Mạng xã hội tranh cãi về “rào cản khi đu idol quốc nội”
Cùng với sự “bành trướng” của hai show thực tế về âm nhạc hot nhất hiện hay, “cơn bão fandom” đổ bộ Vpop. Các anh trai trở thành chủ đề nóng nhất trên các diễn đàn âm nhạc, khiến cục diện “đi đu idol” của các FC Việt thay đổi. Khán giả đại chúng bắt đầu chú ý đến các sao nam, quy mô fandom mở rộng.
Fan Kpop, Hoa ngữ và USUK cũng đổ xô về “đu sao nội địa”. Nhóm fan có kinh nghiệm đu idol quốc tế tập trung kêu gọi cày stream, ủng hộ hiện kim, dự show thần tượng và mua vật phẩm. Lần đầu tiên, các FC Việt ủng hộ thần tượng bài bản như các fandom nước ngoài. Văn hoá thần tượng “thoát vòng” không chỉ phổ biến ở cộng đồng người hâm mộ Kpop, Cpop hay USUK.
Nhưng, việc fandom mở rộng quy mô cũng tạo ra nhiều tranh cãi. Ở nền tảng Threads, chủ đề “rào cản khi đu idol quốc nội” đang được bàn tán rôm rả. Hàng loạt bài đăng nhận về tương tác cao thảo luận đúng 1 vấn đề. Nhiều fan Kpop, Hoa ngữ và USUK bị “khớp” khi chuyển hướng ủng hộ nghệ sĩ Việt – là vì sự khác biệt trong cách ủng hộ, tiếp nhận thông tin về thần tượng.
Một bài đăng thu về hơn 20 nghìn lượt xem trải lòng: “Đúng kiểu quen nền văn minh giải trí các nước bạn hơn nửa cuộc đời rồi nên về với văn hóa FC nước nhà ngớp ghê. Muốn gặp idol thì dồn tiền tranh top spender event, đi concert muốn đi zone gần, muốn benefit cao thì chọn vé cao. Mua lần đầu chưa được chỗ như ý thì chấp nhận mua đi bán lại để leo queue cao nhất có thể. Random vé fansign thì mua nhiều album để nâng xác suất. chúng sinh bình đẳng, cơ hội như nhau. Cho đến khi về nhà thấy gì cũng phải làm việc với FC, người ngại giao tiếp chết mất.”
Một bài đăng khác cho biết, mong mỏi lớn nhất là được công khai lịch trình của idol: “Thứ tôi cần khi đu idol quốc nội là công ty đăng công khai lịch diễn của nghệ sĩ. FC đầu tàu nếu có thì sẽ là 1 trang fanpage công khai chứ không phải group kín, người đu idol độc lập như tôi không hợp văn hóa FC chút nào. Từng đu cả quốc tế và đang đu quốc nội, nghệ sĩ tôi thích họ không lập FC. Họ đăng công khai mọi thứ trên broadcast và các MXH của họ. Tôi rất rất hưởng thụ việc đó. Giờ đu nghệ sĩ có FC bản thân bị ngợp. Không đòi hỏi gì hơn là lịch trình công khai của idol ạ. Muốn đu một mình cơ.”
Ở bình luận của các bài đăng, nhiều fan cũng bày tỏ nỗi lòng tương tự:
– Thật sự là không phải ai cũng có thời gian hoặc sự cởi mở để theo FC, và chỗ nào càng đông người sẽ càng có nhiều vấn đề phát sinh ấy. Mình rất thích kết bạn, điều mình tự hào nhất là nửa cuộc đời đu idol mình có những fangirl-mate chất lượng vô cùng nhưng ý là phải cùng tần số và nhân duyên đẩy đến với nhau, chứ mà gom lại rồi phải chịu sự điều hướng bị động mới được gặp idol thì… Hi vọng qua đợt “về nhà” cực mạnh này văn hóa đu idol quốc nội có thể chuyển hướng bình đẳng hơn.
– Thôi hoan hỉ là ca sĩ Việt các công ty chưa chuyên nghiệp lắm, những công việc này họ làm chưa tốt. Miễn họ không cố ý đưa cho FC thông tin riêng để làm đẹp hơn là được rồi.
– Mà mừng là ca sĩ có fanpage công khai, thông tin trên đó cập nhật nhanh lắm, chứ trong group kín FC thật ra không có thông tin gì mấy đâu. Chắc từ từ ai cũng sẽ làm vậy.
– FC là cái rào cản rất lớn đối với fan thường muốn đu idol, việc làm gì cũng phải đi theo 1 nhóm đúng khó chịu luôn, mình không vào là không biết gì hết. Thật sự idol Việt nên bỏ cái văn hoá FC thì fandom mới phát triển đc, còn đầu tàu FC thật sự yêu thích idol có thể lập fanpage đu như fansite.
– Cảm giác nếu mình hụt một cái gì đó nó sẽ bớt khó chịu hơn khi mọi người đều bình đẳng, mình hụt là do mình xui. Còn như ở Việt Nam là do mình không connnect với FC, trong khi fan nào cũng là fan.
– Lỗi không ở chữ “FC”, lỗi ở văn hóa FC Vpop. Fan Kpop ở Việt Nam không hoạt động thành cụm như này, không có chuyện ưu tiên bao giờ. Đúng như cậu viết, concert, fanmeeting muốn đến gần idol thì mua vé VIP, muốn tăng cơ hội trúng fansign thì đập tiền mua nhiều album, không cần vào FC cũng có thể tham gia project như thường,…Trừ những bạn fansite lâu năm được idol quen mặt ra thì tất cả mọi người đều bình đẳng, idol tương tác không phân biệt fan đu lẻ hay đu cùng FC.
Nguồn cơn vấn đề
Điểm đặc biệt này khiến các fan vốn “đu” idol quốc tế, khi trở lại ủng hộ nghệ sĩ Việt cảm thấy xa lạ. Thông thường, người hâm mộ idol quốc tế – đặc biệt là Kpop không được ưu tiên trong các hoạt động. Muốn gặp thần tượng, có cơ hội tương tác đều phải canh sự kiện, mua vé concert, quyền lợi dựa trên hạng vé.
Các fansite lớn chỉ đóng vai trò truyền đạt thông tin, đăng tải nội dung về thần tượng hoặc tổ chức các project ủng hộ. Thần tượng ít khi nói chuyện, tương tác riêng với trạm fan nào, tất cả đều không có ngoại lệ. Mọi khúc mắc đều được gửi về công ty – ekip quản lý giải quyết.
Nhưng, điều này không phổ biến tại Việt Nam. Đến nay, mới thực sự có vài fanpage “nhen nhóm”, đu idol quốc nội theo hình thức kể trên. Đa số fan của nghệ sĩ Việt sẽ tập trung vào vài hội nhóm, lẻ tẻ ở nhiều nơi. Một số hội nhóm đồng hành lâu năm thân thiết với ekip, thậm chí là nghệ sĩ. Những hội nhóm này sẽ được ưu tiên các thông tin về lịch diễn, sự kiện công khai, được sắp xếp vị trí đẹp để “đu idol”. Để gia nhập FC, người mới cần tuân thủ một số quy tắc được định sẵn.
Điều này làm dấy lên 1 vấn nạn, nếu nhóm FC chuyên quyền được ekip ưu ái thì các fan mới hoàn toàn không có cơ hội được “đu idol”. Sự bất bình đẳng này khiến các fan mới – đa số là fan đã quen với văn hoá thần tượng nước ngoài la ó. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng fandom.
Khi một fandom trên đà lớn mạnh, sẽ có vô số vấn đề nảy sinh. Việc các FC “đầu tàu” cần linh hoạt và rõ ràng trong việc dẫn đầu một cộng đồng là cực kỳ quan trọng. Dù còn tồn tại nhiều vấn đề vì văn hoá fandom tại Việt Nam còn non trẻ, nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng.
Cuối cùng thì, nghệ sĩ Việt cũng nhận được sự chú ý tương xứng, được người hâm mộ ủng hộ bằng các hình thức chuyên nghiệp. Các mâu thuẫn được nêu bật sẽ dễ dàng để giải quyết, ekip và công ty quản lý từ đây cũng có cái nhìn rõ ràng, đa chiều hơn trong việc giúp nghệ sĩ quản lý cộng đồng fan.