Mới đây, sự việc Hằng Du Mục đăng bài tố chồng cũ là Tôn Bằng – đập cửa xông vào nhà riêng với mục đích “cướp con” và xé giấy tờ gây xôn xao khắp mạng xã hội. Nhiều bình luận lên tiếng bênh vực Hằng Du Mục, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của Tôn Bằng.
Song, đây cũng không phải là trường hợp hiếm hoi. Ngày nay, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn có hành vi cướp, bắt cóc hay đe dọa để giành quyền nuôi con sau ly hôn, ly thân. Điều này được tâm lý học lý giải có liên quan đến tính cách, bản chất con người của mỗi cá nhân. Từ đó, xem xét xem họ có phù hợp làm chồng, làm cha của đứa trẻ hay không.
Biểu hiện của người có xu hướng bạo lực
Trong bài viết “Tâm lý của đàn ông sau ly hôn” của Sohu có lý giải về hành động cướp, giành con từ tay người mẹ sau ly thân, ly hôn là một biểu hiện của người có khả năng gây bạo lực (về cả thể chất lẫn tinh thần) rất cao, họ không đáng tin cậy để tiếp tục chung sống hay có quyền nuôi con.
Luật sư Zhang Jing chia sẻ thêm rằng việc bắt cóc và giấu trẻ em là một phần tiếp theo của bạo lực gia đình và là một trong những thủ đoạn mà bên bạo lực gây ra, nhằm tác động lên tinh thần lẫn thể chất của đối phương, với mưu cầu kiểm soát.
Mới đây, tờ Sina cũng gây chấn động MXH Trung Quốc khi đưa tin về câu chuyện người đàn ông cướp con từ tay mẹ ruột, giấu kín suốt 329 ngày. Sau khi người mẹ tìm thấy, đứa trẻ được cho là đã qua đời, do bị chính cha ruột đối xử tệ bạc, liên tục có các hành vi bạo lực như đánh đập, mắng mỏ, bỏ đói con với lý do kỷ luật mà không nhận ra đó là hành vi bạo hành một thời gian dài, gây nguy hại cho đứa trẻ.
Người có cái tôi cao, chỉ nghĩ đến cảm xúc cá nhân
Cũng có trường hợp những người đàn ông không muốn nhận nuôi con/bị tước quyền nuôi con tại tòa song chỉ sau phiên tòa một thời gian ngắn lại giành quyền nuôi con, hay chỉ đơn giản là “muốn con ở với mình, không phải vì lo cho đứa trẻ, mà với mục đích “cho vợ biết mặt”, nhằm thỏa mãn cái tôi.
Hơn nữa, hành vi cướp, bắt để giành quyền nuôi con sau ly hôn của một số người cho thấy họ đang gặp vấn đề về tâm lý, tâm thần. Đó có thể là biểu hiện của việc họ đang cảm thấy bất an, trống rỗng và lo âu sau ly hôn. Thậm chí, điều này lâu dần dễ dàng gây ra ám ảnh tâm lý, dẫn đến việc không nhận thức được hành vi của một người.
Không thật sự quan tâm đến con
“Ở tầng 1, Hằng đồng ý cho Tôn Bằng lúc đó gặp con 1 tiếng với yêu cầu là phải giữ tâm lý ổn định không được ảnh hưởng đến con. Tôn Bằng tiếp tục lớn tiếng cãi chửi trước mặt con và nhiều người tại tầng 1. Đỉnh điểm là xé luôn giấy tờ của con. Và còn chi tiết hơn nữa Hằng không chia sẻ thêm và tới đây thôi Hằng nghĩ là quá đủ để mọi người hiểu câu chuyện rồi”, Hằng Du Mục viết.
Liệu lúc thực hiện hành vi này, Tôn Bằng có nghĩ đến cảm xúc của con mình. Có mảy may dù chỉ trong một khoảnh khắc nghĩ đứa trẻ sẽ sợ hãi, sẽ thiệt thòi thế nào khi không có giấy tờ.
Thế nên, đừng lấy lý do “tôi thật sự thương con”, “Tôi vì quá nhớ con” hay “Tôi muốn con có cuộc sống tốt hơn” để lấy cái cớ, bào chữa cho hành vi cướp, dành con sau ly hôn. Bởi chính đứa trẻ mới là người bị tổn thương trong câu chuyện này.
Theo All-China Women’s Federation, các nhà tâm lý học cho rằng, việc ly hôn và hành vi bắt, giấu con có tác động tâm lý lớn nhất đối với trẻ trong thời thơ ấu, thanh thiếu niên và sẽ ảnh hưởng đến trẻ trong suốt cuộc đời.
Hiện nay, các vụ ly hôn đang gia tăng qua từng năm. Ly hôn là điều không ai mong muốn, nhưng vào trường hợp không thể khác được, người trong cuộc cần cân nhắc thật kỹ để tránh thiệt thòi cho con trẻ.
Song, không ai có quyền tước đi quyền được hưởng tình yêu thương của cha, mẹ của con. Vì vậy, khi ly hôn, vợ chồng nên giải quyết hợp lý vấn đề quyền nuôi dưỡng, thăm nom trẻ dưới góc độ của con cái, không để con cái vướng vào những mâu thuẫn, tranh chấp giữa người lớn.Vì sau tất cả, đứa trẻ mới là người tổn thương nhất!