Tạm dừng tìm kiếm nạn nhân
Công tác tìm kiếm, cứu nạn sáng nay tại Làng Nủ tạm dừng. Các lực lượng tạm rút quân, nghỉ trưa.
Trong sáng 12-7, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 7 thi thể nạn nhân và bàn giao cho người thân để lo hậu sự.
Sáng 12-9, lính thông tin được trang bị thêm ống nhòm và kẻng để cảnh giới, báo động khi có nguy cơ lũ quét, sạt lở. Các lực lượng chức năng cũng sử dụng Flycam, chó nghiệp vụ để bay tìm kiếm các nạn nhân.
Tuyến đường vào làng Nủ nhiều điểm sạt lở nguy hiểm
Từ quốc lộ 70, nhóm phóng viên di chuyển đường đồi núi khoảng hơn 15 km vào đến Làng Nủ.
Tuyến đường dẫn vào thôn Làng Nủ có nhiều điểm sạt lở, khá nguy hiểm. Công an tỉnh Lào Cai phải bố trí lực lượng kiểm soát phương tiện để tránh ùn tắc, gây cản trở cho hoạt động cứu hộ cứu nạn
Tối 11/9, chị Hoàng Thị Đàn (41 tuổi) ngồi chăm sóc cháu Hoàng Gia Bảo (7 tuổi) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai vẫn không tin nổi, lũ quét qua thôn Làng Nủ đã cướp đi tính mạng của 2 vợ chồng em trai ruột của chị là anh Hoàng Văn Tuân (37 tuổi) và chị Hoàng Thị Quyến (34 tuổi).
Anh Tuân và chị Quyến đều bị lũ quét vùi lấp trong đống đổ nát thôn Làng Nủ. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của anh Tuân và đưa đi chôn cất, còn thi thể chị Quyến vẫn đang bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Chị Đàn cho biết, cháu Bảo là con trai thứ 2 của vợ chồng anh Tuân may mắn thoát nạn trong vụ lũ quét thôn Làng Nủ. Cháu được người dân tìm thấy cách khu vực đất sạt lở gần 500m rồi đưa lên bệnh viện cấp cứu. Đến nay, dù đã được các bác sĩ chẩn đoán qua cơn nguy kịch nhưng việc điều trị vẫn còn phải kéo dài do cháu bị đa chấn thương phần mềm.
Ngoài cháu Bảo, người con trai đầu của vợ chồng anh Tuân là cháu Hoàng Xuân Phúc (15 tuổi) đang học tại trường nội trú huyện Bảo Yên. Trước khi xảy ra lũ quét một ngày, anh Tuân có đưa cháu Phúc lên trường huyện để học nên cháu may mắn thoát nạn.
Hôm 10/9, sau khi lực lượng cứu nạn tìm thấy thi thể của anh Tuân, người nhà đã đưa cháu Phúc về nhìn mặt bố lần cuối, khi biết bố mất, mẹ chưa tìm thấy, em trai phải nằm viện cấp cứu, cháu Phúc đã gào thét khóc cạn nước mắt.
Chị Đàn lo lắng, không biết tới đây anh em Phúc phải sống như thế nào khi bố mẹ mất sớm, nhà cửa bị cuốn bay, không còn tài sản.
Cùng sống sót trong trận lũ quét ở thôn Làng Nủ, cháu Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi) đang được bà ngoại chăm sóc tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên. Cháu Lan được người dân cứu giúp khi bị lũ cuốn dạt vào bờ ruộng.
Sau 2 ngày được các y bác sĩ chữa trị, đến nay cháu Lan đã bắt đầu ăn được cơm, nhưng do bị đa chấn thương phần mềm nên cháu còn rất đau ở lưng và chân.
Cháu Lan là người sống sót duy nhất trong gia đình có 5 người. Bố mẹ và 2 anh trai của cháu đều đã bị lũ quét vùi lấp đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Bà Hoàng Thị Thanh (52 tuổi) hay tin cháu ngoại được đưa đi cấp cứu vội vã chạy đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên để chăm sóc cho cháu Lan suốt mấy ngày nay.
Bà Thanh không chỉ phải đối mặt với nỗi đau mất đi người thân mà còn thương và lo cho tương lai của người cháu tội nghiệp.
Sau thảm họa lũ quét tại Làng Nủ, những em nhỏ mồ côi đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Không chỉ là nỗi đau khi mất đi gia đình, người thân, mà các em còn phải học cách thích nghi với cuộc sống thiếu thốn và bất định, khi tương lai phía trước trở nên mờ mịt.
Làng Nủ sau lũ dữ, xót xa người mẹ tựa quan tài khóc con
Hơn 24 giờ sau khi xảy ra trận lũ kinh hoàng hôm 10/9, lực lượng chức năng (lãnh đạo các cấp, ngành, công an, quân đội) đã có mặt thôn Làng Nủ để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo và thực hiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong Toàn tỉnh hiện có 6 huyện, thị xã có người chết. Số người chết: 88; mất tích: 85; bị thương: 75. Thiệt hại khoảng: 2.800 ha đất lúa. 7.500 hộ bị ảnh hưởng, hơn một nửa ảnh hưởng nặng. Tổng thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng. Riêng Bảo Yên thiệt hại khoảng gần 400 tỷ đồng.
Hiện tại, đang duy trì lực lượng tìm kiếm khoảng 650 người tại thôn Làng Nủ, trong đó, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) 300 người; công an 100 người; các lực lượng khác của tỉnh, huyện, xã 250 người. Tất cả lực lượng đều dốc sức, chạy đua với thời gian tìm kiếm, cứu nạn.
Theo cập nhật mới nhất từ VTC News, lực lượng chức năng đã tìm thấy 42 thi thể và còn 53 người mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng ở bản Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Vẽ lại sơ đồ hiện trường Làng Nủ, trang bị thêm ống nhòm, kẻng cảnh báo
Lực lượng kiểm lâm Lào Cai đang phối hợp với người dân bản địa vẽ lại sơ đồ hiện trường vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ, xác định vị trí từng hộ dân và số người trong gia đình, kiểm đếm những người còn sống sót, người đã tử vong hoặc còn đang mất tích.
Sáng 12/9, lính thông tin cũng được trang bị thêm ống nhòm và kẻng để cảnh giới, báo động khi có nguy cơ lũ quét, sạt lở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang trên đường đến Làng Nủ
Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ lên đường đến hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú sáng nay cũng đến Làng Nủ để thăm hỏi, động viên bà con vùng bị thiệt hại do lũ quét.
325 người chết và mất tích do bão số 3, mưa lũ, sạt lở
Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến 7h ngày 12/9, bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lũ, sạt lở đất đã làm 325 người chết và mất tích.
Cụ thể, bão, mưa lũ và sạt lở đất đã làm 197 người chết, 128 người bị thương. Trong đó, tỉnh Lào Cai thiệt hại nặng nề nhất với 177 người chết và mất tích (82 người chết, 95 người mất tích) tại các địa phương: Bảo Yên, Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn.
Riêng trong vụ sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đã làm 99 người chết và mất tích.
Sẵn sàng lực lượng để kịp thời hộ đê
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ. Theo dự báo, lũ trên nhiều các tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, máy móc để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông và cả bên trong các tuyến đê có nguy cơ mất an toàn.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê, sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân, thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ thể quản lý, khai thác hồ đập thủy điện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho vùng hạ du.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với tàu bè gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.
Quảng Ninh di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân
Đêm 11/9/2024, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) di dời khẩn cấp 136 hộ thuộc tổ 7, khu 5 phường Quang Hanh nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở do nghi khu vực đồi cao trong khu vực bị úng nước trong đất.
Lũ trên sông Hồng vẫn trên 11 mét
Theo báo Thanh niên, rạng sáng 12/9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đạt mức 11,26 m, dưới báo động 3 là 0,24 m và có xu thế đang đi xuống. Đến 7 giờ sáng, nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội ở mức báo động 2, đạt 11,2 m, dưới mức báo động 3 và đang giảm, mỗi giờ sẽ rút 2 cm.