Các bậc phụ huynh đều mong muốn con cái mình có một cuộc sống tốt đẹp, một tương lai tươi sáng, vì vậy họ thường không tiếc tiền đầu tư vào con. Tuy nhiên, một số phụ huynh nhận thấy rằng, dù đã dành rất nhiều tâm huyết cho con, sự tiến bộ của con lại không diễn ra như mong đợi, thậm chí cuộc sống của con còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể là vì sự quan tâm của cha mẹ đã đi sai hướng.
Để con cái phát triển tốt, nhiều phụ huynh không tiếc tiền bạc, nhưng không ngờ rằng khi trưởng thành, con lại chẳng làm được gì. Hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình có một cuộc sống hạnh phúc, mẹ của Hạo Nhiên (Trung Quốc) cũng vậy.
Khi con còn đi học, bà đã rất quan tâm đến chất lượng sống của con, cho con ăn ngon mặc đẹp, với hy vọng con sẽ lớn lên trong hạnh phúc.
Lên cấp hai, khi phải ở nội trú, mẹ Hạo Nhiên càng lo lắng con ăn uống không đủ nên cho con rất nhiều tiền tiêu vặt.
Ban đầu, Hạo Nhiên cảm thấy rất vui vì có nhiều tiền, nhưng sau đó cậu nhận ra rằng nếu có quá nhiều tiền, cậu sẽ khó mà tự chủ được, sợ rằng mình sẽ trở thành người tiêu xài hoang phí. Vì vậy, Hạo Nhiên đã nhờ mẹ giảm bớt tiền tiêu vặt, chỉ cần bằng với các bạn cùng lớp là được.
Tuy nhiên, mẹ cậu không đồng ý mà vẫn nhất quyết cho cậu một số tiền lớn hơn nhiều so với các bạn. Cuối cùng, dưới sự thuyết phục của mẹ, cậu đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn của đồng tiền và chấp nhận số tiền tiêu vặt lớn mà mẹ đưa cho.
Cứ thế, khi lên đại học, Hạo Nhiên vẫn nhận được số tiền tiêu vặt lớn từ mẹ, nhờ đó cậu có thể tập trung học tập và tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái, không cần phải làm thêm như các bạn cùng lớp.
Thế nhưng, điều này cũng khiến Hạo Nhiên bỏ lỡ một phần quan trọng của quãng thời gian đại học, đó là kinh nghiệm thực tế. Khi ra trường, các bạn cùng lớp đều dễ dàng tìm được việc làm nhờ có kinh nghiệm thực tập, còn Hạo Nhiên lại gặp khó khăn vì thiếu kinh nghiệm.
Tình trạng này không chỉ hạn chế phạm vi lựa chọn của người tìm việc mà còn có thể làm giảm sự hài lòng và ổn định trong công việc. Bởi vì ngay cả khi tìm được việc, họ cũng có thể nhanh chóng cảm thấy chán nản vì không thích nghi được hoặc kỳ vọng không được đáp ứng.
Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì Hạo Nhiên đã dành hàng chục năm để học tập, mà môi trường học tập và môi trường làm việc là hoàn toàn khác nhau. Không có kinh nghiệm thực tế, Hạo Nhiên khó có thể thích nghi nhanh chóng với nơi công sở.
Như một lẽ tất yếu, Hạo Nhiên trở thành một người thất nghiệp.
Mẹ của Hạo Nhiên không hề thúc giục con trai tìm việc mà còn nói rằng “không vội”, mỗi tháng vẫn gửi cho cậu một khoản tiền như “lương” để cậu có thể tiếp tục cuộc sống thoải mái.
Hạo Nhiên rất vui khi nhận được tiền từ mẹ, nhưng cậu không muốn phụ thuộc vào mẹ mãi và cũng không muốn mẹ cho quá nhiều tiền. Cậu có sống lý tưởng, dù mới ra trường và chưa thích nghi được với xã hội, nhưng cậu vẫn muốn tự mình tìm được việc làm, tự lập và không còn phải dựa vào cha mẹ.
Vì vậy, một lần nữa, Hạo Nhiên từ chối số tiền mà mẹ gửi hàng tháng, muốn thông qua việc “thiếu tiền” để khơi dậy ý chí phấn đấu của mình và bắt đầu sự nghiệp.
Tuy nhiên, người mẹ nào lại muốn con mình khổ sở? Mẹ Hạo Nhiên vẫn kiên quyết gửi cho con 5000 tệ (khoảng 17 triệu đồng) mỗi tháng, dù cậu có từ chối thế nào đi nữa.
Dần dần, Hạo Nhiên bắt đầu quen với cuộc sống không cần làm việc mà vẫn có thể sống thoải mái, ý chí phấn đấu của cậu ngày càng suy giảm và cuối cùng cậu trở thành một “người lười biếng”, không còn muốn tìm việc nữa mà chỉ quanh quẩn trong nhà, suốt ngày không làm gì cả.
Qua câu chuyện của Hạo Nhiên có thể thấy được rằng, tình yêu sai lầm của người mẹ đã khiến người con trai trở nên lười biếng, sống phụ thuộc. Giả sử khi cha mẹ qua đời, liệu cậu có còn sống một cách hưởng thụ như vậy được nữa không?
Vậy nên, để thực sự giúp con cái, cha mẹ cần dạy con 3 kỹ năng dưới này:
1. Xây dựng tư duy “câu cá”
Cũng như câu nói “cho con cá không bằng dạy cách câu cá”, để con cái phát triển tốt, cha mẹ cần giúp con hình thành tư duy “câu cá”, tức là tư duy phát triển bền vững.
Ví dụ đơn giản nhất là mẹ của Hạo Nhiên đã cho con rất nhiều tiền, nhưng lại không dạy con cách “sinh lời” từ số tiền đó, chẳng hạn như gửi tiết kiệm, đầu tư, kinh doanh… Vì vậy, số tiền trong tay Hạo Nhiên chỉ dùng để tiêu xài, không những không giúp ích cho sự phát triển của bản thân mà còn hình thành thói quen tiêu xài hoang phí.
Nếu trẻ không có tư duy “câu cá”, sẽ rất khó để nắm bắt các cơ hội phát triển.
2. Nắm vững hành động “câu cá”
Chỉ có tư duy thôi là chưa đủ, nếu không biết cách hành động, không có cơ hội thì trẻ cũng không thể phát triển được.
Ví dụ như Hạo Nhiên có ý định tìm việc, có nhiệt huyết nhưng lại không tìm được công việc phù hợp. Lúc này, người mẹ nên tận dụng kinh nghiệm của mình để giúp con tìm việc, hoặc chia sẻ những kinh nghiệm xin việc, tạo cơ hội cho con học hỏi và phát triển các kỹ năng cần thiết.
3. Xây dựng “ao cá” riêng
“Ao cá” ở đây chính là mạng lưới quan hệ, bao gồm cả mối quan hệ xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, nguồn thông tin,…
Trên thực tế có những người kiếm tiền rất dễ dàng, trong khi có những người lại rất khó khăn không? Thực ra điều này có liên quan đến “ao cá” của mỗi người.
Vì vậy, cha mẹ cần nhắc nhở con cái chú ý xây dựng và duy trì mạng lưới quan hệ của mình, điều này sẽ giúp con thuận lợi hơn trong con đường phát triển sau này.