Đà Nẵng đóng cửa bán đảo Sơn Trà từ tối 18/9
Theo VTC News, chiều 18/9, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, Đà Nẵng ban hành văn bản tạm thời đóng cửa bán đảo Sơn Trà nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước diễn biến mưa bão phức tạp.
Cụ thể, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà giao lực lượng Công an quận phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự quận, UBND phường Thọ Quang, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng cơ quan liên quan lập chốt cắt đường, cấm người và các phương tiện lưu thông trên tuyến đường Hoàng Sa (trừ xe công vụ).
Thời gian tạm dừng lưu thông lên bán đảo Sơn Trà bắt đầu từ 17h ngày 18/9 cho đến khi có thông báo mới, tùy vào tình hình cụ thể.
Vào 18h tối 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào hoảng 17.0 độ Vĩ Bắc; 111.7 độ Kinh Đông, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 382km. Sức gió cực đại đạt 61km/h, giật cấp 9.
Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h. Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Quảng Nam cho học sinh nghỉ học từ ngày 19/9
Chiều 18/9, Sở GD&ĐT Quảng Nam có văn bản gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; các Trường THPT, PTDTNT tỉnh; Trung tâm GDTX tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trước tình hình mưa lũ.
Cụ thể, Sở GD&ĐT Quảng Nam đề nghị các đơn vị trên thông báo cho học sinh nghỉ học ngày 19/9, phân công trực ban và báo cáo kịp thời tình hình mưa bão, lũ quét, các thiệt hại và biện pháp khắc phục về Sở GD&ĐT (qua Văn phòng Sở) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Nguy cơ tái diễn trận lụt lịch sử năm 2020
Chiều 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Ninh Bình đến Bình Định.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, cơn bão số 4 sẽ hình thành ngay sát bờ nước ta. ATNĐ đang di chuyển chậm lại sẽ tạo điều kiện được nạp năng lượng để mạnh lên nên sẽ còn khó đoán.
“Bão số 4 có cường độ không mạnh, chỉ giật đến cấp 10, song vấn đề lo ngại nhất bão gây mưa lớn, tập trung ở các tỉnh như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và một phần Quảng Ngãi; không ngoại trừ khả năng sẽ có đợt mưa tồi tệ xảy ra như trận lũ lụt ở miền Trung năm 2020”, ông Hiệp nhận định.
Lốc xoáy tốc mái nhà, mưa gây ngập lụt ở nhiều tỉnh thành miền Trung
Theo VOV, trong sáng 18/9, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, một trận gió lốc kèm mưa lớn quét qua làm nhiều hàng quán ven biển của người dân bị tốc mái, hư hỏng đồ đạc, nhiều cây xanh gãy đổ. Ngay sau cơn lốc, người dân đã chủ động khắc phục và chủ động phòng chống thiên tai.
Tại các khu neo đậu tránh trú bão ở huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, ngư dân đang khẩn trương neo đậu tàu thuyền. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã cử người đến khu vực các xã ven biển hỗ trợ người dân.
Đồn Biên phòng Triệu Vân, huyện Triệu Phong đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, giúp bà con chằng chống nhà cửa. Hơn 2.000 tàu thuyền tại tỉnh Quảng Trị đã cơ bản vào bờ neo đậu, tránh trú an toàn.
Người dân Đà Nẵng hối hả chằng chống nhà cửa, dọn đồ tránh ngập lụt
Áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng 430km
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 430km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h.
Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.
Từ gần sáng và ngày 19/9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.
Từ chiều tối ngày 18/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Từ chiều tối ngày 18/9 đến ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 100mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).
Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão
Trong ngày 18/9, người dân vùng bãi ngang ven biển TT-Huế hối hả, tất bật chạy đua với thời gian để di chuyển hàng nghìn chiếc ghe, thuyền nan cỡ nhỏ dùng đánh bắt gần bờ biển và khu vực bên trong đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, đến nơi tập kết an toàn.
Anh Ngô Văn Pháo (45 tuổi, ngư dân xã Phú Thuận, Phú Vang) cho biết: Khi sắp có bão, người dân địa phương luôn giúp nhau di chuyển ghe thuyền đến nơi trú tránh an toàn. “Chúng tôi vừa giúp nhau, vừa kiểm tra xem còn ai đi biển chưa về để tìm cách liên lạc, thông báo cho họ chủ động phòng tránh bão”, anh Pháo bày tỏ.
Các khu neo đậu bên trong đầm phá ít bị tác động của sóng gió cũng là nơi neo đậu an toàn dành cho những tàu cá đánh bắt xa bờ cỡ lớn.
Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TT-Huế, đến chiều 18/9, lực lượng chức năng đã kêu gọi xong toàn bộ 1.884 phương tiện tàu cá, với 10.685 lao động địa phương hoạt động trên biển vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn.