèm với hiện tượng sét đánh.
Để đảm bảo an toàn, Công an Hà Nội phát đi khuyến cáo trong quá trình tham gia giao thông, người dân cần chú ý quan sát các biển báo, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý các sự cố, tránh gây tai nạn.
Đồng thời, tài xế cần chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý bởi khi gió lớn, nhiều biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường, quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.
Người dân hạn chế di chuyển trên cầu cao vào những ngày có gió giật mạnh. Nguyên nhân là càng trên cao sức gió càng mạnh, không thể làm chủ được tay lái.
Nếu bắt buộc phải đi trên cầu, tài xế cần di chuyển với tốc độ chậm và cố gắng ghì người xuống xe, hạ thấp đầu để tránh bị “gió tạt bay”.
Đồng thời, người dân cần tránh băng qua cầu nếu nước đang dâng cao và chảy xiết, tránh băng qua cống nước bởi có nhiều trường hợp sụt chân xuống cống và bị nước cuốn trôi.
Người tham gia giao thông nên mặc áo mưa sáng màu, gọn gàng, không sử dụng ô. Khi đi đường trong những ngày mưa bão, gió giật mạnh, nên mặc quần và áo mưa tách rời. Áo mưa bộ giúp tiết diện cản gió thấp nhất, không lo bị tạt vạt áo mưa trong trường hợp gió to gây trở ngại trong việc điều chỉnh phương tiện giao thông.
Luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định. Trong thời tiết mưa bão, tầm nhìn thường bị hạn chế rất nhiều và khó điều chỉnh được xe theo ý muốn một cách linh hoạt.
Do đó tài xế nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện. Đồng thời nếu đi với tốc độ cao sẽ khiến sức gió thổi lớn hơn và khiến tài xế không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp.
Những khu vực cần tránh là: Khu vực lũ; sát lề đường (đây là khu vực trũng nên khi có mưa thì nước ngập sâu hơn, thậm chí còn gồ ghề và có nhiều nắp cống nên bạn rất dễ bị nước cuốn làm ngã xe); vị trí nằm giữa các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là đoạn ngã tư (đây là nơi hút gió); dưới gốc cây to; khu vực có công trường thi công có nhiều tấm tôn, sắt lớn; khu vực gần các loại xe cỡ lớn (dễ gây bắn nước)…
Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, Công an Hà Nội khuyến cáo người dân gọi ngay cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số điện thoại 114 hoặc sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114”.
Quảng Ninh: Huyện Cô Tô giới nghiêm từ 20h tối nay để tránh bão
Chiều 6/9, thông tin từ UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh), bão số 3 có thể đạt đến cấp siêu bão khi đổ bộ vào Cô Tô và có khả năng gây ra thiệt hại, hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện Cô Tô sẽ ban hành Lệnh giới nghiêm tại các địa phương cấp xã trên địa bàn huyện, thời gian giới nghiêm từ 20h ngày 6/9 cho đến khi bão tan.
“Tuyệt đối không để người dân ra ngoài từ 20h ngày 6/9; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước 16h ngày 6/9”, Công văn của UBND huyện Cô Tô nêu rõ.
Bão YAGI đang diễn biến theo kịch bản rất xấu
Vào 16 giờ chiều nay (6/9), tâm bão YAGI trên đất liền phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 420km về phía đông đông nam. Dù đổ bộ lên đảo, bão vẫn đang duy trì sức mạnh cấp 16 (sức mạnh của siêu bão) giật cấp 18, trở thành cơn bão hiếm hoi có thể duy trì cường độ cấp 16 trong thời gian khá dài (từ sáng 5/9).
Theo nhận định của các chuyên gia, siêu bão Yagi đang diễn ra theo kịch bản rất xấu. Trong chiều nay, tâm bão đi qua phía bắc đảo Hải Nam của Trung Quốc, nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, ít vật cản. Vì vậy cường độ của bão suy giảm không đáng kể. Thêm vào đó, điều kiện mặt biển vịnh Bắc Bộ đang rất ấm, khiến bão có thể duy trì cường độ rất mạnh trong thời gian dài hơn.
Dự báo, đến 4 giờ sáng mai (7/9), tâm bão trên vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 200km về phía đông đông nam. Thời điểm này, bão vẫn mạnh cấp 14, giật cấp 17. Đến 16 giờ chiều mai, khi trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình, bão có cường độ cấp 10-11, giật cấp 13.
Hà Nội mưa trắng trời, cây xanh gãy đổ, đè người đi đường tử vong
vào khoảng 15h40 phút cùng ngày, hai người đi xe máy trên đường Nguyễn Hữu Thọ, hướng ra đường Giải Phóng, khi gần đến đường tàu, thì bất ngờ một cây xanh đổ trúng. Hậu quả cả 2 người cùng xe máy ngã xuống đường.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, người dân đã thông báo đến cơ quan chức năng. Sau ít phút, cảnh sát đến hiện trường tìm hiểu và hỗ trợ người dân.
Cây xanh đè trúng hai người, hậu quả nữ nạn nhân tử vong tại chỗ, người đàn ông bị thương nặng, đã được đưa đi cấp cứu.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận vụ việc xảy ra trên địa bàn. Vào thời điểm trên, hai người đi xe máy gồm một nam và một nữ.
Hà Nội: Trong cơn giông lốc, một bức tường ngôi nhà cổ sập, hai người bị thương
Tại khu vực nút giao phố Hàng Cá- Chả Cá (quận Hoàn Kiếm), một cây xanh bị đổ đè trúng xe điện khiến 2 người bị thương. Hiện lực lượng chức năng đang khắc phục hậu quả.
Hải Phòng đình chỉ du lịch, cấm chở khách ra đảo Cát Bà
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Hải Phòng vừa có thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, cáp treo, khu vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông thuộc địa phận thành phố để phòng chống bão số 3 .
Cơ quan này đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long; hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển đảo từ 11h ngày 6/9; khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thủy sản, phương tiện thủy nội địa đã vào nơi tránh trú hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng cho biết, sau khi nhận được thông báo của chính quyền các cấp, đơn vị đã dừng hoạt động tất cả các tuyến phà ra đảo Cát Bà, đồng thời neo đậu phà về nơi an toàn cho đến khi bão số 3 tan.
Hà Nội tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 06/9/2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.
Công điện nêu rõ: Thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024; Điện chỉ đạo ngày 05/9/2024 của Thường trực Thành ủy về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:
1. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố căn cứ lĩnh vực công tác, nội dung công việc, đơn vị và địa bàn phụ trách, chủ động xuống các đơn vị, địa bàn trọng điểm, các khu vực xung yếu để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai.
2. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công, phụ trách tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để kịp thời tham mưu, chỉ đạo điều hành và thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao phụ trách, chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai trong đó tập trung:
Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ…; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn; đặc biệt lưu tâm đến các trường hợp, khu vực đã xảy sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người trước đây liên quan đến tai nạn khi đi qua khu vực bị ngập, đánh bắt cá, vớt củi…; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt lư u ý đối với các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…
Đối với các công trường xây dựng: Tiến hành kiểm tra, rà soát các công trường xây dựng trên địa bàn, đặc biệt lưu ý đến các công trình có thiết bị, vật tư dễ bị ảnh hưởng bởi gió bão như cần cẩu tháp, giàn giáo, và các thiết bị xây dựng có độ cao. Yêu cầu các công trường phải có phương án (biện pháp) đảm bảo an toàn phòng, chống bão, người lao động phải được trang bị đầy đủ kiến thức và thiết bị bảo hộ. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công bố trí lực lượng ứng trực tại công trường, đảm bảo có người giám sát, theo dõi diễn biến thời tiết và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Các cần cẩu tháp phải được hạ thấp, gia cố, bảo đảm an toàn, không để xảy ra tình trạng đổ sập gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh.
Đối với biển quảng cáo: Tiến hành rà soát, kiểm tra, yêu cầu các tổ chức, cá nhân quản lý biển quảng cáo, đặc biệt là biển quảng cáo tấm lớn, phải đảm bảo an toàn, được gia cố chắc chắn, có biện pháp phòng chống gió mạnh, bão không bị đổ sập, gây nguy hiểm cho người dân. Tăng cường kiểm tra, đôn đôc đốc, yêu cầu các chủ sở hữu biển quảng cáo thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi, kiên quyết hạ gỡ hoặc buộc chặt các biển quảng cáo có nguy cơ mất an toàn.
Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản….
Nhóm PV