Dị dạng lồng ngực bẩm sinh có thể gây chèn ép tim phổi
Dị dạng lồng ngực bẩm sinh là biến dạng lồng ngực bẩm sinh do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức làm cho lồng ngực bị lõm vào. Dị tật này có thể được phát hiện ngay sau sinh hoặc đến tuổi dậy thì, đa số phát hiện ngay sau sinh.
Đây là tình trạng phát triển bất thường của xương ức và xương sườn hướng vào bên trong gây ra lõm lồng ngực. Bệnh có thể gây chèn ép tim phổi, gây hạn chế vận động thể lực, gầy yếu và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Bệnh có thể phối hợp với dị dạng, cong vẹo cột sống, thường ở mức độ nhẹ.
Khiếm khuyết dị dạng lồng ngực bẩm sinh hình thành khi có sự phát triển quá mức hoặc không cân bằng của các sụn sườn phía dưới, đẩy xương ức ra phía sau, tạo nên sự cong đột ngột và sâu của xương ức ngay trước chỗ tiếp nối với mỏm mũi kiếm. Trẻ thường được phát hiện dị dạng lồng ngực ngay sau sinh hoặc khi đến tuổi dậy thì. Đa số các trường hợp phát hiện ngay sau khi trẻ chào đời.
Bệnh tiến triển theo thời gian, biểu hiện rõ vào độ tuổi dậy thì khi xương phát triển mạnh nhất. Bệnh có tính chất gia đình, anh em ruột hoặc bố con có thể cùng mắc.
Cách phát hiện dị dạng lồng ngực bẩm sinh
Hầu hết các bệnh thể trung bình – nhẹ sẽ không có triệu chứng chèn ép tim phổi và không gây ra triệu chứng. Với các mức độ nặng hơn, các triệu chứng thường gặp gồm: Đau tức ngực, mệt mỏi thường xuyên, khó thở, tim đập nhanh.
Khi trẻ hoạt động nhiều gây ra tình trạng hạn chế vận động thể lực, khiến trẻ mệt mỏi và khó thở hơn bạn cùng trang lứa.
Thể trạng gầy, suy dinh dưỡng, kết hợp với lõm lồng ngực gây ra tình trạng thẩm mỹ kém.
Điều trị dị dạng lồng ngực bẩm sinh
Phương pháp điều trị dị dạng lồng ngực bẩm sinh chủ yếu hiện nay là phẫu thuật. Những trường hợp dị dạng lồng ngực mức độ nặng, ảnh hưởng chức năng tim phổi hay kết hợp dị tật tim bẩm sinh nên được điều trị sớm. Độ tuổi điều trị tốt nhất thường từ 7 đến 15 tuổi, các bệnh nhân lớn tuổi vẫn có thể phẫu thuật nhưng ở mức độ khó khăn hơn. Nếu phẫu thuật sớm quá, xương chưa phát triển hoàn thiện, ngược lại nếu điều trị muộn quá khi khung xương đã định hình, bệnh nhân sẽ rất đau.
Chỉ định phẫu thuật gồm một trong các yếu tố sau:
- Có triệu chứng của chèn ép tim phổi: Khó thở, tức ngực, hạn chế vận động thể lực.
- Yếu tố thẩm mỹ: Lõm ngực chưa gây ra triệu chứng nhưng xấu về mặt thẩm mỹ.
- Yếu tố tâm lý: Trẻ tự ti, ngại tiếp xúc với mọi người.
- Chỉ số đánh giá mức độ biến dạng lồng ngực nặng.
Riêng đối với những trẻ bị dị dạng lồng ngực từ nhẹ đến trung bình và chưa có chỉ định phẫu thuật các bác sĩ sẽ chỉ định vật lý trị liệu. Các bài tập có thể giúp cải thiện hình dáng ngực cũng như giảm triệu chứng khó chịu dưới sự hướng dẫn của cán bộ vật lý trị liệu.
Hoạt động thể chất thường xuyên cũng có thể hữu ích với những trường hợp dị dạng lồng ngực nhẹ. Lưu ý là trẻ cần chọn môn thể thao phù hợp với độ tuổi và không nên tập quá sức.
Tóm lại: Dị tật lồng ngực bẩm sinh là do sự phát triển không bình thường của xương ức và các sụn sườn làm lồng ngực lõm sâu xuống thành hố. Lõm ngực nếu không điều trị thì tùy theo mức độ sẽ gây các vấn đề về đau do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim phổi, ảnh hưởng đến hoạt động thể lực. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng, cha mẹ cần cho trẻ thăm khám sớm nếu có dấu hiệu nghi ngờ.
BS. Trần Anh Tuấn