1
Những ai từng đến các vùng núi phía Bắc hẳn sẽ nhớ những cung đường sát những vách núi bị xé toạch một đường dọc như vết sẹo, để trơ ra một mảng bùn đất khổng lồ màu cam nham nhở. Đó là những dải núi bị sạt lở, nằm vô số trên khắp các con đường, sát những làng bản,… ở những huyện trung du và miền núi phía Bắc.
Đi qua những dải núi ấy không chỉ thấy chúng rất xấu xí, mà còn hiển hiện một cảm giác ám ảnh về sự nhỏ bé đến tuyệt vọng của con người trước thiên nhiên. Giữa một bên là vực và một bên là vách núi với những vết sạt lở chạy dài – những chiếc xe ô tô hay những mái nhà sàn bỗng trở thành những mô hình tí hon, ai cũng phải rùng mình khi nghĩ đến cảnh từng khối đất đá ầm ào xô đẩy nhau giáng xuống bất cứ mặt phẳng nào phía dưới.
Hình ảnh về những sườn núi bị sạt lở đó quay lại trong tôi một cách rõ nét, khi xem một đoạn video sạt đồi ở Yên Bái ngày hôm qua. Trong khung cảnh lặng yên với căn nhà nhỏ nằm nép sườn đồi, một làn bụi mờ mịt dần xuất hiện phía trên cao. Chốc lát, làn bụi trắng trở thành một cơn sóng dữ với đất, đá, bùn, cây rừng… cuốn theo mọi thứ trên đường đi và đè bẹp căn nhỏ bé nhỏ mới phút trước vẫn đang kiên cường đứng đó. Mà đó mới chỉ là một mảng đồi. Hãy nghĩ đến những vách núi cao dựng đứng sát ven đường.
Hãy nghĩ đến những căn nhà sàn cheo leo nằm sâu trong những bản xa. Ngày hôm nay, tôi đã đọc được tin về chiếc xe khách bị vùi lấp trong một trận sạt lở ở Cao Bằng. Trên chiếc xe đó, có 20 người. Một chiếc xe khác cũng bị ảnh hưởng bởi trận sạt lở đã bị rơi xuống suối. 4 người đã thiệt mạng và 16 người mất tích.
Lũ quét. Sạt lở. Nỗi ám ảnh của bất cứ người dân nào khi vào mùa bão. Bão đến và đi chỉ trong 2 ngày. Nhưng những gì nó để lại khiến con người phải chống chọi sẽ kéo dài 2 tuần, 2 tháng, thậm chí 2 năm.
Bắt đầu từ trưa thứ 2, khắp Facebook của tôi ngập tràn những tiếng kêu cứu từ Thái Nguyên. Thành phố ngập sâu do ảnh hưởng của bão Yagi, nước sông Cầu dâng cao, tràn lên khắp các trục đường và con phố. Tất cả chìm trong biển nước. 10h đêm, đến lượt Yên Bái, Lào Cai kêu cứu. Mức lũ ở sông Thao lên trên cả mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008. Nhưng những con số không nói lên được sự khốn cùng trong tình cảnh này.
Hãy lên Facebook và vào bất cứ group hoặc page cộng đồng nào đó, bạn sẽ đọc được những lời kêu cứu tuyệt vọng của người dân đang mắc kẹt trong vùng lũ. Một gia đình với mẹ già và hai cháu nhỏ không thể thoát ra ngoài trong khi nước đã ngập đên tầng 2. Một căn nhà nước ngập đến ⅔, mực nước chỉ cách quạt trần vài centimet, 2 người già và trẻ nhỏ đang mắc kẹt ở trong. Một cô gái thống thiết xin đi nhờ bất cứ chuyến xe nào từ Hà Nội về Yên Bái vì không thể liên lạc với gia đình từ chiều.
Nếu những dòng tin nhắn cầu xin cứu trợ từ các group trên Facebook có thể phát ra tiếng, rất có lẽ, sẽ chẳng ai ngủ được vì sự ám ảnh của những tiếng kêu than.
2
Mà không, cuối cùng cũng chẳng có ai ngủ được. Tôi bật dậy lúc 5h sáng và nhận ra trên Facebook vẫn còn những người đang miệt mài share từng đường link kêu gọi cứu trợ. Sáng sớm nay, có những người đã chất hàng hóa lên xe và hướng về Yên Bái, Thái Nguyên. 2h sáng, có những bạn từ miền Trung, miền Nam đã sốt sắng tìm cách ra Bắc để tham gia đoàn cứu trợ. Miền Bắc oằn mình vì trận bão lũ lịch sử, không ai bảo ai, tất cả xoay sở tìm cách của mình để góp một bàn tay, giúp đỡ đồng bào vùng lũ.
Ngày thường hay chê cái nết bao đồng của người Việt mình phiền toái, nhưng cho đến lúc gặp cảnh ngặt nghèo mới thấy cái nết bao đồng kỳ quặc đấy trở thành một phẩm chất rất Việt Nam.
Chẳng ở đâu mà người ta lo đến mất ngủ cho những người xa lạ sống cách xa mình cả nghìn km. Chẳng ở đâu người ta từ bỏ chăn ấm nệm êm để lao vào cái nơi lành ít dữ nhiều. Chẳng ở đâu người ta nhắc nhau chọn từng thứ nhu yếu phẩm, đồ cứu trợ cho đúng với nhu cầu của vùng lũ. “Ông gửi mì người ta có ăn được đâu. Đang thiếu phao và xuồng kia kìa!”.
Trong chốc lát, người Việt Nam rủ nhau mua phao và xuồng để mang đến vùng rốn lũ. Bà con chùa Hương huy động ngay trong đêm tất cả các thuyền đò sẵn có để ship thẳng đến Thái Nguyên và Yên Bái. Ở Đà Nẵng, người ta đóng thuyền lên từng chiếc xe con để di chuyển ngược lại ra miền Bắc ứng cứu đồng bào. 3h sáng, các fanpage cộng đồng của chính phủ update thông tin liên tục cho người dân yên tâm: Hàng tấn hàng hóa cứu trợ đã được tập kết ở Công an các tỉnh và sẽ được phân loại sớm để đến tay người dân các vùng ngập lụt.
Tự dưng lúc này mới thấm thía ý nghĩa của ba từ “nghĩa đồng bào”.
Ngày bão ập đến, nhìn cảnh gió giật phăng từng tấm mái tôn, từng mảng tường kính, có người up lên mạng căn nhà 100m2 để trống của mình, kêu gọi mọi người chia sẻ, tìm kiếm những người vô gia cư, những người đang cần một mái ấm để trú ẩn trong cơn bão. “Em sẽ chuẩn bị cả cơm nước, đồ ăn” – Cô gái này viết thêm. Trong những bức hình sau đó được up lên mạng, người ta thấy cảnh cả chục người xa lạ ngồi quây quần với nhau bên mâm cơm trong ánh đèn ấm áp của căn nhà kiên cố.
Giữa lúc gió tạt bay người trên cầu, người ta ghi lại cảnh những chiếc xe ô tô không ai bảo ai, đi lại thật chậm để chắn gió cho hàng xe máy đang di chuyển chật vật trên cầu. Ở giữa phố, thấy cảnh một người đàn bà đang cố gắng bám chặt lấy cột sắt giữa dải phân cách vì gió tạt quá mạnh không thể sang đường, một chiếc ô tô chủ động lùi xe lại, mời người đàn bà lên xe và chở đến nơi an toàn.
Bão vừa mới qua, lũ lại đến. Cây trái, hoa màu thiệt hại nặng nề. Những vườn chuối, bưởi, đu đủ vừa mới vào vụ đã gãy đổ tơi tả, nhiều người mất trắng tài sản chỉ sau một đêm. Thế là trên mạng người ta lại hô hào nhau mua hoa quả, rau mùa để giải cứu nông sản, giúp đỡ bà con sau bão.
Trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão, chính phủ khẩn trương vào cuộc, hỗ trợ 100 tỷ đồng cho 5 địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão. Quảng Ninh và Hải Phòng xin tự lo và dành ngân sách đấy cho các tỉnh còn lại. Một nghĩa khí hào hiệp theo kiểu cấp trung ương.
Nửa đêm hôm qua nước vẫn không ngừng dâng cao tại các điểm nóng. Trong một đoạn clip, tôi thấy cảnh người dân thức trắng, soi đèn xuống mặt nước để chiếu sáng và động viên cho các chiến sĩ cứu hộ đang bơi phía dưới, cố vận chuyển từng tùng hàng cứu trợ cho người dân các điểm khó tiếp cận. Họ đã ngâm mình trong nước cả ngày để làm công việc này, và chỉ dám ngủ vội trên một tấm chiếu trải sơ sài trên mặt đất vẫn còn ướt nhẹp bùn và nước mưa.
Đêm qua cũng là đêm mà các tình nguyên viên và bộ đội thức trắng đêm để đắp đê ngăn lũ. Mỗi người một tay, người xúc cát, người đổ vào bao, người bê, người chuyền… cứ thế, bờ đê ngăn lũ dần thành hình. Một hình ảnh thật đẹp về sự chung tay giữa cơn hoạn nạn của người Việt. Dù là người đang đắp đê hay người đang ngâm mình đi cứu hộ, dù là người đang vận chuyển từng chuyến hàng ngay giữa đêm hay những người lên mạng share từng đường link kêu gọi giúp đỡ. Người dân hay nhà nước. Chuyện nhỏ hay chuyện to. Chẳng ai bảo ai, ai cũng tự thấy mình có một phần trách nhiệm giúp nhau trong lúc hiểm nghèo. Dẫu là người xa lạ, nhưng ai cũng là người Việt Nam.
Có một lý do để người Việt Nam gọi nhau là “đồng bào”, thay vì chỉ là “chúng ta”. Đồng là cùng, bào là cái bọc. “Đồng bào” là cùng chung một bọc – ở đây là bọc trăm trứng nở ra trăm con của truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đồng bào không chỉ sinh ra từ truyền thuyết, mà còn nhắc ta nhớ rằng: Người Việt dù ở bất cứ đâu, cũng đều là anh em như thể tay chân, là người một nhà, là con Rồng cháu Tiên. Nghĩa đồng bào không chỉ là cái nết bao đồng của những người xa lạ quan tâm đến nhau, mà thật sự là nghĩa tình của những người con đất Việt luôn hướng về nhau khi gian nan, nguy khó.
Miền Bắc đang bước vào những ngày khó khăn và thử thách nhất của đợt lũ lịch sử. Nhưng cũng giống như những đợt lũ trước của miền Trung, hay hạn hán của miền Nam, sẽ chẳng có ai bị bỏ lai đằng sau, chẳng có ai phải lẻ loi chống chọi một mình với sự khắc nghiệt của thiên tai. Bởi vì ở đây, người Việt không chỉ đơn thuần giúp nhau vì sự thương xót trước cảnh kém may mắn hơn. Ở đây, người Việt lăn xả vào giúp nhau vì sức nặng của thứ gọi là nghĩa đồng bào.
Người Việt mình, cứ vậy mà thương nhau!